Tin trong nước

Điện sáng nơi đảo xa

Thứ hai, 22/12/2014 | 08:27 GMT+7
Đưa Điện Đến với Đảo xa giúp nối gần hơn khoảng cách giữa Đất liền và những huyện Đảo tiền tiêu của Đất nước. Dòng Điện sáng giúp “những viên ngọc còn vùi trong cát” cựa mình thức giấc. Biệt lập về Địa lý, nhưng cuộc sống nơi Đầu sóng không chỉ Dư nắng, Dư gió, Dư vị mặn mòi của Biển mà Đã lấp lánh sự nhiệm màu từ Dòng Điện của ấm no.


Cải tạo lưới điện hạ thế ở Kiên Hải . Ảnh:Ngọc Hà

Thạnh An - đảo nghèo và giấc mơ ánh sáng

Nằm cách đất liền hơn một giờ đi đò, xã đảo Thạnh An (thuộc huyện Cần Giờ) là xã đảo duy nhất, xa nhất của TP Hồ Chí Minh. Nhưng Thạnh An cũng thuộc diện khó khăn nhất của thành phố bởi nằm biệt lập hoàn toàn với đất liền. Mọi liên lạc với đất liền chủ yếu nhờ vào những con đò cũ kỹ mà người dân dùng đi đánh cá và vận chuyển nước ngọt, hàng hóa thiết yếu cho người dân trong xã. Tiếng thì mỗi ngày có hai chuyến đivề, nhưng bác lái đò nói, lượt đi cũng phập phù tùy vào lượng khách thực tế có đủ bù đắp chi phí 400 nghìn đồng/chuyến hay không? Chúng tôi là một trong số những hành khách hiếm hoi của bác lái đò về với Thạnh An hôm ấy. Chưa đặt chân đến xã nhưng qua câu chuyện trên đò vượt mênh mang sông nước cái nghèo cái khó của người dân nơi đây phần nào đã được mường tượng.

Chúng tôi đặt chân lên một nơi chẳng có nhà nào đánh số, hầu hết treo bảng “Nhà tình thương, tình nghĩa”. Bà Võ Thị Sàng, ấp Thạnh Hòa ngậm ngùi nói: “Đò ngang cách trở, sức dân nghèo không thể lo nổi một ngôi nhà đủ sức chống chịu được gió bão, sóng biển”. Hỏi chuyện ông Huỳnh Anh Tuấn, Bí thư, Chủ tịch xã Thạnh An được biết, toàn xã đảo có ba ấp (Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng) với diện tích tự nhiên khoảng 13 nghìn héc-ta nhưng chủ yếu là rừng ngập mặn. Dân số của xã khoảng 4.689 nhân khẩu, nhưng có đến 30% là hộ nghèo, cuộc sống mưu sinh chỉ trông chờ vào đánh bắt thủy sản gần bờ và làm muối. Mức sống của người dân vì thế cũng thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thành phố, số căn nhà chưa đạt chuẩn chiếm 37,53%...

Để vực dậy đời sống người dân xã đảo, TP Hồ Chí Minh đã dồn sức thực hiện một loạt chương trình, chính sách ưu tiên, ưu đãi trong đó có đầu tư phát triển hệ thống điện lưới tới khắp xã đảo. Nhờ vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống người dân đã bớt nhọc nhằn. Khảo sát Thạnh An hôm nay sẽ bắt gặp những gia đình đang ngổn ngang trước những dự định mới, có người sẽ rời đi, có người bám trụ lại cũng tính đến chuyện đổi đời. Nếu không có gì thay đổi, thì từ năm 2015, Thạnh An sẽ di dời khoảng 1/3 hộ dân vào đất liền sinh sống và lập nghiệp. Sau đó, xã nghèo sẽ sắp xếp lại dân cư, mở rộng diện tích, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Rồi tháng 12 này, điện lưới quốc gia sẽ nối liền ra đảo, điều ấy khiến cho giấc mơ của những người Thạnh An thêm phần lấp lánh của ấm no. Với dự án đầu tư xây dựng mới tuyến cáp ngầm vượt biển 22 kV, tổng mức đầu tư gần 167,3 tỷ đồng từ Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, mục tiêu phát triển ba ngành mũi nhọn đánh bắt, nuôi trồng và đổi mới mô hình làm muối sạch ở ấp Thiềng Liềng từ truyền thống sang trải bạt cho sản lượng nhiều hơn, giá thành cao hơn có thể mang đến sự ấm no bền vững hơn cho những cư dân Thạnh An.

Thạnh An khi chúng tôi tạm biệt, vẫn rất bình lặng, những người phụ nữ vẫn đang cần mẫn đan lưới, xa xa ngoài biển, bóng dáng những người đàn ông đi đánh bắt trở về. Cuộc sống vẫn đang phập phồng với những khao khát thay đổi. Biến xã đảo nghèo thành khu du lịch sầm uất là chuyện trong tương lai. Người dân cười khi nghe chúng tôi mô tả về một Thạnh An ngày mai. Nụ cười lấp lánh hy vọng, họ vẫn bám đảo, giữ nghề biển cha ông. Nhưng sẽ có một Thạnh An muôn màu hơn, và nói như một ngư dân chúng tôi gặp sau chuyến đi biển, ông muốn con cháu mình rồi có cuộc sống ấm no hơn, không chỉ phụ thuộc vào mùa biển, vào nắng mưa trời đất...

Chuyện nóng hổi ở Kiên Hải

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi đến Rạch Giá trong chuyến đi dài ngày về miền Tây của Tổ quốc. Đàn hải âu chao liệng tiễn con tàu rời bến từ tinh mơ để đến đảo Hòn Tre, đây đó, những cụm lục bình trôi ra biển lớn vẫn còn tươi xanh.

