PC Phú Yên hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.
Trước đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/05/2023 cũng đã khẳng định giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là một trong các giải pháp, nguồn lực để thực hiện thành công Quy hoạch này.
Hai Quy hoạch chuyên ngành kể trên đều đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hoá các mục tiêu TKNL đặt ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Nguồn lực nào để hiện thực hoá các mục tiêu đã đề ra? Loạt bài 3 kỳ “Vốn đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong hành trình tiến đến Net Zero” của PV Nguyên Ngọc sẽ đi sâu tìm hiểu vấn đề vốn - nguồn lực quan trọng để hiện thực hoá tiềm năng TKNL ở Việt Nam.
Bài 1. Cơ hội tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi xanh trong sản xuất công nghiệp
Các báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, các ngành công nghiệp hiện đang sử dụng hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Chỉ tính riêng gần 2.600 cơ sở sản xuất công nghiệp trong danh sách 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021 (theo Quyết định 1480/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đã chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Đáng kể, có những ngành như xi măng, sắt thép đang tiêu tốn quá nhiều năng lượng để cho ra được một đơn vị sản phẩm.
Ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, "Đối với ngành xi măng chẳng hạn, để tạo ra được một tấn xi măng thì cần phải tiêu thụ khoảng 80 kWh điện và khoảng 130 kg than. Thế thì chi phí để mua năng lượng đã tính ra khoảng từ 50-55% về giá trị của 1 tấn xi măng họ bán ra. Như vậy là ngành sản xuất xi măng thực ra là ngành tiêu thụ năng lượng đến hơn 50% giá thành sản phẩm rồi…".
Dẫn chứng này phần nào lý giải vì sao hệ số đàn hồi - tức là hiệu quả sử dụng năng lượng/GDP của Việt Nam - mặc dù đã có bước chuyển đáng kể trong những năm gần đây (đã đưa được từ mức gần 2 xuống còn khoảng 1,3 hiện nay), song vẫn đang còn cao hơn nhiều so với các nước phát triển, kể cả các nước trong khu vực như Thái Lan, Mailaysia… Để đạt được mục tiêu đưa hệ số đàn hồi về mức 1 (thậm chí dưới 1) sau năm 2030 cho thấy còn rất nhiều việc phải làm, ở cả tầm vĩ mô - trong việc chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng xanh hoá - nghĩa là giảm dần các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng (như xi măng, sắt thép…) sang các ngành sử dụng ít năng lượng hơn (như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch…); Đồng thời, đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn trong tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Một con số rất đáng lưu ý từ khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, đó là các ngành công nghiệp có thể tiết kiệm từ 20-30% nguồn năng lượng nếu các giải pháp công nghệ TKNL được coi trọng. Các tính toán cũng chỉ ra rằng, khi các cơ sở sản xuất công nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được hơn 1,4 tỷ kWh, tương đương tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỷ đồng (tính theo giá điện hiện tại).
Trên thực tế, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm đã quan tâm đầu tư các giải pháp TKNL nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính doanh nghiệp. Cùng với đầu tư thay thế thiết bị, công nghệ để giảm trực tiếp nguồn năng lượng đầu vào cho sản xuất, doanh nghiệp còn đặc biệt quan tâm tới các nguồn năng lượng mới và tái tạo như điện mặt trời hay thu hồi nhiệt dư để sản xuất điện…
Ông Nguyễn Hữu Thắng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam - Intech Group (đơn vị hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực cơ khí, tự động hoá và công nghệ) và ông ông Đinh Văn Chung - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất cho biết thực tế "Chúng tôi có set-up những nhà máy mới, đối với những nhà máy này việc xử lý để đảm bảo liên quan đến môi trường được chú trọng ngay từ đầu. Ở đây chúng tôi đầu tư những hệ thống điện năng lượng mặt trời để chung tay phát triển năng lượng xanh. Nếu chúng ta tập trung thúc đẩy thì Việt Nam sẽ hoàn thành được mục tiêu, hoàn thành những cam kết với thế giới, chính chúng ta cũng được hưởng lợi, xã hội được hưởng lợi, con người cũng được hưởng lợi ở hiện tại và tương lai".
