Cán bộ kỹ thuật Công ty Điện lực Yên Bái vận hành hệ thống lưới điện tại Trung tâm Điều khiển xa.
Vệ sinh, sửa chữa khi đường dây vẫn mang tải
Sự tiến bộ vượt bậc của PCYB đã và đang được người dân và doanh nghiệp ở Yên Bái ghi nhận, đánh giá cao. Chị Hoàng Thị Ngọc Quyên ở xã Minh Xuân, huyện Lục Yên chia sẻ: "Trước đây, khu vực này cứ mỗi lần trời mưa to, gió lớn hay các sự cố liên quan đến lưới điện thường xảy ra mất điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất thì nay tình trạng đó hầu như không còn”.
Kết quả ấy là sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo mà PCYB tập trung phát triển lưới điện thông minh. Do hệ thống lưới điện đang phải tiếp xúc hàng ngày với bụi bẩn từ môi trường nên khi bề mặt bám bẩn kéo dài sẽ gây rò rỉ, làm tổn thất điện năng. Nếu bụi bẩn tích tụ nhiều, kết hợp độ ẩm cao hoặc sương mù thì có thể dẫn đến phóng điện dọc theo bề mặt chuỗi cách điện, gây ra sự cố pha - đất, làm gián đoạn việc cấp điện. Trước đây, để bảo đảm an toàn cho hệ thống, định kỳ hàng năm, các đơn vị điện lực phải tiến hành cắt điện và huy động một lực lượng lớn nhân lực làm vệ sinh lưới điện.
Việc cắt điện khi tiến hành vệ sinh lưới điện đã gây nhiều thiệt hại cho hệ thống như: phá vỡ phương thức vận hành hợp lý, tăng tổn thất điện năng, gây gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng... Ðặc biệt, việc công nhân phải lau chùi từng bát sứ trên độ cao hàng chục mét cung tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Vì vậy, giải pháp vệ sinh cách điện hotline, sửa chữa hotlline được ứng dụng sẽ khắc phục được tất cả những tồn tại trên.
Theo đó, công nghệ này đã sử dụng giải pháp phun nước áp lực cao vào trụ điện, đường dây, bát sứ, trong khi đường dây vẫn mang tải, nước dùng để vệ sinh lưới điện là nước nguyên chất đã được khử ion nên không dẫn điện.
Công ty cũng áp dụng công nghệ sửa chữa hotline trên lưới 22 kV đang mang điện là một trong những công việc hoàn toàn mới, khác với sửa chữa truyền thống. Nếu như trước đây, khi nhận được thông báo sự cố, công nhân ngành điện phải kiểm tra, làm thủ tục cắt điện mới có thể sửa chữa hoặc thay thế thiết bị thì giờ đây, các công nhân của tổ hotline sẽ thao tác trực tiếp trên lưới đang mang điện.
Sau khi đã hoàn thành các biện pháp cảnh báo an toàn tại hiện trường, chuẩn bị đồ nghề an toàn bảo vệ cá nhân, chiếc xe chuyên dụng sửa chữa lưới điện đang mang điện đưa hai thành viên lên cao, cách mặt đất hơn chục mét, tiến sát đường dây đang có điện và cột có sứ bị hỏng. Các công nhân lần lượt thực hiện thao tác theo đúng quy trình, rồi tiến hành thay thế sứ mới.
Quá trình khắc phục các tồn tại trên lưới điện mà không cần phải ngắt điện không cho phép bất cứ sự bất cẩn nào có thể xảy ra. Do đó, mọi thao tác của người thợ hotline đều phải hết sức chỉn chu, chính xác, đúng quy trình để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Công nghệ mới này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cải thiện chỉ số Saifi (chỉ số về số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối) và chỉ số Saidi (chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối) của toàn ngành điện. Qua đó, giúp giảm tối đa thời gian cắt điện, bảo đảm cho hệ thống lưới điện vận hành liên tục an toàn, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho khách hàng toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện nay, trong tổng số 6 trạm biến áp (TBA) 110 kV mà PCYB quản lý vận hành, có 5 TBA 110 kV được triển khai vận hành theo mô hình TBA 110 kV không người trực là: TBA 110kV Yên Bái (E12.1), TBA 110kV Lục Yên (E12.4), TBA 110kV Ba Khe (E12.8), TBA 110kV Yên Bái 2 (E12.9), TBA 110kV Văn Yên (E12.21).
Trưởng phòng Kỹ thuật PCYB Nguyễn Duy Hưng cho biết: "Công tác vận hành hệ thống TBA không người trực đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác vận hành, điều hành lưới điện thông qua hệ thống SCADA tại Trung tâm Điều khiển xa tới các TBA 110 kV. Cụ thể, hệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp...
Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành, giảm tổn thất điện năng”. Mô hình TBA không người trực là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo Đề án "Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tự động hóa toàn bộ lưới điện
Đến nay, PCYB đang quản lý hơn 237.000 công tơ bán điện; trong đó, có trên 118.000 công tơ điện tử đo xa được triển khai lắp đặt, chiếm tỷ lệ 49,86% trên tổng số công tơ đang quản lý. Đối với Trung tâm Điều khiển xa, khi đưa hệ thống SCADA vào vận hành đã hỗ trợ các điều độ viên phát hiện sự cố kịp thời, nhanh chóng và chính xác các vị trí bị sự cố (hiển thị trên phần mềm với 3 mức cảnh báo; đồng thời, có chuông báo động tại các TBA 110 kV), từ đó, kịp thời báo cáo cấp trên điều hành xử lý sự cố theo quy định, bảo đảm chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện.
Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống SCADA, các nhân viên trực vận hành có thể kiểm soát được chính xác các thông số kỹ thuật vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành việc duy trì nguồn điện an toàn, liên tục và ổn định, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Khi xảy ra sự cố, các thông tin sự cố như vị trí, nguyên nhân, thời gian xảy ra, kế hoạch xử lý, thời gian khôi phục lưới điện… đều được đồng bộ, cập nhật kịp thời từ hệ thống SCADA sang hệ thống "Quản lý lưới điện OMS”, đến hệ thống nhắn tin thông báo tới các khách hàng, để nâng cao mức độ hài lòng, sự tin tưởng khi sử dụng điện.
Bằng sự chủ động đi tắt đón đầu, Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và triển khai đồng bộ các giải pháp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như: sử dụng hiệu quả các thiết bị camera ảnh nhiệt, thiết bị đo kiểm tra độ phóng điện cục bộ (Ultra TEV Plus 2); phát huy và nâng cao hiệu quả vận hành của Trung tâm điều khiển xa; triển khai xây dựng lưới điện thông minh, vệ sinh và sửa chữa điện hotline… giảm sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Công ty cũng đẩy mạnh việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử đo xa thu nhận dữ liệu từ xa; hoàn thành số hóa hợp đồng mua bán điện với khách hàng trong năm 2021. Để tăng cường tuyên truyền và triển khai các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty ký kết hợp đồng dịch vụ và hợp tác với các ngân hàng như: BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank và các tổ chức trung gian như: Viettelpay, Zalopay, MoMo, Vnpay... để thực hiện công tác thu hộ tiền điện.
Ông Cao Bình Định - Giám đốc PCYB cho biết: "Giai đoạn 2020-2025, Công ty sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành các mục tiêu của Đề án phát triển lưới điện thông minh trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng và tăng năng suất lao động của đơn vị. Công ty tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ từ cuộc cách mạng 4.0 để phát triển phục vụ công tác quản lý, tự động hóa, tăng năng suất lao động và dịch vụ khách hàng; từng bước hướng tới điện lực số, doanh nghiệp số”.