Lắp đặt trạm biến áp trên xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Ðồn. Ảnh: TRẦN HẢI
Dự án cấp điện lưới cho năm xã đảo gồm Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Quan Lạn và Minh Châu được khởi công từ ngày 19-4 với mục tiêu hoàn thành đầu tư đường dây 22kV và các trạm biến áp ra năm xã đảo trước Tết Nguyên đán 2015. Dự án có tổng mức đầu tư gần 305 tỷ đồng từ ba nguồn khác nhau, trong đó, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đóng góp hơn 97,1 tỷ đồng (đầu tư lưới điện ra xã Thắng Lợi, Ngọc Vừng), Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc (EVNNPC) hơn 104 tỷ đồng (Quan Lạn, Minh Châu) và UBND tỉnh Quảng Ninh hơn 103,5 tỷ đồng (Bản Sen) để cấp điện cho khoảng 2.570 hộ dân. Dự án được các bên thống nhất giao Công ty Ðiện lực Quảng Ninh làm chủ đầu tư, xây dựng 81 km đường dây 22kV trên không (kết hợp cáp quang), 60km đường dây hạ áp; 21 trạm biến áp 22/0,4kV với tổng dung lượng 4.900kVA; năm trạm cắt 22kV; lắp đặt gần 2.600 đồng hồ đo điện mới.
Theo đánh giá, đây là dự án có thời gian thi công "thần tốc", nỗ lực vượt mọi thử thách khắc nghiệt bởi công trình phức tạp về địa hình, địa chất, vất vả trong thi công. Khối lượng vật tư, nguyên vật liệu khổng lồ để lắp đặt hơn 1.500 cột hạ thế, gần 800 cột trung thế... phải vận chuyển từ đất liền ra đảo. Trong số các đảo thì đảo Ngọc Vừng, đơn vị thi công gặp khó khăn nhiều nhất do địa hình, địa chất phức tạp. Riêng tuyến đường dây trung thế cấp điện cho đảo Thắng Lợi và đảo Ngọc Vừng phải làm cột cao 98m, có khoảng cột dài 1,3km tới 1,5km để bảo đảm cho tàu lớn qua lại trên biển. Với địa hình khó khăn, chủ yếu phải dùng sức người vận chuyển từng kết cấu, bao xi-măng lên điểm cột. Theo Công ty Ðiện lực Quảng Ninh, đến nay, các đơn vị đã hoàn thành hơn 80% tổng khối lượng công việc. Bản Sen là xã đảo có điện sớm nhất khi ngày 2-12 vừa qua, ngành điện đã đóng điện đường dây 22kV và trạm biến áp cho xã. Ngày 15-12, Công ty đã đóng điện tiếp cho hai xã Quan Lạn và Minh Châu. Hai xã đảo còn lại sẽ được đóng điện trong ít hôm tới, kịp đón Tết Dương lịch, vượt tiến độ hơn 1,5 tháng. Công ty cũng đã đào tạo đội ngũ kỹ sư và công nhân vận hành đặc biệt hơn 80km đường dây và các trạm biến áp trên các đảo.
Tại các xã đảo trước đây, chỉ có khu vực trung tâm xã mới được dùng điện phát đi-ê-den do tư nhân đầu tư, người dân có khi phải trả tới 20 nghìn đồng/kW giờ điện mà điện còn chập chờn, hạn chế về thời gian. Cái sự không có điện cũng khổ trăm bề khi trạm y tế trên các xã thì có mà không có đủ điện chiếu sáng và vận hành thiết bị khám, chữa bệnh, cấp nước cho nên người bệnh hầu hết phải đi tàu, thuyền về đất liền, cực nhọc vô cùng. Một số đảo có tiềm năng du lịch nhưng chưa phát triển được vì không có điện lưới. Việc học hành của con em trên các xã đảo cũng hết sức vất vả, khó khăn... Nhưng rồi đây, những chuyện này sẽ đi vào dĩ vãng. Giờ đây, tại các xã, các cửa hàng đồ điện gia dụng đã bắt đầu trưng biển bán hàng, bà con bắt đầu sắm sửa các thiết bị như tủ lạnh, ti-vi, điều hòa, bình nóng lạnh cho gia đình.
Bà Vũ Thị Thủy, thôn Bình Ngọc, xã Ngọc Vừng cho biết: Sống ở đây hơn 10 năm nay, mỗi ngày gia đình bà chỉ dùng dầu hỏa để thắp sáng vài tiếng cũng mất ít nhất khoảng 400 đến 500 nghìn đồng/tháng. Bà mong mỏi ngoài đảo có điện, niềm vui của người dân ở đây sẽ được nhân đôi khi bà con trong xã được đón Tết trong ánh sáng điện. Anh Phạm Văn Hưng ở cùng thôn cũng hồ hởi nói, riêng nhà anh chạy máy phát điện mỗi tháng chi phí khoảng ba triệu đồng tiền dầu mà cũng chỉ dám dùng ba đến bốn giờ/ngày cho điện sinh hoạt, xem ti-vi, bơm và hàn xì. Nay, được Nhà nước quan tâm kéo điện lưới quốc gia ra đảo, dân không phấn khởi sao được, nhất là các cháu có ánh sáng điện để học hành tốt hơn. Riêng cá nhân anh đã từ bỏ hẳn ý định rời nơi chôn rau cắt rốn, quyết tâm ở lại bám đảo. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Nguyễn Thị Phượng cho biết: Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh và một số tổ chức hỗ trợ mấy trăm tấm pin năng lượng mặt trời, các hộ dân chung nhau dùng nhưng cũng chỉ đủ để thắp sáng, chứ không thể dùng thêm các thiết bị khác. Nghe tin điện lưới sắp về, bà con vô cùng phấn khởi vì dây điện đã kéo về đến cổng, đến ngõ của các hộ gia đình, đáp ứng niềm mong mỏi từ rất lâu rồi. Nếu có điện, bà con sẽ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, các cơ sở chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, đầu tư dịch vụ du lịch...
Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Quảng Ninh Nguyễn Sông Thao đánh giá, dự án được triển khai rất thuận lợi nhờ sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng như huyện Vân Ðồn. Ðiều đặc biệt hơn cả là người dân tự nguyện hiến đất để phục vụ dự án, nhờ vậy không phải lo đền bù giải phóng mặt bằng. Ðược Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh và EVN, EVNNPC đặc biệt quan tâm, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sát sao, nhờ vậy, chỉ một thời gian thi công ngắn dự án đã vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng cao nhất. Không những vậy, lưới điện trên các đảo cũng được đầu tư mới, nâng cấp. Ông Nguyễn Sông Thao cũng khẳng định, với quy mô đầu tư như hiện nay thì trong vòng 15 - 20 năm nữa, lưới điện trên các đảo vẫn đáp ứng được nhu cầu phụ tải.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ đến năm 2020, 100% số cư dân các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện theo Quyết định 568/QÐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển đảo đến năm 2020, công ty đã xây dựng phương án đưa điện lưới ra đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà) và đảo Trần (huyện Cô Tô) trong kế hoạch năm 2015-2016. Với đặc thù địa hình phức tạp, dự kiến tổng mức đầu tư dự án đưa điện ra hai đảo nói trên lên tới 500 tỷ đồng. Như vậy, khi hai đảo này được đóng điện thì Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành chương trình đưa điện lưới ra các xã đảo, góp phần quan trọng tăng cường phát triển kinh tế biển, đảo, giữ chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.