Trong bối cảnh Việt Nam đang có ý kiến đề xuất xã hội hóa lưới truyền tải điện, điều này cho chúng ta suy nghĩ gì? Trao đổi giữa PV Nguyên Long với TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xung quanh câu chuyện này.
PV: Thưa ông, từ vấn đề lưới điện truyền tải của Philippin được báo chí thông tin, ông có suy nghĩ gì dưới góc nhìn của một nhà khoa học nghiên cứu về năng lượng?
TS Đoàn Văn Bình: Bài học của Philippin là rất đáng để suy nghĩ. Quan điểm của tôi là hiện nay lưới điện 220-500 kV là lưới quốc gia, độc quyền nhà nước thì vẫn phải độc quyền nhà nước. Độc quyền toàn bộ từ đầu tư cho đến quản lý vận hành. Cần phải đặc biệt chú ý trong Quy hoạch điện quốc gia là lưới truyền tải điện quốc gia lưới độc quyền Nhà nước bởi nó liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng.
PV: Vâng, thưa ông, xác định tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện quốc gia, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định đưa hệ thống lưới truyền tải điện 500kV là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, từ thực tế quá tải cục bộ lưới điện ở một số nơi, đã có những ý kiến đề xuất việc xã hội hóa lưới truyền tải điện. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
TS Đoàn Văn Bình: Quan trọng là phải định nghĩa rõ là lưới truyền tải điện quốc gia và lưới truyền tải nhưng không phải của quốc gia mà là của nhà đầu tư, để nếu như có xảy ra sự cố của lưới truyền tải của nhà đầu tư thì nó không ảnh hưởng đến quản lý vận hành và an ninh năng lượng của cả quốc gia. Hệ thống lưới truyền tải điện 220-500kV cũng cần xác định rõ ranh giới. Nghĩa là việc xã hội hóa chỉ nên xác định trong một giới hạn nhất định, để đảm bảo sao cho việc vận hành của nó không làm ảnh hưởng tới lưới điện quốc gia, nghĩa là không bao giờ có thể làm tan rã lưới hệ thống.
TS Đoàn Văn Bình.
Luật bây giờ cũng đã có quy định rồi, anh mua tại đâu thì anh đầu tư đến đấy, anh bán ở đâu thì anh đầu tư đến đấy. Anh đầu tư để anh đấu nối vào để bán thôi chứ đấy không phải là lưới quốc gia. Nghĩa là các lưới 220kV hay kể cả 500kV của các nguồn điện mà nhà đầu tư tự đầu tư để đầu nối vào các điểm nút của lưới quốc gia (mà Nhà nước đã quy định là lưới quốc gia) thì nhà đầu tư tự đầu tư và quản lý/hoặc thuê Nhà nước là Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia quản lý (nhà đầu tư phải trả phí), chi phí quản lý vận hành lưới điện này phải tính vào trong giá thành sản xuất điện của nhà đầu tư bán lên lưới quốc gia. Làm được điều đó thì nó đáp ứng được tiêu chí an ninh, thì như thế rất là rõ. Và như thế nó cũng tự nhiên trở thành việc xã hội hóa những nhánh lưới điện đấy. Chứ còn lưới truyền tải điện quốc gia thì không nên xã hội hóa, phải là độc quyền của quốc gia, không xã hội hóa được.
PV: Kinh nghiệm ở các nước họ đầu tư quản lý lưới điện ra sao, thưa ông?
TS Đoàn Văn Bình: Một số nước thì người ta vẫn cho xã hội hóa lưới truyền tải, nhưng những nước đó họ rất mạnh về thế và lực của họ. Tức là những nguy cơ rủi ro của các thế lực khác có thể bén mảng đến những lưới ấy là rất thấp. Nhưng của chúng ta thì tôi rất là băn khoăn. Bởi vì nếu mà xã hội hóa mà quá đà, thậm chí có thể bị lợi dụng, để lên tới một tỷ trọng quá lớn - đến cái mức mà mất kiểm soát thì không được.
Nghiên cứu lưới điện của nước Ý - là nước có hình dáng gần như Việt Nam thì thấy họ đầu tư hệ thống lưới điện rất dày đặc. Lưới điện của họ đã đảm bảo tới tiêu chuẩn n-2, nghĩa là kể cả khi có 2 phần tử nào đó tác động lên lưới (có sự cố) thì cũng không ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống. Nhưng của mình nó còn “mong manh” lắm. Tiêu chuẩn n-1 vẫn còn khó khăn.
Tuy nhiên, việc đầu tư của ta còn có những khó khăn về vốn. Vì vậy, Nhà nước nên tập trung vào đầu tư hệ thống xương sống, hệ thống lưới điện cơ bản để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Còn những đường dây nhánh đưa điện từ các nhà máy của các nhà đầu tư thì nên để cho các nhà đầu tư họ đầu tư. Nhưng phải quy định rõ trong Luật và giải thích rõ từ ngữ, nghĩa là những lưới điện ấy là của nhà đầu tư, phải tính vào trong dự án điện ấy. Và với những dự án ấy thì giải pháp là nên đấu thầu cạnh tranh, thì nó sẽ đúng với quy luật của thị trường và nó minh bạch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!