Phát triển NLTT không chắc chắn là phát triển xanh, nhưng nếu được kết hợp với KTTH thì có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ thiên nhiên.
Dịch chuyển nền kinh tế tuần hoàn
Chuyển dịch kinh tế theo hướng KTTH là xu thế tất yếu của thời đại, được toàn cầu đồng thuận coi là cuộc Cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21 bởi áp lực từ các vấn đề tiêu cực do các mô hình kinh tế tuyến tính gây ra và những lợi ích thấy rõ của KTTH. Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế đã có sự thay đổi vượt bậc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 4.160 USD. Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng, mô hình kinh tế tuyến tính đã gây ra những vấn đề môi trường không nhỏ. Cụ thể:
Thứ nhất, gây ra sự gia tăng rác thải. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng rác thải rắn của Việt Nam vào năm 2018 là khoảng 25,5 triệu tấn, năm 2019 khối lượng rác thải rắn sinh hoạt là 23,3 triệu tấn. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tiêu thụ nhựa bình quân đầu người năm 2019 ở nước ta là 41kg, cao gấp 10 lần so với năm 1990. Mặc dù là nền kinh tế nhỏ nhưng Việt Nam đứng thứ tư thế giới về rác thải nhựa với 1,83 triệu tấn/năm, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philipines.
Thứ hai, gia tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, bao gồm năng lượng than và dầu mỏ. Dự báo tới năm 2030, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn than mỗi năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn khiến chi phí sản xuất ở mức cao, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ ba, ô nhiễm môi trường gây thiệt hại nghiêm trọng. Ô nhiễm có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035, dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Đặc biệt, các sự cố môi trường từ việc xả thải của các nhà máy đã gây thiệt hại lớn tới các hệ sinh thái.
Trong khi đó, KTTH hội tụ đủ 4 lợi ích cho nền kinh tế: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đề ra mục tiêu “phát triển nhanh và bền vững”. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi thực hiện KTTH và đây là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Năng lượng tái tạo kết hợp với kinh tế tuần hoàn
Theo Bộ Công Thương, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng của Việt Nam hàng năm rất lớn và có xu hướng gia tăng. Nếu năm 2010, chỉ chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010 và sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, một trong những lý do khiến hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022 là giá năng lượng ngày càng tăng, tình trạng thiếu hụt và giá nguyên liệu đầu vào leo thang đã khiến chuỗi giá trị toàn cầu gián đoạn, sản xuất đình trệ, giá sản xuất tăng lên.
Do đó, việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo là cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Những năm qua, ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam phát triển khá nóng nhờ những chính sách thúc đẩy của Chính phủ. Tuy nhiên, một vấn đề phải thừa nhận rằng, trong năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng xanh nhưng chưa chắc bền vững.
Ví dụ, để khai thác năng lượng mặt trời cần có pin tích điện, nhưng việc sản xuất loại pin này phát thải ra loại khí nitrogen trifluoride (NF3), ảnh hưởng tới môi trường lớn gấp 17.000 lần khí CO2. Hay năng lượng gió cũng vậy, các turbine để biến gió thành điện tiêu tốn rất nhiều năng lượng truyền thống để sản xuất, vận chuyển, bảo dưỡng cho đến vứt bỏ.
Trong khi đó, năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ đóng góp 15 - 20% trong tổng cung năng lượng của Việt Nam vào năm 2030. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, Chính phủ cần xây dựng các mục tiêu và chiến lược dài hạn để phát triển năng lượng dựa trên kinh tế tuần hoàn.
“Năng lượng tái tạo không chắc chắn là phát triển xanh, nhưng nếu kết hợp với kinh tế tuần hoàn thì có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Muốn làm được như vậy, các thiết bị cho phát triển năng lượng tái tạo phải được sản xuất, phân phối và tái chế một cách an toàn, tiết kiệm và bền vững. Kinh tế tuần hoàn có thể giúp các thiết bị này đạt được chu kỳ phát thải thấp nhất, giảm thiểu chất thải. Chính sách của Chính phủ có thể xem xét kết hợp khái niệm kinh tế tuần hoàn vào tất cả các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, điều này sẽ tạo mạng lưới cho tất cả các bên liên quan đóng góp tích cực vào các mục tiêu phát triển bền vững; phát triển các tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo chất lượng trong các sản phẩm mới và tái chế”, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân đề xuất.
Đồng quan điểm, TS Phạm Văn Long, Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) cũng kiến nghị Việt Nam, cần đẩy mạnh phát triển các công nghệ điện tử công suất mới, công nghệ xe điện, công nghệ hydrozen. Đặc biệt, cần đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường. Các cơ quan chức năng phải xây dựng một lộ trình phát triển về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để giải quyết bài toán của doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp cũng đề xuất cơ quan chức năng đưa ra những bài toán trực tiếp để các doanh nghiệp lớn trong ngành có thể tham gia giải quyết. Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng, nâng cao hệ thống truyền tải điện, hỗ trợ nguồn lực phát triển…
Hiện nay, Chính phủ cũng đang xây dựng các mục tiêu và chiến lược dài hạn để phát triển NLTT dựa trên nền KTTH. Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, vừa qua, Quyết định 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển KTTH cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và hỗ trợ một môi trường, xã hội lành mạnh, tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Link gốc