Xây dựng chính sách đặc thù cho nhân lực năng lượng nguyên tử

Thứ bảy, 14/9/2013 | 15:28 GMT+7
Tháng 4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân (ĐHN). Tuy nhiên, hệ thống đào tạo các chuyên ngành liên quan ĐHN còn thiếu nhiều điều kiện, lại khó tuyển người giỏi do tương lai công việc chưa rõ ràng. Để khắc phục, Chính phủ đã có nhiều quy định chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT).



Cán bộ vận hành tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Ngọc Loan

Nhu cầu cao

Theo báo cáo của EVN tại phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT ngày 23/7 vừa qua, nhu cầu nhân lực cho mỗi nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 khoảng 1.100 người. Trong đó, yêu cầu trình độ đại học 442 người (chiếm 40%), cao đẳng nghề 461 người (42%), lao động phổ thông 197 người (18%). Ngoài ra, số lượng cán bộ của Ban Quản lý dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận khoảng 400 người; nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nghiên cứu NLNT khoảng 1.600 người.

Hiện cả nước có 6 trường đại học và Viện NLNT có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật ĐHN. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ đào tạo được khoảng 2.400 kỹ sư và cử nhân, 350 thạc sỹ và tiến sỹ ĐHN. Nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT là 3.000 tỷ đồng, trong đó Chính phủ chi 2.000 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng còn lại do EVN chi. Giai đoạn 2010 -2012, cùng với160 sinh viên đi học đại học tại Nga, Việt Nam còn gửi đi đào tạo ngắn hạn, thạc sỹ, tiến sỹ tại Nga và các nước khác. Riêng năm 2013 đã có 70 sinh viên được cử sang Liên bang Nga học chuyên ngành “Thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân” theo dạng học bổng. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát, học tập ngắn hạn và học tập kinh nghiệm quản lý tại một số nước như Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều dự án hợp tác về nhân lực trong lĩnh vực NLNT và an toàn hạt nhân. Nhật Bản cũng đang hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam 15 cán bộ khung được tuyển chọn từ những trưởng ca, trưởng kíp, tổ trưởng tổ vận hành… của các nhà máy điện thuộc EVN để chuẩn bị cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Dự kiến, Nhật Bản sẽ đào tạo khoảng 60 cán bộ khung cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2.

Vừa qua, nhóm 9 kỹ sư tài năng chuyên ngành ĐHN tại trường Đại học Năng lượng Matxcơva (MPEI) - Liên bang Nga do EVN cử đi học vừa tốt nghiệp thạc sỹ. Thời gian tới, nhóm kỹ sư này sẽ được EVN tiếp tục đào tạo, trang bị thêm kiến thức về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ĐHN, các quy định của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đồng thời, gửi đi đào tạo nghiệp vụ quản lý dự án, giám sát tại các dự án nhiệt điện của EVN, công tác vận hành tại một số nhà máy nhiệt điện sau khi được phân công công việc về Ban quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận và Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sau này.

Xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt

Theo Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Vương Hữu Tấn, hiện Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút người làm việc, người học và chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ vào làm việc trong các cơ quan của nhà nước trong lĩnh vực NLNT. Tuy nhiên, cho đến nay các văn bản này vẫn chưa được triển khai nên số lượng sinh viên đăng ký theo học ngành ĐHN chưa nhiều.

Nhằm thu hút sinh viên giỏi cho lĩnh vực ĐHN,  EVN đã có những chính sách ưu tiên đặc biệt cho những người theo học ngành này. Đặc biệt, tại Thông báo 301/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT đã chỉ đạo Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan rà soát, hệ thống hóa vị trí, chức danh, nhu cầu biên chế để xây dựng chính sách ưu đãi gắn với ngạch, bậc người làm việc trong lĩnh vực NLNT. Bộ GD&ĐT phối hợp Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để thực hiện từ năm học 2013-2014. Khẩn trương hoàn thành kế hoạch tổng thể đào tạo nguồn nhân lực NLNT đến năm 2020.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT”. Rà soát kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nhân lực NLNT tại các cơ sở đào tạo toàn quốc; đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành trong nhiệm vụ xây dựng chính sách liên quan đến công tác đào tạo nhân lực NLNT.

Được biết, hiện nay, một trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân do liên bang Nga giúp đỡ với trị giá 500 triệu USD đang được chuẩn bị xây dựng. Dự kiến, cùng với các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam, đến năm 2017 chúng ta có cơ sở đầy đủ đáp ứng các nhà khoa học.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc gửi cán bộ, sinh viên đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, giải pháp tối ưu nhất để phát triển nguồn nhân lực bền vững là phải chủ động đào tạo nguồn nhân lực trong nước. Tuy nhiên, ở các cơ sở đào tạo hiện nay đang rất khó khăn về cơ sở vật chất giảng dạy, lực lượng giáo viên rong lĩnh vực NLNT vừa thiếu vừa yếu. Vì vậy, cần có lộ trình rõ ràng, tránh tình trạng vừa đi vừa dò đường, sẽ rất tốn kém tiền bạc và lãng phí thời gian. Quan trọng là phải có giải pháp tài chính khoa học đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo và chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
 
Ngọc Loan / ICON.com.vn