Tin thế giới

VICEM đồng loạt đầu tư hệ thống thu nhiệt khí thải để phát điện

Thứ năm, 25/7/2024 | 09:00 GMT+7
Áp dụng công nghệ, tận dụng nhiệt khí thải của ngành xi măng có thể giúp các nhà máy tiết kiệm một lượng điện năng lớn. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, hiệu quả có thể lên tới 50%.

Hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện tại Nhà máy Xi măng Bút Sơn. Ảnh: Vicem Bút Sơn.

Chi phí đầu vào tăng cao trong khi sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm dẫn đến cung vượt cầu, nhiều đơn vị thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đang đối diện với giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử. Trong khi chờ đợi các kiến nghị hỗ trợ từ chính sách, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chủ động áp dụng giải pháp kỹ thuật nhằm tiết giảm chi phí, điển hình là triển khai việc tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.

Theo tính toán của các chuyên gia, áp dụng công nghệ, tận dụng nhiệt khí thải của ngành xi măng có thể giúp các nhà máy tiết kiệm một lượng điện năng tương đối lớn. Đặc biệt nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng, hiệu quả có thể lên tới 50%.

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, một trong những giải pháp doanh nghiệp cần thực hiện là đầu tư các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản suất các sản phẩm vật liệu xây dựng. Trong đó, đặc biệt là các nhà máy sản xuất clinker và xi măng để sử dụng phục vụ sản xuất, tiết giảm chi phí điện năng.

Ngay từ đầu năm 2024, VICEM đã định hướng tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực chủ yếu gồm: dự án đầu tư mỏ nguyên liệu; nhóm dự án đầu tư chiều sâu; triển khai hoàn thiện dự án Trung tâm Điều hành và Giao dịch VICEM. Đặc biệt, VICEM dồn trọng tâm vào các dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.

Kế hoạch này nhanh chóng được các đơn vị thành viên “hiện thực hóa”. Cuối quý II vừa qua, Công ty CP Xi măng Vicem Tam Điệp đã ký kết hợp đồng EPC gói thầu số 1 (thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình)cho dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện - Nhà máy Xi măng Vicem Tam Điệp.

Sơ đồ hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện. Ảnh minh họa.

Theo đó, Vicem Tam Điệp đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 và đơn vị trúng thầu là Liên danh Sinoma International Engineering Co., Ltd - Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 234 - Công ty CP Xây dựng Công nghiệp T&TCONS trúng thầu với giá 220,986 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 13 tháng, loại hợp đồng trọn gói.

Dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện tại Nhà máy Xi măng Vicem Tam Điệp nhằm mục tiêu tiết kiệm lượng điện 36.000 MWh, góp phần giảm tải điện lưới quốc gia; giảm lượng phát thải CO₂ và nhiệt thừa ra môi trường, góp phần cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Từ đó, tạo ra những sản phẩm xi măng chất lượng, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu.

Sự kiện này cũng mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển bền vững của Vicem Tam Điệp. Dự án hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia. Gói thầu có dự toán 224,21 tỷ đồng.

Cùng đó, một thành viên khác của Tổng công ty VICEM là Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng vừa ký hợp đồng gói thầu số 1 “Cung cấp thiết kế, thiết bị, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, gia công chế tạo và lắp đặt” cho dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện tại Nhà máy Xi măng Hoàng Mai.

Tại dự án này, nhà thầu gói thầu số 1 và đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Công trình Xi măng Nam Kinh C-HOPE & Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME). Dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện tại Nhà máy Xi măng Hoàng Mai nhằm mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm thiểu khí thải ra môi trường, và tăng cường hiệu quả sản xuất.

Theo lãnh đạo Công ty Vicem Hoàng Mai, dự án này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của ngành công nghiệp xi măng.

Cùng tại khu vực phía Bắc, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch cũng đầu tư 426 tỷ đồng xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải lò nung, dự kiến thời gian thực hiện trong 16 tháng. Hiện Vicem Hoàng Thạch đang triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Gói thầu số 1 trị giá 345,258 tỷ đồng là cung cấp thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; thiết bị, vật tư nhập khẩu và dịch vụ kỹ thuật; thực hiện thuế nhập khẩu, thủ tục hải quan và vận chuyển thiết bị từ cảng về nhà máy (trừ nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu); mua sắm thiết bị, vật tư trong nước; gia công chế tạo thiết bị, vật tư, xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Dự kiến trong quý IV/2024, Vicem Hoàng Thạch sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 2 (Giám sát xây dựng, gia công chế tạo và lắp đặt với 2,742 tỷ đồng và Gói thầu số 3 là Bảo hiểm công trình trị giá 1,108 tỷ đồng…

Hiện nay, một đơn vị khác trong gia đình VICEM là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng cũng đang chào mời thầu EPC cho dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện với gói thầu số 1 là thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) thuộc dự án "Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt khí thải để phát điện". Gói thầu có giá 221,66 tỷ đồng, do VICEM Hải Phòng làm chủ đầu tư, thực hiện từ nguồn vốn tự có và vốn vay thương mại của doanh nghiệp.

Đây là 1 trong số 12 gói thầu thuộc dự án "Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt khí thải để phát điện" của Vicem Hải Phòng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 277 tỷ đồng, tận dụng nhiệt khí thải để phát điện từ dây chuyền sản xuất clinker với công suất lắp đặt là 5MW.

Tận dụng nhiệt thừa khí thải giúp Vicem Bút Sơn cung cấp từ 25-30% lượng điện sử dụng cho toàn nhà máy. Ảnh: Vicem Bút Sơn.

Trong “gia đình” VICEM, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn là đơn vị đầu tiên tại phía Bắc đã hoàn thành và đưa vào khai thác dự án “Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện”.

Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh đánh giá, Vicem Bút Sơn đã tiên phong đi đầu trong các đơn vị sản xuất xi măng trong VICEM về đổi mới sáng tạo cũng như đảm bảo tiến độ dự án, sớm đưa công trình vào sử dụng để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Dự án này có tổng công suất lắp đặt 12 MW. Sau 10 tháng khởi công xây dựng, dự án hoàn thành, đưa vào chạy thử đâu fnawm 2024. Tổng giám đốc Vicem Bút Sơn Đỗ Tiến Trình cho biết, kết quả, toàn bộ 2 dây chuyền hoạt động ổn định. Tổng công suất phát trung bình của 2 dây chuyền là 12,3 MW vượt so với công suất lắp đặt; Điện năng tự dùng trung bình là 5,69% công suất phát, giảm so với chỉ tiêu của hợp đồng là 7%; tiêu thụ nước thô giảm so với chỉ tiêu của hợp đồng là 0,01m3/Kwh.

Công trình đưa vào hoạt động giúp cung cấp từ 25-30% lượng điện sử dụng của toàn nhà máy, mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện là hệ thống phát điện sạch và xanh, làm giảm khí thải nhà kính, giảm bụi, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị - ông Trình phân tích.

Đây cũng là một trong những hoạt động của Vicem Bút Sơn nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hiệu quả từ việc đầu tư hệ thống thu nhiệt khí thải để tận dụng phát điện phục vụ sản xuất, nhằm tiết giảm chi phí đầu vào đang là hướng đi đúng của các doanh nghiệp VICEM.

Link gốc

 

Theo: BNews