Tin thế giới

Xây dựng nhà máy nhiệt điện: Khó khăn của nhà đầu tư và vai trò của Nhà nước

Thứ sáu, 18/9/2009 | 09:52 GMT+7

Đặc điểm nổi bật của giai đoạn phát triển ngành năng lượng Nga hiện nay là nhu cầu điện năng tăng đột ngột do kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2000 - 2005. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu điện giữa các vùng khác nhau đáng kể, thiết bị nguồn điện ngày một già cỗi nên việc đưa vào vận hành các tổ máy phát điện mới chỉ có thể duy trì được độ tin cậy về cân bằng và phương thức của hệ thống ở mức tiêu chuẩn. Như chúng ta đã biết, trong mùa đông 2005-2006, ở rất nhiều vùng như Matxcơva, Xanh Petecbua, Tiumen, v.v., đã phát sinh mối đe doạ thực tế về hạn chế tiêu thụ liên quan đến các điều kiện khí hậu và khả năng chuyên tải của lưới điện.

 
 
 

Nhà máy nhiệt điện Elektrogorsk (Russia)

Tất cả những vấn đề bên ngoài, khách quan đối với ngành điện, về thoả mãn nhu cầu điện năng cho nền kinh tế quốc dân và người dân đang đặt ra cho những cải cách thị trường ngành điện đang được tiến hành ở Nga và biến đổi thị trường bán buôn, từ thị trường của giai đoạn quá độ sang thị trường bán buôn mới và tiếp theo, đến mô hình có mục tiêu.

Các nhà tư tưởng về cải cách tuyên cáo rằng mô hình giá của thị trường tự do đưa ra tín hiệu xác định các địa điểm thiếu công suất và sản lượng điện cần thiết, cũng như nhu cầu xây dựng lưới điện thông qua việc giới hạn giá điện (trong mô hình mục tiêu).

Theo dự báo của các chuyên gia, nhiệt điện sẽ còn chiếm ưu thế trong cơ cấu nguồn điện Nga giai đoạn đến năm 2030 và cả sau đó. Tại thời điểm năm 2005, tổng công suất đặt của tất cả các nguồn điện ở Nga là 210,5 GW, phần nhiệt điện là 141 GW, tức là 67%, trong đó công suất tương ứng của các trung tâm nhiệt điện và nhiệt điện kiểu ngưng hơi là 76,1 GW (36,15%) và 64,9 GW (30,83%). Bài báo này chỉ nghiên cứu những vấn đề về xây dựng các nhà máy nhiệt điện kiểu ngưng hơi bởi vì các trung tâm nhiệt điện (sản xuất cả điện và hơi nước cung cấp cho khách hàng) gắn liền chặt chẽ với việc cung cấp nhiệt tập trung cho các thành phố và khu dân cư, việc cung cấp nhiệt này thuộc nhiệm vụ của các cơ quan thị chính.

Vấn đề phát hiện nhu cầu sản lượng điện và công suất trong suốt giai đoạn đầu tư.

Theo quan điểm hiện đại về đánh giá kinh tế công trình đầu tư thì giai đoạn đầu tư là thời gian kể từ khi bắt đầu thiết kế đến khi thanh lý nhà máy điện.

Khi thực hiện dự án, người ta phân ra ba dạng nghiệp vụ: Đầu tư, tác nghiệp và cấp kinh phí. Trung bình tổ máy tuabin khí hỗn hợp công suất lớn có thể đưa vào vận hành vào năm thứ 4 sau khi bắt đầu thiết kế, đối với tổ máy nhiệt điện đốt than là vào năm thứ 5, và với tổ máy điện nguyên tử là vào năm thứ 6. Việc bắt đầu vận hành nhà máy thuỷ điện phụ thuộc vào khối lượng công trình thuỷ công, nhưng hiếm khi bắt đầu vận hành vào trước năm thứ 7, thứ 8 kể từ thời điểm bắt đầu thiết kế.

Tuổi thọ của nhà máy nhiệt điện thường là 30 - 40 năm. Trên thực tế, sinh hạn của nhà máy có thể kéo dài hơn nhưng trong trường hợp đó phải cải tạo về cơ bản, được xét như một dự án đầu tư mới.

