Công nhân vận hành tại thủy điện A Vương. Ảnh: Ngọc Nhơn
“Miếng khi đói bằng gói khi no”
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tại các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2014 đến nay lượng mưa rất ít, thiếu hụt từ 50-90% so với bình quân các năm, nhiều nơi không có mưa, khô hạn diễn ra trên bình diện rộng, các hồ chứa không thể bổ sung nước cho nhau như những năm trước. Tại khu vực Nam Trung bộ này, dung tích các hồ vừa và lớn ở mức thấp dung tích trung bình đạt 33%, nhiều dòng sông trơ đáy, người dân có thể đi bộ qua lại dễ dàng. Sản xuất nông nghiệp tại vùng hạ du Vu Gia – Thu Bồn trải qua thử thách vô cùng khó khăn về nguồn nước.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết thì vụ Hè Thu năm này, Đại Lộc với hơn 4300ha hoa màu thiếu nước trầm trọng, đối mặt với nguy cơ mất trắng. Những công trình phục vụ tưới tiêu, như khơi thông kênh mương, sông hay đắp đập ngăn nước được triển khai mạnh mẽ. Nhưng chính sự phối hợp của địa phương và các hồ thủy điện điều tiết nước hợp lý mà vụ mùa của bà con được đảm bảo, đặc biệt nhờ đợt mưa trong tháng 7 này mà sản lượng nông nghiệp của địa phương dự đoán sẽ thu hoạch ổn định như cùng kì các năm trước. Ông Mẫn khẳng định.
Còn theo góc nhìn của các chủ hồ thủy điện, hạ du có được nguồn nước giải quyết cơn “khát” cho sản xuất chính là nhờ sự may mắn, ông Nguyễn Trâm đại diện chủ hồ A Vương cho biết: “Nhờ vào lượng nước tích được mùa mưa năm 2013, nên hạn hán năm nay, Nhà máy thủy điện A Vương mới có đủ nước đảm bảo điều tiết theo nhu cầu của chính quyền hạ du”. Yêu cầu nước của địa phương vùng hạ du, bắt đầu từ giữa tháng 5 Thủy điện A Vương phải xả 39m3/s, Sông Tranh 2 110m3/s và Đăk Mi 4 50m3/s. Thời điểm xả được thống nhất nhằm đáp ứng mùa vụ của bà con.
Hạn chưa dứt… đã lo phòng bão
Bản đồ lưu vực hệ thống Vu Gia - Thu Bồn và lưu vực sông Bung (màu đỏ).
Miền Trung là vậy, thiên tai, hạn hán rồi bão lũ, người nông dân nơi này dường như sinh ra và sống để ứng phó, để thích nghi với hiện tượng thời tiết khắt nghiệt. Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, được mệnh danh là rốn lũ rốn bão của miền Trung. Chính quyền và người dân ở đây như được lập trình sẵn. Nắng hạn chưa dứt, dù còn đến gần 2 tháng nữa mới đến mùa mưa, nhưng công tác PCLB đã được bắt đầu triểu khai. Hội nghị tổng kết PCLB của huyện vừa được tổ chức, phương án PCLB sẽ ban hành ngay sau đó khoảng nữa tháng. Dự đoán mùa mưa bão năm nay vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, có khoảng 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông đổ bộ vào đất liền của nước ta. Ông Phan Đức Tính – Trưởng ban PCLB huyện Đại Lộc cho biết, đối với thiên tai, nhất là bão lũ, thì việc chủ động phòng tránh phải luôn được chú trọng, vấn đề này không có sự chủ quan theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Công tác sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lỡ, lũ quét… Huyện chủ động xây dựng trước; các công tác chuẩn bị phương tiện cứu hộ, thông tin liên lạc… trên toàn huyện phải được trang bị đầy đủ; phát huy triệt để các sáng tạo trong việc phòng tránh, ứng phó bão lũ.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa cho khu vực hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, A Vương), với các thứ tự ưu tiên như sau: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2; góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện; đồng thời địa phương sẽ quyết định điều tiết nên Quy trình này chắc chắn sẽ giúp giảm lũ cho hạ du hơn. Tuy nhiên theo kế hoạch tiến độ của dự án thủy điện Sông Bung 4, đầu tháng 8 này sẽ tiến hành tích nước hồ chứa. Sông Bung với lưu vực là 2500m2 (trong đó có sông A Vương 682 km2) trong khi đó lưu vực của Vu Gia khoảng 5100 km2, Vu Gia – Thu Bồn là 10.000 km2. Với tỉ lệ diện tích lưu vực khá lớn so với hệ thống Vu Gia – Thu Bồn, nhưng hồ chứa Thủy điện Sông Bung 4 đến nay chỉ có Quy trình vận hành đơn hồ, tức lượng nước của hồ Sông Bung 4 sẽ được quyết định xả theo mực nước của riêng cá nhân hồ đó, không có sự phối hợp với các hồ khác trên cùng lưu vực (ở đây là Vu Gia – Thu Bồn). Theo thông tin từ tỉnh Quảng Nam, sắp đến Tỉnh sẽ có công văn ký kết phối hợp với chủ hồ Sung Bung 4 trong việc vận hành hồ chứa nhằm mục đích giảm lũ cho hạ du được hiệu quả nhất.