Vì một ước mơ xanh!

Thứ năm, 7/9/2017 | 14:14 GMT+7
Thế là sau một thời gian dài, giá trị nơi ở của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng được đo bằng mét vuông cứng nhắc và bất biến, thì nay giá trị ấy đã mất vị trí độc tôn bởi những giá trị “mềm” khác, như hạ tầng xã hội, điều kiện môi trường sống, tiết kiệm năng lượng...


Ảnh minh họa.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam đã khởi động “Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam” dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) và nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này.
 
Với sự tham gia của nhiều bộ, ngành của Trung ương và các tổ chức quốc tế, có nghĩa là thị trường BĐS của Việt Nam đang dịch chuyển sang một chương mới, văn minh hơn, hiện đại hơn, phù hợp với tiến trình hội nhập hơn.
 
Vậy công trình xanh là gì?
 
Theo các chuyên gia, mặc dù mỗi bộ tiêu chí đánh giá về công trình xanh ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia có những quy định riêng nhưng có thể hiểu, công trình xanh là công trình xây dựng mà trong suốt niên hạn sử dụng của công trình, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành đều phải hướng tới yêu cầu đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu; hạn chế tối thiểu chất thải ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.
 
Chẳng hạn, ngay từ khâu thiết kế, việc chọn hình khối, kiểu dáng công trình không chỉ thuần túy về phương diện thẩm mỹ kiến trúc mà còn có tác dụng tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng và vận hành, sử dụng. Thứ tự ưu tiên lựa chọn hình khối nhà cao tầng để tiết kiệm năng lượng gồm rất nhiều lựa chọn, như khối trụ tròn, khối đa diện đều, khối trụ vuông, khối trụ chữ nhật rồi mới đến các khối có hình thù lồi lõm phức tạp khác. Trong việc sử dụng kính, bề mặt kính trong các công trình xanh không chỉ thụ động chỉ ngăn nhiệt từ ngoài vào trong mà giảm thiểu truyền tải nhiệt ra ngoài. Kính còn có khả năng chủ động thu năng lượng chuyển hóa thành dạng năng lượng phục vụ sinh hoạt của tòa nhà.
 
Vấn đề tiết kiệm năng lượng cùng với việc sử dụng cây xanh là một trong những tiêu chí rất được coi trọng. Không gian xung quanh công trình được xanh hóa sẽ tạo môi trường không khí có nhiệt độ thấp hơn, mát hơn, sạch hơn, ít phải sử dụng điều hòa không khí và tiết kiệm điện năng một cách rõ rệt.
 
Trong các tòa nhà cao tầng, việc sử dụng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng như đèn LED, compact… với hệ thống điều khiển thông minh giúp giảm hoặc cắt hẳn lượng chiếu sáng khi không cần thiết bằng các sensor, điều khiển tự động độ sáng của đèn theo ánh sáng ngoài trời hoặc tự tắt đèn khi không có người sử dụng. Hoặc như tận dụng nước mưa và nước thải từ vòi sen, vòi rửa tay, máy giặt được xử lý và tái sử dụng cũng góp phần tiết kiệm năng lượng. Sử dụng các thiết bị vệ sinh thế hệ mới có thể tiết kiệm được 20% lượng nước sử dụng. Sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời kết hợp thêm hệ thống đun nóng dùng điện (hoạt động khi trời không nắng). Đồng thời, sử dụng thiết bị điều hòa không khí theo công nghệ biến tần inverter kết hợp với điều hòa không khí bằng năng lượng mặt trời; hay hệ thống điều hòa trung tâm với hệ thống cảm ứng tự điều chỉnh nhiệt độ trong phòng phù hợp với nhiệt độ ngoài trời...
 
Các chuyên gia xây dựng cho biết, dù ở Việt Nam hay thế giới, để xây dựng những tòa nhà, công trình tiết kiệm năng lượng thì chi phí xây dựng có thể tăng 10-30% nhưng mang lại mức tiết kiệm khoảng 20% chi phí năng lượng so với các công trình khác. Mặt khác, tuổi thọ các công trình xây dựng rất dài, 50-100 năm. Do đó, các công trình áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng về lâu dài sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho cả chủ công trình và xã hội.
 
Việt Nam ta hiện mới chỉ có 61 công trình xanh ở các giai đoạn khác nhau. Trong đó có 36 dự án theo chứng nhận LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, 13 dự án theo chứng nhận LOTUS của VGBC và 12 dự án theo chứng nhận Green Mark của Bộ Xây dựng Singapore. Con số này quá nhỏ bé khi so với Singapore là 2.100 dự án, Australia là 750 dự án.
 
Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn của Việt Nam đã cam kết hưởng ứng “Chương trình phát triển công trình xanh và bền vững” này, như Capital House, Tổng Công ty Viglacera, CEO Group, Alphanam Group, Công ty Phúc Khang, Công ty TNHH Cao ốc Quốc tế Hồ Tây, Tập đoàn FLC... Trong đó, Capital House là đơn vị tiên phong và cam kết tài trợ 1 triệu USD (khoảng 22 tỉ đồng) cho chương trình này trong vòng 5 năm.
 
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: “Đối với Việt Nam, một quốc gia được dự báo là sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu; dù có phản ứng chậm hơn thế giới, nhưng từ những năm 2000, chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực mà điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác”.
 
Năng lượng Mới