Tin trong nước

Bản làng có điện thay sao

Thứ hai, 4/1/2010 | 10:16 GMT+7

Giúp người dân vùng rẻo cao được hưởng ánh sáng từ nguồn lưới điện quốc gia đã được tỉnh Quảng Bình quan tâm nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều trở ngại do địa hình hiểm trở. Giờ đây, với dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, đời sống của cộng đồng người A rem và Ma Coong ở Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) đã có nhiều đổi thay.

Hơn nửa thế kỷ qua, hai tộc người A rem và Ma Coong ở xã Tân Trạch và Thượng Trạch đã trải đủ sự nổi chìm từ bản vào hang, từ hang ra bản. Năm năm gần đây, Ðảng và Nhà nước cùng với cộng đồng đã huy động mọi nguồn lực hướng về nơi này với sự chở che, đồng cảm và sẻ chia. Chưa nơi nào có tốc độ xóa nhà tạm nhanh như ở vùng này. Chỉ một năm thôi, hơn 1.000 ngôi nhà của người A rem, Ma Coong đã được đầu tư xây dựng kiên cố, chấm dứt cảnh mưa dột, gió lùa. Người A rem, Ma Coong đã thật sự hồi sinh...

Nhiều năm qua, việc giúp cho người dân vùng rẻo cao này được hưởng ánh sáng từ nguồn điện lưới quốc gia đã được tỉnh Quảng Bình đề cập. Có nhiều phương án, kể cả dự án đưa điện lưới quốc gia đến cho đồng bào nhưng trong bối cảnh của một tỉnh nghèo như Quảng Bình, số tiền hàng chục tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia về thôn, bản của người A rem, Ma Coong đã không khả thi. Một thời Ban Dân tộc tỉnh loay hoay tìm cho người A rem, Ma Coong nguồn sáng từ các công trình thủy điện nhỏ. Nhưng rồi, phương án này cũng không thực hiện được vì ở đây nước sinh hoạt còn khó kiếm, nói chi đến thủy điện? Ðã có phương án đầu tư cho mỗi bản một máy phát điện, nhưng rồi phương án này cũng không được phê duyệt vì việc cung ứng xăng, dầu chạy máy phát điện là quá tốn kém và đường vận chuyển vô cùng trắc trở... Cứ thế, hơn 2.000 nhân khẩu người A rem, Ma Coong vời vợi chờ và hy vọng. Sự tăm tối của rừng già giữa đại ngàn Trường Sơn cùng với những hủ tục lạc hậu mãi đè nặng lên cuộc sống của họ. Và rồi, ước mơ ngàn đời "có điện thay sao" của đồng bào đã thành hiện thực.

Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Ðinh Lầu nói rằng, trường học, UBND xã và sáu hộ dân ở đây đã được ưu tiên có điện. Ðêm xuống, bản 39 này vui lắm. Người ta kéo nhau đến UBND để xem ti-vi. Ðiện sáng bừng con đường nội bản. Người lớn, trẻ con tíu tít, râm ran như lễ hội. Mấy ngày đầu có điện, người A rem muốn thức suốt đêm. Bà con sướng cái bụng lắm lắm! Phó bản Ðinh Quơ nói: "Có điện, tối đến nhà luôn đông người, vui lắm. Bà con trong bản kéo đến uống chè xanh và rôm rả đủ thứ chuyện. Trước đây, khi đêm xuống chẳng biết làm gì. Mở mắt nhìn trời đêm thăm thẳm"... Ông Quơ nhìn chăm chú vào cái bóng điện đang sáng giữa nhà và luôn tay bật, tắt cái công-tắc điện như thể để khẳng định nó đang có thật trong ngôi nhà mình.

Dãy trường học bề thế và vững chãi nằm ngay giữa bản là nơi 68 học sinh người A rem đang được học chữ. Các thầy giáo, cô giáo dưới xuôi lên cắm bản ở đây đỡ nhớ nhà hơn, khi đêm xuống các phòng nội trú sáng choang xua đi màn đêm rừng thẳm. Thiếu tá Ðặng Thanh Phong, cán bộ Ðồn Biên phòng 593 cắm chốt ở đây cho biết, bản có điện nên công tác vận động quần chúng thuận lợi hơn rất nhiều. Chỉ cần ở văn phòng UBND xã mỗi đêm là gặp đủ mặt người dân trong bản. Ngày trước, khi chưa có điện, chưa có ti-vi, đêm xuống trai bản chẳng biết làm gì, giờ thì ai cũng thích xem ti-vi nên mọi hủ tục cũng giảm dần...