Huyện đảo Kiên Hải được thành lập ngày 12-4-1983, gồm sáu xã nằm ngoài khơi biển Tây Nam. Nhưng sau hai lần chia tách các xã, hiện còn ba xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du và thị trấn Hòn Tre - trung tâm hành chính huyện, với dân số gần 25 nghìn người. Tàu cập bến Hòn Tre hay còn có tên gọi là Hòn Rùa sau khoảng 50 phút lênh đênh trên biển. Bến đón ngày nay không còn là cái phao thép nổi bập bềnh thời chiến tranh để lại mà đã được xây dựng bê-tông cốt thép đúng quy cách, tuy không lớn.

Trên bến, một hàng xe ôm mười mấy chiếc xếp hàng đậu ngay ngắn. Một bác xe ôm nhanh nhảu mời khách: “Mấy anh đi “truyền thống” hay tự lái?”. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, ông giải thích: “Tự lái tức là khách mướn chiếc xe (bao xăng), muốn đi đâu thì tùy, khi nào chán quay về bến trả tiền”. Con đường từ bến lên được đổ bê-tông phẳng phiu vòng quanh đảo, ngang 3 m, dài 12 km, có đủ từng cột cây số, bảng chỉ đường, vài đoạn còn có cả đèn chiếu sáng ban đêm. Với người Hòn Tre, đây là “con đường tơ lụa” trên cả tuyệt vời - như lời một ông chủ tiệm tạp hóa khoe khi tôi dừng lại mua chai nước uống. Nhưng chưa hết, huyện đảo này đang xây dựng các dự án quy hoạch trung tâm thương mại thị trấn Hòn Tre, trung tâm chợ tại các xã; các khu du lịch nghỉ dưỡng; các dự án trọng điểm gồm âu thuyền trú bão, cầu cảng đủ điều kiện cho tàu hàng và tàu du lịch cập bến, đường giao thông quanh các xã... Huyện cũng đang phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, giới thiệu những chính sách ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư… Và sự kiện “nóng” nhất lúc này chính là việc, Công ty Điện lực Kiên Giang đang triển khai dự án xây dựng đường dây 22 kV vượt biển, đưa điện lưới quốc gia ra đảo Hòn Tre. Ông Phạm Thành Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang (Tổng Công ty Điện lực miền Nam) cho biết: Công ty đang tiến hành dự án xây dựng tuyến đường dây 22 kV vượt biển dài 13 km đưa điện từ đất liền đến đảo Hòn Tre, đồng thời cải tạo lưới điện tại Hòn Tre với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.

“Chỉ khi có nguồn điện đầy đủ, ổnđịnh mới có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở những hòn đảo nhỏ xa xôi này” - ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải khẳng định. Ông Bình còn tính rằng, bên cạnh việc giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách tỉnh Kiên Giang do phải trợ giá điện thì một trong những yếu tố hết sức quan trọng của việc đưa lưới điện quốc gia ra đảo Kiên Hải bằng đường dây vượt biển 22kV là thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội huyện đảo, cải thiện đời sống người dân. Nguồn điện lưới quốc gia còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc an ninh, quốc phòng biển đảo Tây Nam Tổ
quốc.

So với Thạnh An nói trên, công trình đường dây vượt biển đến với Kiên Hải sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng chậm hơn, dự kiến vào đầu năm 2015. Khác với các hộ chỉ sử dụng điện sinh hoạt, ông chủ cơ sở gia công cơ khí, sửa chữa máy tàu đánh cá ở ấp 1, thị trấn Hòn Tre cho biết: Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở huyện đảo Kiên Hải đã chuẩn bị những kế hoạch làm ăn mới để đón đầu nguồn điện lưới quốc gia và cơ sở của ông cũng nằm trong số đó. Hòn Tre - xã đảo hình thù con rùa khổng lồ có đuôi hà bá ấy được đánh thức bởi những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở đang được triển khai và những dự định làm ăn lớn của các ông chủ doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ khi dòng điện ở đảo được nối lưới quốc gia.

Đi thực tế dọc dài miền Tây đất nước, theo những dự án điện xuyên biển, đưa ánh sáng phát triển về với những huyện đảo xa, chúng tôi lại nhớ về huyện đảo Cô Tô ở ngoài bắc. Chưa được một năm ngày lưới điện quốc gia kết nối với huyện đảo này nhưng cuộc sống thay đổi từ những điều nhỏ nhoi và rất mực đơn giản. Ví như trước kia, người dân đảo lưng đẫm mồ hôi tất tả gánh từng gánh nước cho sinh hoạt hằng ngày giờ đã có thể vừa ngồi xem ti-vi, vừa trông máy bơm nước. Các em bé cũng đã hiểu biết nhiều hơn nhờ xem các chương trình “Em yêu khoa học”,“Vườn cổ tích”… trên truyền hình. Phụ nữ đã thôi không còn phải quần quật giã gạo… Người dân các xã đảo nói về những thay đổi với đầy vẻ thiêng liêng, cảm động. Ánh điện với ý nghĩa “Ánh sáng của Đảng” như bà con huyện đảo Cô Tô trân trọng gọiđ ã về với người dân huyện đảo Cô Tô và chỉ vài tháng nữa sẽ đến với năm xã đảo của huyện Vân Đồn, nơi biển đảo thiêng liêng vùng đông bắc.

Từ bắc vô nam, dòng điện như những vòng tay lớn đang kết nối và thắp sáng nguồn năng lượng phát triển từ trái tim đất liền đến với những đảo xa, để từ đó viết tiếp những giai điệu Tổ quốc.
 


Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh vận hành các tổ máy phát điện Diesel cấp điện cho các hộ dân xã đảo Thạnh An
Theo: Nhân dân Online