Cách đây hơn 20 năm, ngày 15.9.1991- Thời kỳ miền Trung là vùng “khát điện” trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ chính thức phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy TĐVS, đây là nhà máy thủy điện có công suất và quy mô lớn đầu tiên tại các tỉnh miền Trung-Tây nguyên thời bấy giờ. Vượt qua nhiều khó khăn, được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhất là lãnh đạo hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, cùng với sự hy sinh to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Sơn Lang, Đăk Roong (huyện K’Bang-Gia Lai) và Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh)… nên công tác di dời dân và giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Sau hơn 3 năm xây dựng, vào ngày 4.12.1994, Nhà máy TĐVS đã hoàn thành và chính thức phát điện để hòa vào lưới điện quốc gia. Với công suất 66 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm đạt 230 triệu kWh (khi chưa đầu tư xây dựng thêm hồ C), Nhà máy TĐVS đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện gay gắt vào những thập niên 90 ở cuối thế kỷ XX, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân địa phương.
Tiếp quản Nhà máy TĐVS với sự năng động, sáng tạo trong việc tổ chức quản lý, vận hành hiệu quả, 20 năm qua, nhà máy TĐVS đã đáp ứng tốt việc chống quá tải hệ thống điện quốc gia, khu vực miền Trung. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nhà máy ngày càng trưởng thành và làm chủ hoàn toàn hệ thống thiết bị công nghệ cao; công tác tổ chức sản xuất ngày càng hiệu quả, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật hàng năm đều đảm bảo. Hiện nay, Công ty được xem là địa chỉ đào tạo uy tín, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật cho các nhà máy thủy điện trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Đến năm 2000, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức giao cho Nhà máy TĐVS tiếp nhận và quản lý Nhà máy thủy điện Sông Hinh và đổi tên thành Nhà máy TĐVS - Sông Hinh. Đến năm 2005, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, nhà máy là một trong những đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được cổ phần hóa, hoạt động dưới mô hình Công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Sau khi thay đổi mô hình hoạt động, hiệu quả sản xuất và quản trị doanh nghiệp được duy trì và phát huy tích cực hơn, mô hình quản lý ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ. Hiện Công ty là một trong số ít doanh nghiệp ngành Điện niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh và hoạt động có hiệu quả. Mã cổ phiếu VSH được đưa vào danh sách VN 30 và hàng năm Công ty đều đảm bảo cổ tức cho cổ đông từ 10% trở lên.
Tổng sản lượng điện phát của Nhà máy TĐVS trong 20 năm (tháng 12.1994-12.2014) là 6,231 tỉ kWh, sản lượng điện bình quân hàng năm là 311,55 triệu kWh, đồng nghĩa với bình quân hàng năm Nhà máy TĐVS đạt 112% so với công suất thiết kế. Tổng doanh thu trong 20 năm của nhà máy là 3.500 tỉ đồng (kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy là 820 tỉ đồng). Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hàng năm, riêng Nhà máy TĐVS nộp ngân sách nhà nước trên 60 tỉ đồng.
Ngoài công tác quản lý vận hành 2 nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn và Sông Hinh những năm gần đây, đơn vị đã hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng cho công tác từ thiện, xã hội, như: Xây dựng tượng đài liệt sĩ An Khê - Kanat; xây dựng trường tiểu học tại thôn 3 xã Sơn Lang; xây dựng nhà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí cho địa phương làm lễ kỷ niệm khởi nghĩa Tà Lốc - Tà Léc, ủng hộ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách nhân các ngày lễ, Tết; ủng hộ kinh phí khuyến học cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, đóng góp sản lượng điện lớn hòa vào lưới điện quốc gia; tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân địa phương và khu vực.