Vì vậy ở giai đoạn chuẩn bị dự án phải biết một cách chính xác cần xây dựng nguồn điện ở đâu và với công suất là bao nhiêu, hơn nữa cần có dự báo về sản lượng điện cho hàng chục năm sau. Trong điều kiện cạnh tranh tự do, xuất phát từ nguyên tắc thị trường, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể xây dựng nhà máy điện có khả năng cạnh tranh hơn và đơn giản là “hất cẳng” các nhà máy đã xây dựng trước đó ra khỏi thị trường.

Vấn đề nảy sinh là ai sẽ dự báo nhu cầu và ai chịu trách nhiệm về tính xác thực của dự báo? Do tính phức tạp của cơ chế lập kế hoạch tiêu thụ và sự cần thiết của việc đưa vào hoạt động tất cả các nguồn điện đã dự kiến của các nhà đầu tư khác nhau (các nhà đầu tư này không có nghĩa vụ thông báo cho nhau về việc này) nên sẽ chỉ có thể nhận được một văn bản thực sự kịp thời tại một trung tâm duy nhất nào đó mà đến nay chưa được xác lập theo luật pháp hiện hành.

Cần lưu ý rằng địa điểm phát sinh thiếu công suất sẽ được xác định nhờ các tín hiệu về giá, thứ nhất, sẽ không nhất thiết được duy trì sau khi hoàn tất xây dựng nhà máy nhiệt điện, và thứ hai, không phải là địa điểm duy nhất gắn liền với địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện. Thí dụ, đôi khi về mặt kinh tế, hợp lý nhất là xây dựng nhà máy điện ngay gần mỏ than và chuyên tải điện năng thay vì vận chuyển nhiên liệu. Do đó nhà đầu tư không thể đơn giản dựa vào chỉ báo về thiếu điện mà cần phân tích nhiều yếu tố về thành phần kinh tế - kỹ thuật của toàn bộ hệ thống điện hoặc ngay cả hệ thống điện liên kết.

Vấn đề dự báo giá điện và sản lượng điện cung cấp cho thị trường

Về bản chất nó xác định tính xác thực của việc đánh giá dòng tiền mặt (cash flow) của dự án. Mặc dầu trên lý thuyết, có khả năng dự báo các giá chủ chốt theo mô hình tính toán và thống kê các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô (mức độ tự do hoá thị trường điện năng, công cụ chống lạm phát, động thái tăng trưởng giá nhiên liệu, v.v.), tuy nhiên bài toán này vẫn chưa có lời giải rõ rệt. Đơn giản đó là vì mỗi nhà đầu tư, để làm số liệu ban đầu đều đặt các thông số chỉ cho dự án riêng của mình mà không quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh. Chính theo nguyên tắc đó mà hiện nay thực tế người ta hoạch định ra tất cả “Những căn cứ cho việc đầu tư”.

Cơ quan điều hành hệ thống điện có vai trò quyết định đối với vấn đề mang tải các nhà máy điện. Ngoài những lý do khách quan về nâng cao độ tin cậy, những đánh giá chủ quan về trạng huống không chịu sự kiểm soát từ phía cộng đồng thị trường và các yếu tố khác không mang tính thị trường cũng ảnh hưởng đến những quyết định của Cơ quan điều hành hệ thống điện. Ngoài ra còn có cả yếu tố thị trường bất ổn định.

Vấn đề nhận thông tin về đưa nguồn điện vào vận hành

Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để ra quyết định về thực hiện dự án đầu tư phát triển nguồn nhiệt điện. Lập kế hoạch xây dựng, cải tạo và mở rộng các nhà máy điện, hiện nay chia ra thành ngắn hạn (dưới 5 năm), trung hạn (dưới 15 năm) và dài hạn (cho giai đoạn đến năm 2030).