Rời bản 39, chúng tôi đi thêm chừng mươi cây số đến trung tâm xã Thượng Trạch, nơi chủ yếu người Ma Coong sinh sống. Bí thư Ðảng ủy xã Quách Tẩm phấn chấn: Nhà kiên cố đã được Nhà nước đầu tư, giờ có thêm ánh sáng điện, người Ma Coong ngàn đời nay mơ cũng không thấy. Mừng lắm, bây giờ chỉ lo làm ăn và bảo vệ rừng cho tốt thôi.

Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình Mai Văn Nhị chia sẻ với chúng tôi về sự gian nan của việc đưa cho được nguồn sáng đến vùng "thâm sơn cùng cốc" này. Anh Nhị nói rằng, phải toan tính và vận động nhiều lắm mới có được cái dự án điện bằng năng lượng mặt trời cho người A rem, Ma Coong (dự án được coi là rẻ và khả thi nhất trong thời điểm hiện tại). Mấy năm trước đây, Viện Năng lượng đã thử nghiệm đầu tư trên vùng cao này một vài giàn pin mặt trời. Và bước đầu khẳng định được tính hiệu quả của nó. Thực tế đó đã gợi ý cho lãnh đạo Sở Công thương tìm kiếm và tranh thủ sự đầu tư. May mắn sao, Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh có một khoản hỗ trợ từ nguồn vốn tài trợ dự án điện năng lượng mặt trời giữa Việt Nam và Tây Ban Nha chừng 800 triệu đồng. Ðể tranh thủ nguồn vốn này và nhất là thiết bị tiên tiến của họ, tỉnh Quảng Bình đã bỏ thêm gần 1,2 tỷ đồng làm vốn đối ứng thực hiện dự án này cho người A rem, Ma Coong. Toàn bộ thiết bị, phương tiện thi công phải dùng sức người cõng trên lưng trèo đèo lội suối vào các bản. Nhiều bản cách nhau cả gần ngày đường. Mấy tháng trời anh em bám công trường ăn ngủ cùng dân dưới mái nhà sàn. Hơn 26 giàn pin mặt trời với công suất 6.000 Wp đã được lắp đặt trên địa bàn hai xã. Những nhà văn hóa cộng đồng, UBND xã, già làng, các gia đình văn hóa tiêu biểu là các đối tượng hưởng lợi từ nguồn sáng này... Anh Nhị chỉ tay vào giàn pin mặt trời có công suất 330 Wp ở xã Tân Trạch giới thiệu: Ðịa hình, thời tiết, khí hậu vùng này vô cùng khắc nghiệt, trình độ dân trí còn thấp, thế nên chúng tôi đòi hỏi rất cao về chất lượng pin mặt trời lắp đặt ở đây. Nó phải là pin mặt trời loại silic đơn tính, hiệu suất cao, được sản xuất với công nghệ hiện đại, độ tin cậy tối đa và ít bảo dưỡng. Pin phải có khả năng chịu nước, chịu bào mòn, chịu được mưa đá và các yếu tố khác về môi trường. Khi các tấm pin đã được thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, chịu chu kỳ nhiệt từ âm 40 độ đến 85 độ và một vài thử nghiệm khác nữa, khi đáp ứng được yêu cầu, chúng tôi mới cho triển khai thi công...

Và thêm một tin vui nữa đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, vừa qua tỉnh được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án "Cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các bản của 10 xã điện lưới quốc gia không đến được" sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Tây Ban Nha với tổng số vốn 215 tỷ đồng. Như vậy, năm 2010, tỉnh Quảng Bình sẽ lắp pin mặt trời để cấp điện phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân, trường học, trụ sở UBND xã... tại 10 xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh và Lệ Thủy với tổng công suất 786.000 Wp.

Phía trước hành trình "cõng điện lên non" hãy còn nhiều khó khăn nhưng những gì mà dự án này mang lại đã góp phần thay đổi đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình nói chung và tộc người A rem, Ma Coong nói riêng.

Theo: Nhân dân