Quản lý năng lượng

Vì sao cần đưa vào Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cơ chế kiểm soát bắt buộc đối với sử dụng năng lượng?

Thứ hai, 24/2/2025 | 10:38 GMT+7
Sau 15 năm triển khai thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật này và các quy định liên quan, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng sang xanh, tiến tới trung hoà các-bon (Net zero) vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26. 

Quang cảnh cuộc họp.

Theo các chuyên gia, với cam kết này Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật SDNLTK&HQ theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng như trước đây. 

Bộ Công Thương khẳng định việc sửa Luật SDNLTK&HQ là hết sức cần thiết khi nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đây là một trong 5 khâu cần được quan tâm của ngành điện (bao gồm nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện). Vì vậy, Bộ Công Thương đang khẩn trương rà soát, lấy ý kiến bổ sung đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm kịp thời trình Chính phủ trong tháng 02/2025 cũng như đáp ứng các yêu cầu trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 năm 2025 (theo quy trình một kỳ họp).

Có 4 chính sách cần sửa đổi của Luật, bao gồm: Chính sách về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực SDNLTK&HQ; Chính sách về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực SDNLTK&HQ; Chính sách, quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực SDNL TK&HQ; Chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Việc sửa đổi được bám sát vào các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như các cam kết quốc tế và xu hướng chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu góp ý tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Hải Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và PTBV, Bộ Công Thương cho biết: "Việc sửa Luật lần này chúng ta căn cứ vào Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 240/NQ-CP, Nghị quyết 140 của Chính phủ liên quan đến vấn đề đảm bảo năng lượng quốc gia, hài hòa với các xu hướng đang diễn ra trên thực tế". 

Đánh giá cao các nội dung được sửa đổi, bổ sung vào Luật SDNL TK&HQ lần này, song ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn để bắt buộc các đối tượng sử dụng nhiều năng lượng phải sử dụng hiệu quả năng lượng thông qua đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ.

"Luật phải thiết kế được việc sử dụng tiết kiệm năng lượng bắt buộc vì phần lớn những giai đoạn trước là chúng ta khuyến khích. Ví dụ trong lĩnh vực công nghiệp thì chúng ta chỉ bắt buộc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm áp dụng các biện pháp cụ thể trong TKNL còn phần lớn các doanh nghiệp khác thì tự nguyện áp dụng. Mà các doanh nghiệp trọng điểm thì hiện nay chúng ta mới có khoảng 3.500 cơ sở. Cho nên Bộ luật này chúng ta phải thiết kế làm sao để tăng cường những biện pháp, giải pháp bắt buộc, tương tự như chương trình dán nhãn năng lượng vậy. Đầu tiên chúng ta chỉ khuyến khích cộng đồng sử dụng nhãn năng lượng một cách tự nguyện, nhưng đến bây giờ chúng ta bắt buộc rồi. Chúng ta sẽ áp dụng như vậy và càng ngày mức độ áp dụng để làm sao để các doanh nghiệp công nghiệp hiện tại đang vận hành tại Việt Nam chiếm khoảng 70-80% như các nước. Hiện nay chúng ta mới chỉ quản lý được khoảng 3.500 cơ sở là rất ít, trong khi mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm này vào khoảng 10-15 % / năm thì số lượng là rất lớn".

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Công Thịnh - Vụ KHCN, Bộ Xây dựng nêu dẫn chứng cụ thể: "Tại Điều 5 quy định của Luật hiện hành là có 5 chính sách trong đó có 2 chính sách khuyến khích, 3 chính sách mang tính gọi là thúc đẩy áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cân nhắc xem có nên đưa một số chính sách về việc kiểm soát hoặc bắt buộc việc tuân thủ quy định về sử dụng NL TK&HQ ít nhất là đối với việc sử dụng năng lượng trọng điểm".

Các phân tích chỉ ra rằng, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích trong lĩnh vực SDNLTK&HQ quy định tại Luật còn khoảng trống, hoạt động kiểm toán năng lượng có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng kiểm toán năng lượng còn thấp do chưa được kiểm soát một cách đầy đủ. Đặc biệt, Luật chưa quy định hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế thực hiện các hợp đồng hiệu quả năng lượng theo mô hình ESCO. 

Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất: "Thứ nhất chúng ta phải xác định quan điểm việc sử dụng tiết kiệm hiệu quả là trách nhiệm, quy định của pháp luật chứ không phải là khuyến khích. Chính vì vậy chúng ta phải nhấn mạnh đây là một giải pháp quan trọng để hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Thứ hai là tăng cường công tác kiểm toán và nhấn mạnh vai trò của các công ty dịch vụ năng lượng ESCO, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong việc tạo môi trường để các công ty dịch vụ năng lượng có thể thành lập và vận hành được. Ngoài ra, đề nghị trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao cho các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính ban hành quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và các cơ chế tài chính đi theo".

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh, mục tiêu chính của Đề xuất sửa đổi một số điều của Luật SDNLTK&HQ là tháo gỡ các rào cản, nâng cao tính thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động sử dụng năng lượng, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và SDNLTK&HQ. Bên cạnh đó Luật sửa đổi sẽ hoàn thiện các quy định quản lý hoạt động về SDNLTK&HQ đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng; Tăng cường các cơ chế ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về SDNLTK&HQ.

Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tăng trung bình khoảng 7%/năm, riêng nhu cầu về điện tăng trưởng trung bình 9,5%/năm, thậm chí là hai con số để đáp ứng tăng trưởng GDP. Ngành năng lượng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SDNLTK&HQ và các hoạt động của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho ngành năng lượng, đưa Việt Nam thực hiện lộ trình trung hoà các bon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP 26.

Nguyên Long