Trong một số trường hợp, thông tin về các văn bản không đồng bộ. Phần lớn các dự án có tiềm năng trong các chương trình đầu tư của các công ty nguồn thuỷ điện bán buôn (CNTB) và các công ty nguồn theo lãnh thổ (CNL) không được đảm bảo bằng các nguồn tài chính, không có sự đánh giá khách quan về nhu cầu nguồn trong tương lai và giá của cơ sở hạ tầng về lưới điện, không tuân thủ quan điểm hệ thống duy nhất về tối ưu hoá cơ cấu nguồn, có sự bóp méo cân bằng nhiên liệu thực tế đang diễn ra. Có cảm tưởng là các kế hoạch phát triển của chính các CNTB và CNL phần nhiều mang tính chất quảng cáo và nhằm thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy, khi bước vào một dự án nghiêm túc cần phải tiến hành thẩm định độc lập các kế hoạch có sẵn, nhưng mức rủi ro trong mọi trường hợp đều còn khá cao.

Trong giai đoạn trung hạn, cần phải hướng theo:

- Chiến lược năng lượng của Nga cho giai đoạn đến năm 2020.

- Tổng sơ đồ bố trí các công trình ngành điện đang hoạch định hiện nay tới năm 2020.

- Chiến lược phát triển của Liên hiệp cổ phần (LHCP) các Công ty nguồn thuỷ điện bán buôn và của ngành năng lượng nguyên tử, của các công ty nguồn.

Chiến lược năng lượng của Nga là văn bản cấp cao duy nhất xác định chính sách hiện nay đối với tất cả các chủ thể của Tổ hợp nhiên liệu-năng lượng (TNN). Tuy nhiên cũng như bất cứ văn bản quan trọng cấp nào, nó cần được định kỳ chuẩn xác lại theo tình hình kinh tế vĩ mô đang diễn ra, trình độ trang bị công nghệ ngành điện và các ngành khai thác nhiên liệu của nền kinh tế quốc dân. Ngày nay, Bộ Công nghiệp năng lượng Nga đã bắt đầu tiến hành công tác chỉnh lý văn bản Chiến lược, có sự tham gia tích cực của các chủ thể TNN.

Đáng lưu ý nhất là Tổng sơ đồ bố trí các công trình ngành điện do Cơ quan dự báo cân đối trong ngành điện thực hiện với sự tham gia của Viện nghiên cứu khoa học Năng lượng thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga và Viện Thiết kế lưới điện, theo nhiệm vụ được Bộ Công nghiệp năng lượng LB Nga giao.

Tuy nhiên sẽ nảy sinh câu hỏi: Liệu tổng sơ đồ có trở nên bắt buộc đối với tất cả các chủ thể của ngành điện không? Nếu nó chỉ phục vụ với tư cách khuyến nghị thì giá trị của nó sẽ nhanh chóng trở thành con số “0” do hậu quả xung đột quyền lợi không tránh khỏi của các công ty khác nhau. Lối thoát khôn ngoan duy nhất: Hãy làm cho Tổng sơ đồ này mang tính bắt buộc và đặt nó vào cơ sở của hệ thống điều tiết nhà nước đối với ngành điện, cùng với việc chỉnh lý định kỳ.

Về triển vọng dài hạn, các mốc định hướng về đưa các nguồn vào vận hành hiện nay vẫn chưa có. Mới chỉ nghiên cứu cái gọi là “tầm nhìn mục tiêu phát triển hệ thống điện thống nhất của LB Nga tới năm 2030”.

Đặc điểm của cân bằng nhiên liệu -  năng lượng

Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới các chỉ tiêu hiệu quả đầu tư và các nguồn nhiệt điện. Vấn đề là phương án lựa chọn “khí đốt-than”. Ai cũng biết rõ các ưu việt của công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp: Thiết bị chính và phụ tương đối đơn giản, việc vận chuyển thiết bị và cung cấp nhiên liệu cũng dễ dàng. Vấn đề là việc đảm bảo nhiên liệu ổn định cho tuabin khí, tuabin khí chu trình hỗn hợp và những rủi ro về tăng giá khí đột ngột ngay trong tương lại gần.