Còn ông Chung cho biết, "Hiện nay, mình đang thu hồi nhiệt dư và khí thải phát ra môi trường tận dụng lại để phát điện thì đang đạt trên 70% tổng sản lượng điện mà mình phải sử dụng và hướng đến công ty đang đầu tư cải tạo là sẽ đạt trên 80%...".
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh “sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Từ việc sử dụng điện tiết kiệm trong các hộ tiêu thụ để giảm bớt đi một khoản tiền phải trả, tận dụng ánh sáng tự nhiên, thu hồi nhiệt dư, chất thải để tái sử dụng vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm ô nhiễm ra môi trường… đến nay, nhiều doanh nghiệp đã hướng tới “sản xuất xanh”, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh thông qua sử dụng hiệu quả năng lượng - kết hợp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng và phát huy nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hoàn - một cán bộ trẻ của Phòng kỹ thuật Công ty TNHH Hitachi Astemo Vĩnh Phúc cho biết, "trong những năm tới thì sẽ thay thế những hệ thống điều hòa sử dụng công nghệ biến tần, tiết kiệm năng lượng nhằm đảm bảo mục đích chung của công ty là đến năm 2035 sẽ trung hòa được 50% lượng carbon đến năm 2050 thì sẽ trung hoà 100% lượng carbon…)".
Đáng kể như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, với nguồn lực của một doanh nghiệp mạnh, Vinamlik hiện có trong tay một trang trại, một nhà máy đạt trung hoà các bon. Cuối tháng 5 vừa qua, Vinamilk cũng đã công bố lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo lộ trình vào năm 2027 cắt giảm 15% khí nhà kính, đến năm 2035 cắt giảm 55% khí nhà kính và trung hoà các bon, đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc điều hành nghiên cứu và phát triển Vinamilk, Ban chỉ đạo dự án Net Zero Vinamilk chia sẻ về quá trình doanh nghiệp tiến hành các dự án chuyển dịch xanh: "Đây là quá trình, hành động kép, chúng ta phải cắt giảm lượng phát ra, hấp thụ lượng thừa bằng hành động tạo ra những bể các bon. Mục tiêu giảm thải khí nhà kính để giảm biến đổi khí hậu và để xoá dấu chân các bon của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Cho đến hiện nay một nhà máy và một doanh nghiệp đã đạt trung hoà các bon và chúng tôi đang chuẩn bị cho các nhà máy còn lại. Đầu tư chắc chắn sẽ tốn chi phí nhưng nếu chúng ta có mục đích, có dự án thì phải tính toán chi phí đầu tư và lợi nhuận thu lại nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi thì nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều nếu đầu tư muộn, và lợi nhuận cũng sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu trong nhiều năm trước chúng tôi không thực hiện dự án trồng 1 triệu cây xanh thì bây giờ không thể trung hoà được lượng phát thải chúng tôi phát ra môi trường. Chi phí đầu tư này không chỉ là tiền mà còn là nhân lực, thời gian, đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài và xuyên suốt".
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng như thu hồi lượng nhiệt dư, chất thải để tái sử dụng trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là rất lớn. Song, chi phí để hiện thực hoá các tiềm năng này cũng không hề nhỏ. Và câu hỏi nguồn vốn ở đâu khi tiềm lực hạn chế, và ưu đãi thế nào khi đầu tư vào các dự án cần thời gian đầu tư dài nhưng lộ trình hoàn vốn không nhanh vẫn luôn được các doanh nghiệp đặt ra trong các toạ đàm, hội thảo như thế này.
Nghiên cứu về phát thải các bon thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới hơn 11.000MW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng. Tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước tính vào khoảng 3,6 tỷ USD.
Vốn lớn - nguồn vốn ở đâu cho các cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đầu tư vào TKNL - là nội dung bài 2 của loạt bài “Vốn đầu tư vào TKNL trong hành trình tiến đến Net Zero” sẽ được giải đáp trong 2 bài tiếp theo.
Kỳ 2. Vốn lớn- nguồn nào?