Năng lượng mặt trời có tiềm năng rất lớn, cần đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác.
Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và môi trường ô nhiễm, việc ưu tiên phát triển nguồn năng lượng mới là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Đổi mới công nghệ năng lượng
Được tổ chức 2 năm một lần, đây là lần đầu tiên ICSET diễn ra ở Việt Nam. Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 80 nhà nghiên cứu và học giả hàng đầu đến từ các trường đại học (ĐH), viện nghiên cứu, doanh nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất trong lĩnh vực năng lượng trong nước và quốc tế như Mỹ, Đức, Australia, Singapore, Nhật Bản...
PGS.TS Tạ Cao Minh, đại diện Ban Tổ chức cho biết, trong số 120 báo cáo nhận được từ 250 nhà nghiên cứu, có nhiều công trình có giá trị lớn về mặt khoa học và thực tiễn. Hơn 30 chủ đề đa dạng bao phủ hầu khắp các lĩnh vực công nghệ năng lượng như: Quang điện và năng lượng mặt trời, hệ thống năng lượng gió, pin nhiên liệu, lưới điện thông minh, năng lượng sinh học và năng lượng địa nhiệt, ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực năng lượng… Không ít báo cáo khoa học trình bày tại hội nghị được nghiên cứu, phát triển bởi các nhà khoa học trẻ. Một số kết quả nghiên cứu đã được thương mại hóa, chuyển giao công nghệ cho các đối tác doanh nghiệp, có giá trị thực tiễn và ứng dụng cao trong cuộc sống.
Đáng chú ý, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), GS Konstantin Turitsyn đã giới thiệu về các công cụ toán học thế hệ mới cho mạng lưới điện thông minh và bền vững. Đây là một giải pháp nhằm phòng ngừa các sự cố xảy ra trong lĩnh vực năng lượng.
TS Vũ Thành Long, nhà khoa học kiêm giảng viên của Học viện Công nghệ Massachussets, cũng chia sẻ về việc đang ấp ủ dự án về năng lượng mới cho Việt Nam. Theo TS Vũ Thành Long, năng lượng tái tạo quy mô lớn ngày càng được các nước đưa vào hệ thống lưới điện nhằm giảm lượng CO2 phát thải từ Ngành Điện. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo có đặc tính là hoạt động hệ thống, chi phí cao và có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định lưới điện.
Tại hội nghị, TS Long đã giới thiệu một hình thức chứng nhận sự ổn định của lưới điện, cách tiếp cận để đánh giá sự ổn định, cung cấp các chứng chỉ ổn định theo thời gian thực. Qua bài trình bày về việc sử dụng hai máy phát điện cảm ứng để tăng cường ổn định điện áp và giải quyết các vấn đề kinh tế, TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, đưa ra phương pháp để tính toán giá công suất phản kháng để tăng độ ổn định điện áp cho hệ thống điện năng, sử dụng các nghiên cứu để mô phỏng máy phát điện gió.
Nhiều diễn giả khác cũng đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu, xu hướng mới nhất trên thế giới, ứng dụng điện - điện tử trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý và đổi mới công nghệ năng lượng, các loại hình sản phẩm, dịch vụ đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới.
Tập trung khai thác nguồn năng lượng mới
Từ góc nhìn của lãnh đạo một trường ĐH kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: Năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm được ưu tiên chú trọng và phát triển. Vấn đề năng lượng tái tạo phục vụ sự phát triển bền vững không chỉ là mối quan tâm của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam mà còn có quy mô toàn cầu trong hiện tại và tương lai.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Khánh cũng cho biết, nhiều quốc gia đã thành công trong việc nghiên cứu tìm nguồn năng lượng thay thế, bền vững và không gây ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu các nguồn năng lượng mới ngày càng cần thiết và cấp bách. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác các nguồn năng lượng mới có nhiều tiềm năng phát triển như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản xuất… là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2016-2020 có xác định đến năm 2030, trong đó đã đề rõ mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng và lộ trình áp dụng cho từng ngành sản xuất công nghiệp, khuyến khích sử dụng các trang thiết bị, phương tiện có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và bảo vệ môi trường, tập trung khai thác các nguồn năng lượng mới, có tiềm năng phát triển ở Việt Nam.