Khai giảng khóa Đào tạo truyền tải điện cho học viên Campuchia
|
Từ đó, ACT đã xây dựng được khung chương trình và biên soạn tài liệu giảng dạy chuyên đề cho các lĩnh vực kĩ thuật ngành Điện (Thủy điện, Nhiệt điện, Truyền tải, Trạm biến áp, Lưới phân phối điện và Điện tử - Viễn thông).
Hiện nay, ACT đang sở hữu một hệ thống công nghệ và trang thiết bị đào tạo tiên tiến của Nhật Bản; tiếp thu các phương pháp đào tạo của các nước như: Anh, Nga, Pháp, Mỹ, úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore; kinh nghiệm thực tế phong phú từ các đơn vị sản xuất trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bản thân ACT còn có ưu thế đặc biệt về năng lực đào tạo tiếng Anh chuyên ngành trực tiếp phục vụ sản xuất điện năng theo công nghệ hiện đại và hội nhập quốc tế. Bằng việc áp dụng phương pháp quản lý chu trình làm việc PDCA (P-Plan/Kế hoạch, D-Do/Thực hiện, C-Check/Kiểm tra và A-Action/Xử lý sau kiểm tra) và phương pháp mô đun hóa, ACT đã xây dựng chương trình đào tạo nâng cao theo các mô đun chuyên đề ngắn hạn. Các khóa chuyên đề được thiết kế bao quát, phù hợp với kỹ thuật cơ bản và nâng cao theo công nghệ sản xuất tiên tiến. Cùng với tài liệu giảng dạy các khóa chuyên đề là các trang thiết bị phục vụ đào tạo thực hành hiện đại (do các dự án World Bank, JICA-EVN hỗ trợ), giúp giáo viên các trường thuộc EVN cập nhật công nghệ để đào tạo chuyên ngành.
Từ những lợi thế trên, thời gian qua, ACT đã năng động liên hệ và xúc tiến hợp tác rộng rãi với các đơn vị cả trong và ngoài nước, gặt hái được những kết quả tốt đẹp, tạo nên một bước chuyển mạnh mẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ACT.
Về đào tạo Nhiệt điện, công nghệ đào tạo trên hệ thống thiết bị mô phỏng (Simulator) vận hành nhà máy nhiệt điện đã được ứng dụng hiệu quả, tiện lợi trong các khóa đào tạo vận hành viên chính làm việc trong phòng điều khiển trung tâm; đào tạo bảo dưỡng sửa chữa hệ thống đo lường điều khiển (C & I) trong nhà máy nhiệt điện. Thời gian qua, ACT đã kết hợp tổ chức khóa chuyên đề Bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị quay trong nhà máy nhiệt điện cho Công ty Nhiệt điện Uông Bí; khóa chuyên đề Tổng quan vận hành nhà máy nhiệt điện chu trình hơi nước cho Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh; Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng. ACT cũng đã hợp tác với Trường Cao đẳng Điện lực TP. Hồ Chí Minh tổ chức tuyển dụng nhân lực vận hành cho Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 1 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Về Thủy điện, với hệ thống 7 chương trình phần mềm đào tạo trên máy tính, còn gọi là Chương trình CBT (Computer Based Training), thông qua sử dụng máy tính để truyền đạt kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho học viên. Hơn thế, với hệ thống đó, học viên có thể tự nghiên cứu, tìm thấy cách xử lý các tình huống vướng mắc trong sản xuất thực tế. Qua việc sử dụng chương trình CBT, các đơn vị có thể kết hợp tốt giữa đào tạo bằng các khóa chuyên đề với đào tạo tại chỗ. Chương trình này còn đặc biệt hiệu quả khi sử dụng để đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy thủy điện mới. ACT đã mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp ngoài EVN và thành công trong tư vấn tuyển dụng, xây dựng kế hoạch tổng thể nhân lực, tổ chức bộ máy nhân sự, xây dựng kế hoạch đào tạo chức danh và tổ chức đào tạo nhân lực vận hành cho Nhà máy Thủy điện Bản Cốc (18 MW) - Công ty CP Thủy điện Quế Phong; các công trình điện liên quan tại huyện Quế Phong (Nghệ An); Nhà máy Thủy điện Bản Riển (Cao Bằng). CBT chính là một hướng mới để ACT mở rộng hoạt động, có khả năng vươn tới mọi đơn vị trong ngành Điện Việt Nam.
