Năm 1985, Trạm Thủy điện Khe Sanh ra đời và anh là một trong 5 công nhân kỹ thuật quản lý và vận hành hai tổ máy có tổng công suất 250 kVA. Gần mười năm sau, lưới điện quốc gia đến huyện Hướng Hóa và Chi nhánh Ðiện Khe Sanh được thành lập vào cuối năm 1993 với sự quản lý trực tiếp của Ðiện lực Quảng Trị. Anh công nhân lành nghề Lê Thế Ðơn được giao nhiệm vụ quản lý và kiểm tra đường dây điện cùng các trạm biến áp trên địa bàn.
Là một người con của Quảng Bình, quê hương mẹ Suốt anh hùng, nhưng trong 27 năm qua, Lê Thế Ðơn đã chọn miền tây tỉnh Quảng Trị làm quê hương thứ hai và gắn bó với ngành điện của tỉnh bằng sự chăm chỉ và tinh thần vì nhân dân, vì ngành nghề mà tận tâm phục vụ. Hiểu giá trị của dòng điện và bởi yêu hiện thực đời sống trong ánh điện của mọi người, mọi nhà trên miền sơn cước mà anh đã cùng đồng nghiệp không ngừng xây dựng và vận hành lưới điện từ thời Khe Sanh còn vắng bóng người và thưa thớt nhà cửa đến lúc trở thành một thị trấn sầm uất, từ khi Lao Bảo heo hút rồi trở nên nhộn nhịp, các bản làng âm u tươi sáng dần thêm giữa đại ngàn Trường Sơn. 27 năm qua, anh không sao nhớ hết số lần cắt rừng kéo điện, lội sông vượt núi kiểm tra đường dây giữa chốn sơn tràng này nhưng anh thuộc hết đường lên sườn núi này, lối qua con suối nọ, ngõ vào trạm biến áp kia ở Rào Quán, La Lay, Cù Bai, A Dơi, Pa Tầng... Những nụ cười cởi mở, sự hồn hậu và tấm lòng chân tình của người Kinh, người Thượng ở hai huyện ÐakRông. Hướng Hóa đã giúp anh vượt qua nỗi nhớ gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Ðược bầu làm Tổ trưởng Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp của Chi nhánh Ðiện Khe Sanh từ năm 1996, anh cùng các đồng nghiệp làm nhiệm vụ phát hiện những hư hỏng, khiếm khuyết trên đường dây và hành lang tuyến để Chi nhánh có phương án xử lý và sửa chữa kịp thời. Người trong vùng kể, việc anh Ðơn và các đồng nghiệp thay quả sứ trên cột điện vừa bị vỡ do giông, sét hoặc nhìn ra có hiện tượng phát nhiệt ở mối nối trên dây điện, phát quang những cành cây đang vươn tới gần lưới điện... nhiều năm qua là hình ảnh hết sức quen thuộc với họ.
Trên một địa bàn rộng với núi non hiểm trở, giao thông còn nhiều khó khăn, vào mùa mưa thường xảy ra hiện tượng sạt lở núi, nhiều lúc tổ công tác của anh Ðơn phải ở lại bản xa, làng vắng. Năm 1998, Chi nhánh Ðiện Khe Sanh đóng điện qua Lào thắp sáng thêm cuộc sống của nhân dân các bộ tộc Lào anh em ở hai tỉnh Xa-va-na-khệt, Xa-la-van ở khu vực biên giới và từ đây công nhân Lê Thế Ðơn có thêm mục tiêu góp phần đưa dòng điện của đất nước thắp sáng thêm tình hữu nghị Việt-Lào. Bên cạnh đó, anh vẫn ngày đêm cùng đồng nghiệp triển khai các công trình, phần việc của chương trình Ðiện khí hóa nông thôn trên địa bàn với kết quả năm 1999 đưa điện về Triệu Nguyên, Ba Lòng và hai xã A Dơi, Pa Tầng được đóng điện vào năm 2001. Lãnh đạo Chi nhánh Ðiện Khe Sanh nói: "Ở Chi nhánh Ðiện Khe Sanh, anh Ðơn cần cù, thận trọng, thật sự là một mẫu mực về tác phong và hiệu quả làm việc, mà ngay cả các kỹ sư và người quản lý cũng phải học tập. Ðặc biệt, chúng tôi rất khâm phục anh Ðơn về sức bền và sự hy sinh thầm lặng cho công việc". Ðể đạt hiệu quả tốt nhất trong quản lý vận hành và kiểm tra gần 408 km đường dây trung áp, 225 km đường dây 0,4 kV và 235 trạm phụ tải với bán kính xa trung tâm nhất là 75 km, anh Ðơn tổ chức công việc theo tuyến và khu vực cụ thể phù hợp với từng nhóm công tác mà trách nhiệm và quyền lợi đã được xác định rõ ràng. Phương pháp này đã đưa hoạt động quản lý, kiểm tra đường dây và trạm biến áp vào nền nếp, tích cực phục vụ kế hoạch sửa chữa lưới điện và san tải của Chi nhánh nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới điện. Chính năng lực vững vàng và tinh thần làm việc không quản giờ giấc, điều kiện thời tiết, luôn tập trung và cẩn trọng, tính nhạy bén trong phát hiện sớm và phối hợp xử lý của tổ công tác do anh Ðơn trực tiếp điều hành là yếu tố rất quan trọng để Chi nhánh Ðiện Khe Sanh kịp thời ngăn ngừa sự cố, cung cấp điện ổn định, giảm tổn thất điện năng và đạt hiệu quả kinh doanh ngày càng cao.
Ðến nay, lưới điện và các trạm biến áp ngày càng được hiện đại và tự động hóa, người công nhân bậc 6/7 Lê Thế Ðơn thường xuyên cập nhật thông tin về các loại máy móc, công nghệ mới như máy cắt recloser, dây dẫn bọc cách điện, rơ-le kỹ thuật số, thiết bị chống sét van ZnO... từ tài liệu chuyên môn, từ thông tin đại chúng và từ lớp kỹ sư, công nhân trẻ. Anh thường mong ước làm sao ngành điện sớm khắc phục, sửa chữa, thay thế lưới điện trung áp nông thôn vừa tiếp nhận đã bị xuống cấp, hư hỏng, cho nên chất lượng điện chưa cao, tổn thất điện năng còn tiếp diễn để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn và nâng cao uy tín của ngành, nghề. Khiêm nhường và thân thiện, hằng ngày anh vừa kiểm tra đường dây vừa trao đổi, chia sẻ với khách hàng khi họ có những thắc mắc, bức xúc liên quan đến việc cung cấp và chất lượng điện cũng như hướng dẫn họ sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mà vẫn hiệu quả. Lê Thế Ðơn rất vui mỗi khi nhìn ánh điện tỏa sáng trong mỗi gia đình, những trường học, các trạm y tế... Khi được hỏi, nếu cần nói một điều gì đó về công nhân Lê Thế Ðơn thì đồng nghiệp sẽ nói gì, anh Trương Ðình Võ Quan - Trưởng Chi nhánh Ðiện Khe Sanh trả lời: "Anh Ðơn là tài sản quý của đơn vị!".