Tin thế giới

Vai trò của ASEAN trong chuỗi cung ứng năng lượng Mặt Trời toàn cầu

Thứ tư, 19/10/2022 | 10:37 GMT+7
Khi thế giới đẩy mạnh chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Đông Nam Á đang nổi lên là một trong những thị trường năng lượng Mặt Trời phát triển nhanh nhất.
 
Một nhà máy điện Mặt Trời nổi tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng đối với điện, thời tiết nắng ấm và các chính sách của chính phủ, sự phát triển năng lượng Mặt Trời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng tốc trong những năm gần đây; và các nhà quan sát ngành này cho rằng ASEAN là một bên tham gia then chốt trong chuỗi giá trị này trong tương lai. 
 
Năng lượng Mặt Trời được dự báo là tạo ra tác động lớn nhất đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo báo cáo của Công ty tư vấn quản lý Bain & Co, mảng này mang lại cơ hội trị giá 20 tỷ USD vào năm 2030 và là một trong những đòn bẩy giảm thiểu carbon hàng đầu cho Đông Nam Á. 
 
Sản xuất điện trong khu vực phụ thuộc rất nhiều vào than đá và dầu mỏ. Tuy nhiên, các quốc gia như Singapore và Thái Lan đã bắt đầu thực hiện một số dự án năng lượng Mặt Trời.
 
Ông Gregory Seow, người đứng đầu phụ trách lĩnh vực ngân hàng toàn cầu của Ngân hàng Maybank Singapore, cho rằng sự khởi động này là vì ASEAN đang ưu tiên năng lượng Mặt Trời, coi đó là nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các kế hoạch phát triển điện năng gần đây. Ông lưu ý tiềm năng của khu vực củng cố vị trí của nó trong lĩnh vực này và được thúc đẩy bởi nhu cầu điện cao với tổng dân số khoảng 673 triệu người.
 
Ông Seow bổ sung: “ASEAN cũng đang tìm cách gia tăng sự chi phối của mình trong chuỗi cung ứng năng lượng Mặt Trời toàn cầu thông qua ba phương thức: đưa ra luật mới về năng lượng tái tạo; tăng cường lắp đặt quy mô lớn năng lượng Mặt Trời và năng lượng Gió; lắp đặt các tấm pin Mặt Trời nổi”.
 
Báo cáo năm 2022 của Bain & Co lưu ý các phân khúc phát triển dự án quy mô thương mại và công nghiệp đem lại các cơ hội đầu tư hấp dẫn nhất do sự “trưởng thành” của thị trường và lợi nhuận tiềm tàng, với tỷ suất hoàn vốn nội bộ ước tính từ 8-15%.
 
Quy mô thị trường Đông Nam Á cho hai lĩnh vực này dự kiến mang lại lợi nhuận 16-20 tỷ USD vào năm 2030. Và trong khi Trung Quốc vẫn là bên tham gia thống trị trên thị trường năng lượng Mặt Trời toàn cầu, họ đã và đang gia tăng đầu tư năng lượng Mặt Trời vào ASEAN cho phù hợp với các dự án “Vành đai, Con đường” của mình trong khu vực.
 
Tháng Bảy vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng sự thống trị của Trung Quốc trên các thị trường tấm pin năng lượng Mặt Trời toàn cầu đã dẫn đến một chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào thị trường duy nhất đó. Theo IEA, Trung Quốc nắm giữ hơn 80% thị phần cho tất cả các công đoạn sản xuất tấm pin Mặt Trời. 
 
Khi các chính phủ bắt đầu tập trung nhiều hơn vào việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng tấm pin Mặt Trời, Đông Nam Á có thể nổi lên là một bên tham gia quan trọng trong việc sản xuất điện bền vững.
 
Nỗ lực của các chính phủ 
 
Công ty cung cấp dịch vụ thông tin IHS Markit lưu ý, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia chiếm gần 98% công suất năng lượng Mặt Trời trong khu vực. 
Mặc dù Singapore khan hiếm đất đai có ít lựa chọn hơn cho năng lượng tái tạo, nhưng chính phủ nước này có những tham vọng lớn cho ngành năng lượng Mặt Trời. “Đảo quốc sư tử” đặt mục tiêu triển khai ít nhất 2 gigawatt tối đa (GWp) năng lượng Mặt Trời vào năm 2030, có thể cung cấp điện cho khoảng 350.000 hộ gia đình trong một năm.
 