Hậu quả của sự thiếu khí đốt đối với ngành năng lượng có thể biểu hiện ở việc từ chối ký kết các hợp đồng cung cấp “hạn chế” khí, cũng như trong việc tăng giá khí “thương mại”. Trong điều kiện thị trường, tiêu chuẩn của tính hợp lý về kinh tế để xây dựng các nhiệt điện đốt khí hoặc nhiệt điện đốt than là giá điện năng sản xuất tại thanh cái của nhà máy điện. Nhưng tiêu chuẩn đó chỉ đúng khi tự do hoá thị trường khí trong nước và liên kết triệt để thị trường trong nước với thị trường thế giới. Xu thế ổn định hiện nay trên thế giới là khí đốt tăng giá nhanh hơn so với than năng lượng. Theo dự báo của các chuyên gia thì ở Nga, tỉ số giá khí/than ngay trong năm 2009 sẽ đạt tới 1,3÷ 1,6, còn đến những năm 2012-2015, giá khí trong nước sẽ tiến sát tới giá khí trung bình của châu Âu, trong đó tỉ số giá khí/than cho các nhà máy nhiệt điện sẽ là 1,8 ÷ 2,0 trở lên.

Mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của ngành năng lượng Nga trong tương lai dài hạn phải là tăng đáng kể tỉ lệ than trong cân bằng nhiên liệu – năng lượng trong nước, trước mắt dựa trên việc đốt than thay thế một phần khí đốt ở các nhà máy nhiệt điện.

Khắp nơi trên thế giới, suất đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than có xu hướng giảm và trở nên so sánh được với suất đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt khí. Ví dụ ở Trung Quốc, suất đầu tư cho nhà máy nhiệt điện đốt than là 500 ÷ 700 USD/kW, ở châu Âu là 800 ÷ 1.000 euro/kW. Vì vậy, trong tương lai trung hạn và dài hạn, các chuyên gia không tin là giá điện năng sẽ tăng trong điều kiện phát triển chủ yếu các nhà máy nhiệt điện đốt than so với tình huống tiếp tục “tạm ngừng khí”.

Vấn đề cạnh tranh từ phía các công ty nguồn điện thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước

Các công ty thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước là LHCP các Công ty nguồn thuỷ điện bán buôn và Liên hiệp Năng lượng nguyên tử của Nga. Những vấn đề của nhóm 5 này liên quan đến những vấn đề của nhóm 1 và được thể hiện ở dạng rủi ro là điện năng do nhà máy nhiệt điện sản xuất ra không có người mua.

Các nhà máy thuỷ điện có ưu điểm là không cần nhiên liệu, dự báo giá thành điện năng tin cậy, giá điện năng sản xuất ra trong tương lai dài hạn cũng vậy. Điều đó hấp dẫn cả các hộ tiêu thụ lớn và cho phép thực hiện việc cấp vốn hai bên cùng có lợi cho tổ hợp công nghiệp-năng lượng.

Những ưu việt mới đối với LHCP các Công ty nguồn thủy điện bán buôn mở ra những qui tắc của thị trường bán buôn điện năng, ấn định trước việc đưa nguồn phát điện mới xây dựng ra khỏi sự điều tiết giá, điều này bãi bỏ tất cả các chướng ngại hình thức để ký các hợp đồng tự do song phương. Mối liên hệ chặt chẽ với Nhà nước cho phép những người làm thuỷ điện hy vọng vào việc cấp vốn ngân sách trực tiếp hoặc gián tiếp cho các dự án lớn, các dự án này có thể được hưởng qui chế quốc gia. Ngày nay, LHCP các Công ty nguồn thuỷ điện bán buôn đang tiến hành chính sách “vận động hành lang” cho các kế hoạch xây dựng các nhà máy thuỷ điện ở Xibia và cùng Viễn Đông. Nếu thực hiện được các kế hoạch đó thì không chỉ bù đắp được sự thiếu hụt công suất của Hệ thống điện liên hợp Xibia và miền Đông mà còn đảm bảo bất kể nhu cầu xuất khẩu nào, đồng thời chuyển sang giai đoạn thực thi dự án chuyển lượng lớn điện năng tới vùng Ural và tiếp đến là tới Trung tâm nước Nga.

