Cấp điện cho hộ dân nông thôn
Theo Công ty Điện lực Đồng Tháp, giai đoạn 1998 - 2013, bên cạnh việc đầu tư xây dựng và cải tạo các lưới điện trung, hạ thế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của phụ tải, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án, công trình lưới điện cấp điện phục vụ nông thôn, xây dựng lưới điện, xóa các điện kế tổng cụm bán điện trực tiếp đến từng hộ dân; thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn tại 15 xã thuộc các huyện là Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, Châu Thành, Lấp Vò với tổng vốn đầu tư trên 51 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đầu tư lưới điện trung, hạ áp nông thôn bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp với tổng vốn đầu tư gần 134 tỷ đồng cấp điện tại 12 huyện, thị xã, thành phố.
Kết quả là tới thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Tháp có 144/144 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia. Số hộ sử dụng điện lưới quốc gia là 482.686/483.198 hộ, đạt tỷ lệ 99,89% (năm 1998 là 65,15%). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện là 393.970/394.424 hộ, đạt tỷ lệ 99,88% (năm 1998 là 43,89%). Điện thương phẩm năm 2013 là 1.535.671 MWh, gấp 9,3 lần so với năm 1998, bình quân tăng 16,03%/năm. Chất lượng điện đã nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng.
Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp Phạm Hữu Khải cho biết, bên cạnh việc phát triển lưới điện, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, giảm sự cố lưới điện; bố trí đầy đủ nhân sự trực và ứng trực để xử lý, khôi phục cấp điện lại cho khách hàng một cách nhanh chóng khi xảy ra sự cố, tăng cường các kênh thông tin, chủ động cung cấp thông tin cho khách hàng về tình hình cung cấp điện.
“Lưới điện nông thôn ngày một lan tỏa rộng đã tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế nông thôn phát triển, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, cải thiện và nâng cao rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ có điện, bà con ngày càng tiếp cận được nhiều hơn với các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt kịp thời tình hình thời sự và các kiến thức bổ ích, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đẩy lùi các tệ nạn xã hội... Điện về nông thôn cũng đã giúp bà con sử dụng được các trang bị, máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi; các ngành nghề truyền thống được phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình và doanh nghiệp tại các địa phương cũng được mở mang, giải quyết thêm nhiều việc làm giúp người dân giảm nghèo...” - một lãnh đạo ngành Công Thương Đồng Tháp cho hay.
Theo: PetroTimes