Được lãnh đạo bởi Ban Phát triển Kinh tế (EDB) và Ban Phát triển Nhà ở (HDB), chương trình SolarNova đã được khởi động vào năm 2014 và nhằm mục đích đẩy mạnh việc triển khai các hệ thống quang điện Mặt Trời (PV) ở Singapore. HDB đã công bố mục tiêu năng lượng Mặt Trời mới là 540 megawatt tối đa (MWp) vào năm 2030, sau khi đạt được mục tiêu trước đó là 220 MWp. 
 
Singapore đã trở thành một trong những thành phố có mật độ năng lượng Mặt Trời cao nhất thế giới. Nước này đã tăng công suất năng lượng Mặt Trời lên hơn 7 lần kể từ năm 2015. Bên cạnh việc xây dựng các trang trại Mặt Trời nổi trên các hồ chứa, quốc gia này cũng đang thí điểm lắp đặt một loại hệ thống tấm pin Mặt Trời nổi mới ở trên biển và chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. 
 
Thái Lan, nhà sản xuất năng lượng Mặt Trời lớn nhất ở Đông Nam Á, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo được sử dụng để sản xuất điện lên 50% vào năm 2050, từ mức 20% năm 2021.  
 
Các nhà đầu tư đang được cung cấp biểu giá điện hỗ trợ (FiT) để khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng Mặt Trời – tương tự như Việt Nam, quốc gia có ngành năng lượng Mặt Trời tăng trưởng theo cấp số mũ. FiT là chính sách nhằm khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo bằng việc mua năng lượng với giá cố định, dài hạn trên thị trường. 
 
Tháng Chín vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã công bố quy định cho các nhà máy điện mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo từ năm 2022 đến 2030 theo kế hoạch FiT, mà không cần họ phải trả phí nhiên liệu. 
 
Indonesia, quốc gia có dân số lớn nhất khu vực, đã đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 23% tổng năng lượng vào năm 2025 và ít nhất 31% vào năm 2050. Một số công ty than lớn nhất của nước này, nhận thức được sự chuyển hướng trên toàn cầu, đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời.
 
Những “nút thắt” 
 
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức. Ông Shawn Chen, Giám đốc kinh doanh Công ty logistics CH Robinson, cho rằng tính chất quần đảo của Indonesia góp phần gây khó khăn cho cơ sở hạ tầng vận chuyển nguyên liệu năng lượng Mặt Trời. Ông lưu ý khi các dự án năng lượng Mặt Trời được đẩy mạnh, nhiều nguyên liệu và tấm pin năng lượng Mặt Trời có giá trị cao và quá khổ sẽ cần được vận chuyển trên khắp khu vực với tốc độ nhanh hơn.
 
Dale Hardcastle, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo bền vững toàn cầu thuộc Bain & Co, nhận xét mỗi quốc gia có những “nút thắt” riêng có thể khiến các dự án năng lượng Mặt Trời gặp thách thức. Theo ông Dale Hardcastle, các biện pháp khuyến khích được lựa chọn ở Đông Nam Á không có lợi (ví dụ, các FiT đã hết hạn hoặc không rõ ràng ở Philippines và Việt Nam) và các chính sách không được hỗ trợ (ví dụ, các công ty thuộc sở hữu nhà nước ở Indonesia phải đối mặt với những đòi hỏi nghiêm ngặt có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện, và ở Thái Lan không có sự chấp thuận các dự án quy mô lớn theo FiT).
 
Ông cũng nói thêm rằng để các dự án mở rộng quy mô đáng kể cần tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với các nhà cung cấp vốn để cải thiện các điều kiện tài chính cho các dự án xanh. Đông Nam Á cũng có thể đóng một vai trò quan trọng sau khi những sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển các tấm pin Mặt Trời, pin dung lượng cao, bộ điều khiển sạc và các nguyên liệu thô thiết yếu khác.
 
Những nguyên liệu này chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, hầu như không có nhà sản xuất chuyên biệt nào hiện diện ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, khu vực này đang trở thành vệ tinh cho các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm cách lách các lệnh trừng phạt của Mỹ.
 
Theo ông Gregory Seow, ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực thông qua các chính sách pháp lý, tận dụng công nghệ và phát triển các mối quan hệ đối tác hợp tác khu vực hướng tới phát triển bền vững năng lượng Mặt Trời nhằm gia tăng vị thế của mình trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời.
 
Theo: BNews