Các nhà năng lượng nguyên tử cũng có các kế hoạch đầy tham vọng như vậy. Mới đây, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nga đã tuyên bố sẵn sàng đảm bảo bắt đầu từ năm 2012, hằng năm đưa vào vận hành hai tổ máy hạt nhân công suất đơn vị 1.000 MW. Điều đó có nghĩa là sẽ bù được toàn bộ lượng điện năng thiếu hụt của phần châu Âu của nước Nga cho nhiều năm sau này.

Trong một đất nước giàu tài nguyên năng lượng như nước Nga, lại còn đang trong điều kiện nền kinh tế thị trường, thì sự va chạm quyền lợi của các công ty nhiên liệu và công ty nguồn điện thuộc các dạng khác nhau là không tránh khỏi. Kết quả của tình hình khách quan đó phải là việc ấn định các “luật chơi rõ ràng”, theo quyền lợi của các bên hữu quan. Nói cách khác, các nhà đầu tư có ý định thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện cần phải nắm vững thật tin cậy liệu Nhà nước có dự định chuẩn bị xây trên cùng địa bàn đó nhà máy thuỷ điện hoặc nhà máy điện hạt nhân hay không. Nếu câu trả lời là có thì những rủi ro về sản xuất và thương mại tăng lên đột ngột, ngay cả nếu được dự báo là thiếu điện. Các luật chơi này chỉ có thể do Nhà nước đề ra, điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự tất yếu của việc bắt buộc thực hiện Tổng sơ đồ bố trí các công trình ngành điện.

Vấn đề hạn chế phát triển NMNĐ từ phía tổ hợp lưới điện và Cơ quan vận hành hệ thống điện

Các vấn đề này cũng thuộc về mối quan hệ lẫn nhau với các cơ cấu tổ chức năng lượng nhà nước. Các qui tắc không phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các dịch vụ về chuyên tải điện năng và hỗ trợ các dịch vụ này và cũng như Các qui tắc không phân biệt đối xử đối với việc tiếp cận các dịch vụ về quản lý điều độ vận hành trong ngành điện và hỗ trợ các dịch vụ này (kèm theo Nghị định số 861 của Chính phủ ban hành ngày 27/12/2004) đã được nêu khi xem xét các vấn đề thuộc nhóm 1 đảm bảo một cách hình thức cơ chế tham gia bình đẳng trong kinh doanh sản xuất điện. Tuy nhiên các qui tắc đó xác định rằng tổ chức lưới điện và Cơ quan điều hành hệ thống điện (cuối cùng là Nhà nước) trao các điều kiện kỹ thuật cho việc đấu nối vào hệ thống điện, chưa nói tới ai phải trả tiền cho việc thực hiện đấu nối đó. Một mặt, cơ quan lưới điện (LHCP Công ty lưới điện Liên bang thuộc Hệ thống điện thống nhất) có trong thành phần biểu giá cho dịch vụ chuyên tải điện năng – thành phần đầu tư được bảo vệ trong cơ quan điều tiết biểu giá. Mặt khác lại chính cơ quan đó phải ký với nhà đầu tư nhà máy nhiệt điện về đấu nối, trong đó chỉ rõ phải trả bao nhiêu tiền cho việc thực hiện thủ tục đó.

Về mặt lý thuyết, bất kỳ pháp nhân nào mong muốn xây dựng nhà máy điện có thể tính trước rằng toàn bộ tổng hoặc một phần các chi phí cho việc tạo ra sơ đồ phát công suất của nhà máy điện sẽ được tính toán trong biểu giá của cơ quan lưới điện. Nhưng hãy thử đoán xem, liệu giữa nhà máy nhiệt điện, nhà máy thuỷ điện và nhà máy điện nguyên tử, nhà máy nào có cơ hội lớn để đưa chi phí về đấu nối vào biểu giá của lưới? Liệu tư nhân có thể đọ nổi với các cơ quan nhà nước? Kinh nghiệm cho thấy ngày nay LHCP Hệ thống điện thống nhất giải quyết vấn đề phân bổ chi phí cho sơ đồ phát triển công suất của nguồn điện mới bằng phương pháp hành chính (phường hội). Và điều gì sẽ xảy ra khi LHCP này giải thể?

