Chỉ vào chiếc ti-vi "mới cáu", anh Lâm Sơn, người dân tộc Khmer ở khóm 4, phường 5, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) hồ hởi tâm sự: Có điện là tôi mua ngay ti-vi, vừa để giải trí, vừa để học hỏi nhiều cái hay, cái mới. Nhờ đó mà biết cách chăn nuôi, trồng trọt. Trước không có điện, cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn, tối đến chỉ có ánh đèn dầu leo lét. Giờ, người dân có thể chạy máy bơm để lấy nước sạch, có điện sáng cho con cháu học bài... Là hàng xóm của anh Lâm Sơn, gia đình chị Trà Thị Huệ ngoài việc canh tác 1,5 ha lúa, còn nuôi thêm đàn lợn hơn 10 con. Nhờ có điện, chị mở rộng quy mô chăn nuôi, công việc đỡ vất vả hẳn so trước đây. Điện lưới kéo về, những phum, sóc như được truyền vào sức sống mới, bà con mở rộng chăn nuôi, trồng thêm hoa màu, cải thiện cuộc sống...
Giám đốc Công ty Điện lực (CTĐL) Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải cho biết: Được triển khai từ tháng 7-2011 và hoàn thành vào năm 2013, giai đoạn 1 của dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng với tổng mức đầu tư hơn 305 tỷ đồng, đã hoàn thành việc xây dựng đường dây (ĐZ) trung thế, hạ thế, cung cấp điện cho hơn 20 nghìn hộ dân. Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án với mục tiêu cấp điện thêm cho gần 17 nghìn hộ dân cũng đang "chạy nước rút", dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Tất cả hộ dân nằm trong vùng dự án không phải đóng một khoản phí nào. Được biết, cùng với Sóc Trăng, ba tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh đã và đang triển khai dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi về Kiên Giang, đến thăm công trình đưa điện ra huyện đảo Kiên Hải. Sau gần một tiếng lênh đênh trên biển, chúng tôi đến xã đảo Hòn Tre (trung tâm hành chính huyện Kiên Hải), nơi có điểm cập bờ của công trình ĐZ 22 kV nối từ đất liền. Chúng tôi đã chứng kiến các kỹ sư, công nhân với thiết bị máy móc, cần cẩu đang hối hả thi công phần đóng cọc, đổ trụ cột trên biển. Phó Giám đốc CTĐL Kiên Giang Phạm Thanh Tuấn chia sẻ: Công trình ĐZ 22 kV nối từ đất liền ra xã đảo Hòn Tre được khởi công xây dựng vào trung tuần tháng 7-2014, do Tổng công ty Điện lực miền nam (EVNSPC) ủy quyền cho CTĐL Kiên Giang làm chủ đầu tư. Công trình dài gần 13 km, xuất phát từ mé biển thuộc địa bàn xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất đến đỉnh phía bắc xã đảo Hòn Tre, tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Hiện nay, trong tổng số 25 trụ điện dưới biển đã đóng cọc xong 15 trụ, còn lại 10 trụ đang gần hoàn thành, sau đó sẽ thi công hai trụ cập bờ. Dự kiến, công trình đóng điện vào đầu tháng 2-2015.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, trú ấp 1, xã đảo Hòn Tre nhớ lại: Trước kia, cuộc sống của bà con trên đảo rất khó khăn vì không có điện. Sau đó đến những năm 1990, Kiên Hải được Nhà nước đầu tư máy phát điện đi-ê-den, đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện rất cao do phải dùng dầu đi-ê-den chạy máy phát, có những thời điểm, người dân phải trả hơn 10 nghìn đồng/kW giờ. Hằng năm, ngân sách tỉnh phải hỗ trợ chi phí phát điện, trợ giá điện sinh hoạt cho xã đảo Hòn Tre hơn 10 tỷ đồng, và gần 40 tỷ đồng cho toàn bộ huyện đảo Kiên Hải. Hiện nay, giá điện tại đảo đã bằng giá điện trong đất liền, nhưng khi nghe tin sắp có điện lưới ra đảo, bà con ai cũng mừng.
Nói về dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng Cao Minh Thống đánh giá: Dự án đã giúp mở rộng hệ thống lưới điện đến tận các phum, sóc chưa có điện, bảo đảm việc cấp điện ổn định cho nhiều hộ gia đình người Khmer và các dân tộc khác; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Từ khi có điện, người dân đã có thêm thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh; các kiến thức về khoa học, giáo dục... nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống nhân dân. Đồng thời, dự án tạo nên sự chuyển biến cao trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa; giảm dần cách biệt giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, theo Giám đốc CTĐL Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải, càng về cuối, việc triển khai dự án sẽ càng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do những hộ dân người Khmer chưa có điện còn lại thường sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, kênh rạch chằng chịt, giao thông không thuận tiện,... Nhiều nơi, ngành điện phải lựa theo từng con nước để dùng xuồng máy đưa cột trụ đến chân công trường. Bên cạnh đó, thiết kế của cột trụ cũng phải phù hợp địa hình nhiều ao đầm ngập mặn, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng các đầm nuôi tôm của người dân. Vì vậy, suất đầu tư cho mỗi hộ dân sẽ cao hơn, có khi lên 40 đến 50 triệu đồng/hộ."Để đưa được điện về với người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, giúp cải thiện cuộc sống của bà con, thì dù khó khăn, vất vả đến đâu, ngành điện vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước đã giao phó", Phó Tổng Giám đốc EVNSPC Phạm Ngọc Lễ khẳng định.
Trở về huyện đảo Kiên Hải, được biết, theo kế hoạch, công trình ĐZ 22 kV từ đất liền ra xã đảo Hòn Tre sẽ hoàn thành trong tháng 2 tới, kịp thời đưa điện lưới quốc gia phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do điều kiện thi công trên biển khó khăn, chịu ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão, sóng gió..., cho nên tiến độ công trình đang bị chậm so kế hoạch. Phó Giám đốc CTĐL Kiên Giang Phạm Thanh Tuấn bộc bạch: Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công tăng cường phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và lực lượng kỹ sư, công nhân lao động làm việc ba ca/ngày, nhằm đưa công trình về đích trong thời gian ngắn nhất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải Huỳnh Thanh Bình nhận định: Dự án ĐZ 22 kV này sẽ đáp ứng nhu cầu dùng điện ngày càng tăng trên đảo, cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân và giúp tiết kiệm chi phí do không phải phát điện bằng dầu đi-ê-den. Qua đó, tạo sức hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho xã đảo Hòn Tre nói riêng và huyện Kiên Hải nói chung. Riêng tại Hòn Tre, nhiều dự án đang chờ lưới điện sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt, như dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hòn Tre, dự án bãi xử lý rác thải của huyện...
Tiếp theo các huyện đảo Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn, giờ đây, sẽ có thêm Kiên Hải - huyện đảo tiền tiêu của đất nước chuẩn bị được đón điện lưới quốc gia, góp phần quan trọng phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giai đoạn 1 của dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ với tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng, đã cấp điện cho gần 55 nghìn hộ dân. Giai đoạn 2 đang được triển khai tại Sóc Trăng và Trà Vinh bước vào giai đoạn nước rút, dự kiến khi hoàn thành, có thêm hơn 27 nghìn hộ dân sẽ được cấp điện. Giai đoạn 3 cũng được các tỉnh lên kế hoạch, và sớm triển khai trong đầu năm tới. |