Diễn đàn năng lượng

Việt Nam tham dự Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 7

Thứ tư, 17/3/2021 | 15:35 GMT+7
Ngày 16/3, Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin (BETD) lần thứ 7 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của nhiều chính trị gia cấp cao, các nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các đại biểu tham luận tại phiên đối thoại trong khuôn khổ Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 7. Ảnh: Mạnh Hùng/Pv TTXVN tại Đức.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã tham dự phiên đối thoại và trình bày về lộ trình năng lượng của Việt Nam.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, với tiêu đề "Chuyển đổi năng lượng - hướng tới trung lập về khí hậu", diễn đàn đối thoại đã khai mạc tại Berlin với bài phát biểu của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier. Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện thành công việc chuyển đổi năng lượng, trong bối cảnh nỗ lực này đang nhận được sự ủng hộ toàn cầu, từ việc Mỹ quay trở lại với chính sách bảo vệ khí hậu đến việc các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết hướng tới trung hòa carbon. Ông nhấn mạnh, với sự chuyển đổi năng lượng và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang dần khép lại, thế giới sẽ thay đổi đáng kể trong những thập kỷ tới. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Altmaier, nếu có hướng tiếp cận thông minh, quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ khí hậu sẽ không mâu thuẫn với sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Thay vào đó, việc chuyển đổi năng lượng có tiềm năng trở thành động cơ cho sự đổi mới và tăng trưởng bền vững.
 
Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh châu Âu đã tuyên bố sẽ trở thành lục địa trung hòa về carbon đầu tiên vào năm 2050. Tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo EU đồng ý mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030, một phần trong cam kết thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
 
Theo bà von der Leyen, để đạt được mục tiêu này khi năm 2030 đã gần kề, châu Âu cần hành động ngay lập tức, trong đó có việc sẽ sửa đổi luật về khí hậu và năng lượng vào mùa Hè này cho phù hợp với mục tiêu đề ra. Cụ thể, châu Âu sẽ củng cố hệ thống giao dịch khí thải, ứng dụng mạnh mẽ trong ngành hàng không và mở rộng sang cả lĩnh vực hàng hải, bên cạnh áp dụng cho các tòa nhà và lĩnh vực giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, châu Âu sẽ đưa ra các đề xuất để thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Ngoài ra, châu Âu sẽ đẩy mạnh đầu tư xanh, trong đó sẽ phải đầu tư thêm khoảng 350 tỷ euro/năm cho hệ thống năng lượng trong thập kỷ tới hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững. Tại diễn đàn, Đặc phái viên về khí hậu của Chính phủ Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ và Đức có thể mang lại niềm tin cho nỗ lực thực hiện mục tiêu bảo vệ khí hậu. Ông nhấn mạnh Mỹ và Đức "đang ở trên cùng chiến tuyến về các mục tiêu cơ bản", nhấn mạnh cần đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu mở rộng nguồn năng lượng tái tạo, giải phóng khí thải khỏi ngành năng lượng, trong đó cần bãi bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
 
Tham dự đối thoại từ đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã chia sẻ về lộ trình thiết lập thị trường điện lực và thị trường năng lượng đã được phê duyệt của Việt Nam, hướng tới sự phát triển năng lượng hiệu quả bền vững, là công cụ quan trọng cho sự tham gia của các nhà cung cấp và sản xuất độc lập cũng như đáp ứng sự lựa chọn của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng nguồn năng lượng tái tạo nhằm cung cấp năng lượng cho hệ thống điện lực quốc gia, trong đó nhấn mạnh yếu tố công nghệ tiên tiến cần có để đáp ứng nhu cầu phân phối, vận hành và quản lý hệ thống.
 
Trong hai ngày diễn ra đối thoại, các đại biểu sẽ thảo luận về chiến lược cấu trúc lại hệ thống năng lượng toàn cầu nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng. Lần đầu tiên tại BETD, Mỹ có sự tham dự của Đặc phái phiên về khí hậu John Kerry và Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm. Tại đối thoại, phiên thảo luận chung giữa các quan chức Đức, Mỹ, Canada, Italy và EU sẽ bàn về cơ hội hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong chính sách chuyển đổi năng lượng.
 
Đối thoại về chuyển đổi năng lượng là sự kiện thường niên được Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức tổ chức từ năm 2015 đến nay, với mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng sạch cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn thế giới.

Link gốc
Theo: Báo Tin tức