Thông tin đầu tư

Dự án REII, DEP: Bàn cách gỡ khó khăn về vốn cho chủ đầu tư, nhà thầu

Thứ hai, 27/5/2013 | 09:17 GMT+7
Làm sao để sớm giải ngân vốn từ WB, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công dự án là những vấn đề đặt ra tại buổi làm việc mới đây giữa EVN với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) về dự án Năng lượng nông thôn 2 (REII)  và dự án Phân phối hiệu quả (DEP).

 

Với việc thường xuyên đầu tư, cải tạo, lưới điện khu vực nông thôn đã thay đổi diện mạo - Ảnh: Ngọc Thọ/Icon.com.vn
 
Tham dự buổi làm việc với đoàn công tác WB kiểm tra định kỳ thực hiện dự án REII, DEP có đại diện lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Phát triển VN, EVN, các Tổng công ty Điện lực.

Theo Bộ Công Thương, Dự án Năng lượng nông thôn 2 (REII) được triển khai từ năm 2005, tiếp nối dự án Năng lượng nông thôn 1. Dự án RII được phân thành 2 chu kỳ gồm Dự án REII gốc thực hiện tại 909 xã và Dự án REII bổ sung thực hiện tại 1105 xã.

Theo báo cáo nhanh của Ban kinh doanh - EVN, đến nay, hầu hết các tỉnh đã hoàn thành Dự án Năng lượng nông thôn 2 (REII) gốc với tỷ lệ các xã đóng điện đạt 100%, một số tỉnh đã nghiệm thu bàn giao, kiểm toán quyết toán xong hoặc đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Với dự án REII bổ sung, hiện, Tổng công ty Điện lực miền Trung và miền Nam đã hoàn thành, nghiệm thu, đóng điện 100% khối lượng công trình. Tổng công ty Điện lực miền Bắc hoàn thành 65% khối lượng, giải ngân đạt 46%.

Với Dự án Phân phối hiệu quả (DEP) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) có tổng mức đầu tư 665 triệu USD (khoảng 13,6 nghìn tỷ đồng). Hiện tại, các đơn vị thuộc EVN nằm trong dự án đã hoàn dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – tổng dự toán, kế hoạch đấu thầu cho các tiểu dự án thuộc giai đoạn 1. Tính đến tháng 5/2013, có 22/56 gói thiết bị và 53/86 gói xây lắp đã ký hợp đồng; 20/44 tiểu dự án đã được khởi công.

Trước vấn đề nan giải là chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều cạn kiệt nguồn vốn do thực hiện giải ngân từ WB chậm so với kỳ vọng, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc mong muốn các cơ quan liên quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, World Bank, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, EVN thời gian tới tiếp tục cùng ngồi lại với nhau để xem xét, có cách thức cụ thể xử lý triệt để các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thẩm định. Ngoài ra, xem xét cho phép giải ngân cho các dự án không nằm trong danh mục các dự án phải thẩm định, đã ký hợp đồng, thi công để giải quyết khó khăn về vốn cho chủ đầu tư và các nhà thầu. Có như thế mới đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa dự án về đích.
 
Ngọc Thọ/Icon.com.vn