Về lưới điện, một số công nghệ mới như sửa chữa nóng trên đường dây đang mang điện, đo và phân tích dầu cách điện trong máy biến áp, thử nghiệm rơle bảo vệ, ... cũng có trang thiết bị thật để đào tạo thực hành. Thiết bị sửa chữa nóng trên đường dây 35 kV bao gồm cả xe cẩu, máy phát điện và xe gầu sửa chữa đã được sử dụng đào tạo thực hành tại bãi thực tập Sóc Sơn của Trường Đại học Điện lực. Hệ thống thiết bị ghi sự cố và phân tích dạng sóng - hiển thị véc tơ đã ghép nối với hệ thống thiết bị mô phỏng hệ thống điện hiện có của Trường Đại học Điện lực, nhằm khai thác mở rộng và nâng cấp các chức năng của thiết bị mô phỏng. Hệ thống thiết bị đào tạo thực hành này đã được cập nhật áp dụng công nghệ kỹ thuật số, giúp cho học viên tiếp cận các vấn đề thường gặp trong thực tế vận hành. Đây là một mô hình mẫu về nghiên cứu mở rộng khả năng khai thác và nâng cấp thiết bị đào tạo hiện có của các trường thuộc EVN theo công nghệ mới (từ công nghệ tương tự sang công nghệ kỹ thuật số). ACT đã hợp tác với Công ty Điện lực TP Hà Nội triển khai khóa chuyên đề Vệ sinh sứ cách điện trên đường dây đang mang điện cho đội ngũ bảo dưỡng, sửa chữa.
Vừa qua, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tin tưởng và ký hợp đồng đào tạo bằng vốn ODA cho cán bộ quản lý ngành điện Campuchia khóa chuyên đề Thiết kế đường dây truyền tải điện. Khóa học được giảng và trao đổi chuyên môn bằng tiếng Anh và đã thành công tốt đẹp, cả phía Nhật Bản và Campuchia đều thỏa mãn với yêu cầu đề ra.
Về viễn thông điện lực, ACT đã xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện thành công khóa đào tạo chuyên đề Nghiệp vụ kinh doanh viễn thông điện lực ngay tại Điện lực Sơn La, Cao Bằng. Hiện nay, ACT tiếp tục hoàn thiện các tài liệu chuyên đề và mở rộng hợp tác để giúp các điện lực khác tổ chức khóa chuyên đề như trên.
Có thể khẳng định rằng, sự hợp tác giữa ACT với các đơn vị sản xuất sẽ là bước phát triển quan trọng về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ phần nào những khó khăn khi các đơn vị sản xuất tiếp nhận thiết bị công nghệ mới. Đồng thời, ACT có cơ sở để tiếp tục phát triển công tác biên soạn chi tiết các mô đun chuyên sâu, phục vụ công tác đào tạo nâng cao cho các đơn vị sản xuất kinh doanh của ngành Điện. Nếu xây dựng được phương thức đào tạo bằng các khóa chuyên đề trên cơ sở kết hợp giữa giáo viên chuyên môn giỏi của các cơ sở đào tạo với các kỹ sư giỏi thực tiễn của các đơn vị sản xuất; kết hợp thiết bị đào tạo và thí nghiệm của các trường với thiết bị sản xuất của các đơn vị, thì chắc chắn kết quả đào tạo nâng cao sẽ đáp ứng được nhu cầu rất cấp thiết về nhân lực trình độ cao.
Vươn tới các đơn vị trong ngành Điện là bước đi lớn của Trung tâm Đào tạo nâng cao, tạo nên thành công bước đầu quan trọng trong quá trình phát triển của ACT cũng như việc thực hiện nhiệm vụ EVN giao phó. Trong tương lai không xa, ACT sẽ mở rộng hợp tác tới các trường, các đơn vị trong toàn Tập đoàn, tạo tiền đề giúp các đơn vị đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, góp phần vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Điện Việt Nam.
Theo TC Điện lực số 8 - 2007