Ngoài vấn đề giá đấu nối vào lưới điện, nguồn điện độc lập sẽ đụng chạm với các yêu cầu của Cơ quan vận hành hệ thống điện nhằm nâng cao độ tin cậy của hệ thống điện. Có những lo ngại rằng, viện cớ này, người ta sẽ buộc nhà đầu tư phải giải quyết những vấn đề của hệ thống điện liên quan đến đặc quyền của LHCP, hoặc thoả mãn tính ham hiểu biết của Cơ quan điều hành hệ thống điện. Có thể nêu nhiều ví dụ về vấn đề này.

Sự tăng cường ảnh hưởng của điều tiết nhà nước trong xây dựng nhà máy điện cũng liên quan đến các tiêu chuẩn thuộc Luật xây dựng đô thị.

Các nguyên tắc chính cần phải cân nhắc tới trong hoạt động cạnh tranh chủ yếu trong ngành điện – phát triển nhiệt điện có thể phát biểu như sau:

• Khi lựa chọn các phương án bù công suất, không thể bỏ qua vấn đề tối ưu hoá hệ thống điện thống nhất, bao gồm việc tính toán các dạng nguồn điện, các lưới điện và việc vận chuyển các loại nhiên liệu khác nhau.

• Dạng nguồn điện và việc bố trí các nguồn điện không thể chỉ xác định dựa trên các nguyên tắc thị trường cổ điển, mà phải dựa trên chính sách của Nhà nước về khai thác các nguồn năng lượng, phát triển các vùng lãnh thổ và các ngành của nền kinh tế quốc dân.

• Cân bằng nhiên liệu-năng lượng phải có tính chất bắt buộc, không thể chỉ mang tính chất nhận thức.

• Để thu hút đầu tư tư nhân cần mô tả rõ ràng “luật chơi” trong suốt sinh hạn dự án, từ khi lập luận chứng đầu tư tới khi kết thúc việc khai thác nhà máy nhiệt điện.

Các nguyên tắc này cần được thực hiện bằng cơ chế minh bạch và hiệu quả mối quan hệ đối tác tư nhân – Nhà nước, được phát triển trong sự tăng cường cải cách thị trường ngành điện. Mẫu mực của cơ chế đó là cơ chế bảo lãnh cho đầu tư. Thực vậy, trong đó có sự tham gia của các thành phần tối ưu hoá tổng thể và qui hoạch theo lãnh thổ, gắn với cân bằng nhiên liệu – năng lượng, và chính sách.

Kết luận

1. Để phát triển nguồn nhiệt điện - loại hình hoạt động cạnh tranh lớn duy nhất và hiệu quả cao trong ngành điện - cần có một cách tiếp cận đặc biệt.

2. Các nguồn vốn độc lập đầu tư vào phát triển các nhà máy nhiệt điện đòi hỏi giải quyết nhiều vấn đề thuộc về qui chế, được xác định bởi các đặc điểm của các hệ thống điện, các cân bằng nhiên liệu-năng lượng được hình thành, sự cần thiết của các dự báo chính xác về phụ tải cho nhà máy, sự có mặt của các công ty nguồn thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước và các cơ quan, cơ sở hạ tầng khác.

3. Để thu hút các nhà đầu tư phải có hình thức đối tác tư nhân - Nhà nước, giảm thiểu rủi ro đầu tư thông qua cam kết trực tiếp hoặc gián tiếp để các nguồn điện này được phát công suất khi xây dựng tại một địa điểm cụ thể.

4. Các sơ đồ phát công suất của các nhà máy điện mới hoặc cải tạo cần được các công ty lưới điện thực hiện bằng vốn đầu tư của Nhà nước.

5. Cần phải ban hành trở lại những văn bản kế hoạch phát triển hệ thống điện bắt buộc phải thực hiện. Cụ thể như Tổng sơ đồ bố trí các công trình ngành điện mới được soạn thảo hoặc bổ sung, chỉnh lý và được Chính phủ phê duyệt.

6. Cơ chế bảo lãnh cho đầu tư phải trở thành mẫu mực thu hút các khoản đầu tư độc lập vào việc xây dựng tất cả các nhà máy nhiệt điện.
Theo: QLNĐ số 8/2009