Tin trong nước

Xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp điện

Thứ hai, 21/8/2017 | 10:41 GMT+7
Tình trạng trộm cắp điện tiếp tục diễn biến phức tạp và nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc đã xảy ra. 
 
Trộm cắp điện thường xảy ra trong hoạt động nuôi tôm ở ĐBSCL.
 
Tuy nhiên, công tác phối hợp ngăn chặn, xử lý vấn nạn này giữa các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả.
 
Diễn biến phức tạp
 
Trộm cắp điện là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý nặng. Tuy nhiên, người sử dụng vì cái lợi trước mắt vẫn cố tình vi phạm, trong đó ngành điện phát hiện nhiều vụ tái phạm. Theo đánh giá của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), nạn trộm cắp điện gần đây ở khu vực phía Nam chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực dùng điện sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, gia súc. Ngoài một số người dân “tiết kiệm tiền” thông qua hành vi trộm cắp điện, gần đây không ít doanh nghiệp cũng là đối tượng trộm cắp điện.
 
Đơn cử, Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều nhất nước (chiếm 28%); trong đó, chỉ riêng diện tích dùng nuôi tôm là 278.642ha, có 10.755 hộ sử dụng điện để nuôi tôm. Trong nửa đầu năm 2017, điện thương phẩm dùng trong nuôi tôm đạt 73,6 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 98,7% trong thành phần nông - lâm - thủy sản và chiếm 12,24% sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau Nguyễn Ngọc Đáng cho biết, từ năm 2016 đến nay, ngành điện lực và Sở Công thương tỉnh Cà Mau đã tổ chức trên 30 hội nghị  tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả cho người dân tại 27 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhưng tình trạng mất an toàn về điện, trộm cắp điện dẫn đến tử vong vẫn tiếp tục xảy ra.
 
“Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2017, tại Cà Mau đã xảy ra 26 vụ tai nạn về điện, làm 23 người tử vong; trong đó có 6 vụ nuôi tôm, làm 6 người tử vong. Nguyên nhân xảy ra tai nạn về điện là do số lượng khách hàng nhiều, địa bàn rộng, lực lượng kiểm tra viên còn ít, đặc biệt là ý thức của người dân về an toàn trong sử dụng điện chưa cao”, ông Đáng nói. Một chuyên gia của Ban Kiểm tra giám sát mua bán điện (thuộc EVN SPC) cũng cho biết, nhiều trường hợp do đấu nối trộm không an toàn nên khi bất cẩn sẽ dẫn đến tử vong. “Có trường hợp tử vong vì câu trộm điện khi đang thực hiện đấu nối, hoặc đấu dây không đủ độ an toàn”, vị cán bộ này cho biết.
 
Trong khi đó, xác định hành vi trộm cắp điện ngày càng tinh vi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM Nguyễn Văn Lý cho rằng, hành vi trộm cắp điện thô sơ bây giờ ít sử dụng, thay vào đó, họ dùng nam châm vĩnh cửu rất nhỏ đặt lên công tơ; khi đó, dù công tơ cơ hay công tơ điện tử đều quay chậm. Việc phát hiện cũng cực kỳ khó khăn do đặc thù ở TPHCM công tơ đặt trong nhà khách hàng. Khi nhân viên ngành điện đến kiểm tra, khách hàng liền giấu nam châm vĩnh cửu nên không thể bắt tận tay được. Thậm chí, có những trường hợp đối tượng trộm cắp là người có trình độ, có chuyên môn, tay nghề cao về điện, đã dày công nghiên cứu làm thay đổi kết cấu hệ thống đo đếm. Để phát hiện, bắt quả tang đối tượng trộm cắp này, ngành điện lực phải phối hợp với các cơ quan liên ngành và tốn rất nhiều thời gian, công sức mới truy tìm được thủ phạm.
 
Xử lý chưa đủ sức răn đe
 
Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) Nguyễn Phước Đức, trong tháng 7-2017, đơn vị đã kiểm tra và phát hiện 73 vụ trộm cắp điện, sản lượng tính toán truy thu 312.532kWh, tương ứng số tiền hơn 979 triệu đồng. Trong các vụ vi phạm, có 30 vụ tác động trước công tơ, 30 vụ tác động sau công tơ và 13 vụ tác động gián tiếp vào công tơ. Tính chung, trong 7 tháng đầu năm 2017, khu vực phía Nam đã phát hiện 423 vụ trộm cắp điện, sản lượng tính toán truy thu 1.504.907kWh, tương ứng số tiền 4 tỷ 626 triệu đồng; đã xử lý 409 vụ, truy thu được 1.391.622kWh, tương ứng số tiền 4 tỷ 262 triệu đồng. Trong 21 đơn vị thành viên do EVN SPC quản lý, tỉnh Đồng Nai phát hiện nhiều nhất với 147 vụ, chiếm 34,75% ở khu vực phía Nam.
 
Tiếp theo là tỉnh Kiên Giang với 42 vụ,  Cà Mau 39 vụ, Cần Thơ 37 vụ, Bình Thuận, Ninh Thuận mỗi địa phương phát hiện 3 vụ. “So với cùng kỳ của 7 tháng đầu năm 2016, nạn trộm cắp điện giảm 183 vụ nhưng vẫn còn diễn ra trên diện rộng và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi. Mặc dù ngành điện và các cơ quan chức năng không ngừng tuyên truyền “ăn cắp điện là vi phạm pháp luật”, song vấn nạn này vẫn tiếp tục gây nhức nhối cho ngành điện và xã hội”, ông Nguyễn Phước Đức chia sẻ.
 
Theo Phó Trưởng ban Thanh tra - Bảo vệ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Lê Quang Đức, trong quá trình giải quyết triệt để tình trạng trộm cắp điện, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân từ việc truy thu sản lượng điện bị mất trộm và xử phạt bằng tiền hiện nay (thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng) chưa đủ sức răn đe.
 
Chưa kể, việc xử lý hình sự hành vi này còn nhiều bất cập do những quy định không thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Trường hợp trộm cắp điện từ 20.000kWh trở lên, để xử lý về tội trộm cắp tài sản cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Năm 2016, có 74 vụ trộm cắp trên 20.000kWh điện, ngành điện chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng đề nghị xử lý hình sự 25 vụ; tuy nhiên, không có vụ nào được khởi tố. Do đó, giải pháp trước mắt EVN kiến nghị là cần áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung như gửi tên người vi phạm về chính quyền địa phương hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên loa truyền thanh của xã phường. “Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân về việc sử dụng và bảo vệ nguồn điện quốc gia.
 
Do đó, ngành điện rất cần sự phối hợp tích cực của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, ngành điện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân; không tiếp tay cho các hành vi trộm cắp điện; đồng thời, kịp thời phát hiện và tố giác các trường hợp vi phạm”, ông Đức cho biết.
Theo: SGGP