Đường dây 500kV mạch 3 – Bài 1: Gấp rút giải phóng mặt bằng

Thứ ba, 30/4/2019 | 17:50 GMT+7
Sau gần 5 tháng triển khai thi công, đường dây 500kV mạch 3 đang bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công trong nửa đầu tháng 5 tới. 

Kiểm tra tiến độ trên công trường.
 
Sức căng rút ngắn tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 3/2020, trước 3 tháng so với tổng tiến độ được điều chỉnh đang trải đều trên toàn tuyến không chỉ đối với Chủ đầu tư (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia- EVNNPT), nhà thầu xây lắp mà còn đối với cả nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, lực lượng tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát.
 
Giữa cái nắng rát ngoài trời như cháy da gần 50 độ C, tại vị trí 832 của gói thầu 9.13 (thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi do Công ty cổ phần Sông Đà 11 thi công, anh em công nhân vẫn hăng say làm việc vì mục tiêu rút ngắn tiến độ.
 
Anh Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty tại miền Nam, Chỉ huy trưởng công trường cho biết, đơn vị của anh phụ trách thi công 71 vị trí móng qua 2 huyện Đại Lộc và Nông Sơn (Quảng Nam). Theo tiến độ hợp đồng là 18 tháng thi công nhưng do tính cấp bách của dự án nên gói thầu được rút ngắn xuống còn 15 tháng và hoàn thành vào thời điểm 31/3/2020.
 
Theo anh Thuận, đây là công trình trọng điểm quốc gia nên Công ty quán triệt xuống tất cả lực lượng thi công, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng và thiết bị cho dự án với mục tiêu đảm bảo tiến độ nhưng vẫn kiểm soát được chất lượng trong quá trình thi công.
 
Tuy nhiên theo anh Thuận, khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án vẫn là giải phóng mặt bằng. Toàn tuyến đường dây tuy Chủ đầu tư chưa bàn giao hết được mặt bằng cho đơn vị thi công nhưng đơn vị đã vận động người dân và địa phương giải phóng mặt bằng trước và ứng tiền chi trả đền bù cho người dân trước khi các thủ tục về công tác này được hoàn thiện.Do vậy đến cuối tháng 4 này, 17/25 vị trí đã có mặt bằng và Công ty đảm bảo đến tháng 10 năm nay sẽ hoàn thành phần móng toàn bộ  71 vị trí cột.
 
Đánh giá về điều kiện thi công, anh Thuận cho rằng tỉnh Quảng Namcó vị trí thi công rất khó khăn, đi qua nhiều rừng núi, do đó, đối với những tổ đội làm trên rừng núi, Công ty đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ vật chất, chế độ ăn uống đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi làm tăng ca, thêm giờ.
 
Hiện trên công trường Công ty có 5 đội thi công trực tiếp, mỗi đội từ 12-15 người và 1 Ban chỉ huy công trường gồm 9 người. Công nhân chỉ được nghỉ mỗi ngày lễ 1/5, còn lại đều phải có mặt tại công trường để đảm bảo tiến độ.
 
Ông Trương Hữu Mai, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc thì chia sẻ: “Trên địa bàn xã có 6 trụ điện của đường dây đi qua, chiếm khoảng 4.000 m2 đất. Ngay từ khi triển khai, xã đã vận động đến từng thôn và những hộ dân bị ảnh hưởng nhận thức được tầm quan trọng của đường dây 500kV mạch 3 để chia sẻ, nhường đất xây dựng công trình. Do đó, đa số các hộ dân trong xã đều đồng tình ủng hộ, từ đó giúp nhà thầu triển khai thi công sớm.”
 
Theo ông Mai, trong khi các cơ quan chức năng của địa phương còn chưa hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng, huyện Đại Lộc chưa ra quyết định đền bù giải phóng mặt bằng nhưng người dân trong xã đã tự nguyện giao đất cho đơn vị thi công.
 
“Trong vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương xác định quyền lợi của người dân phải được đưa lên hàng đầu. Địa bàn Đại Đồng là xã chủ yếu dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nên việc người dân nhường đất cho Nhà nước xây dựng công trình điện trọng điểm quốc gia thì các cơ quan có liên quan cần phải tạo điều kiện để người dân được bồi thườngtheo đúng quy định của Nhà nước. Từ đó mới giúp người dân ổn định đời sống”, ông Mai đề nghị.
 
Còn bà Nguyễn Thị Mười, ở thôn Lâm Phụng, xã Đại Đồng có 500m2 đất nông nghiệp thì đã nhường 228,1 m2 cho công trình. “Mặc dù vậy, gia đình tôi vẫn tạo điều kiện để Nhà nước thu hồi đất làm trụ điện, xây dựng công trình trọng điểm quốc gia”, bà Mười chia sẻ.
 
Đường dây 500kV mạch 3 bao gồm các dự án: Đường dây 500kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và Đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2. Đây là các công trình điện cấp bách được bổ sung trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh với mục tiêu truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên hệ thống điện quốc gia; đồng thời tăng năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn 2020 - 2025. 
 
Với tổng mức đầu tư hơn 11.949 tỷ đồng, 3 dự án thành phần có quy mô xây dựng mới gần 742 km đường dây 500kV mạch kép đi qua 9 tỉnh/thành phố là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai.
 
Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), đơn vị thay mặt Chủ đầu tư quản lý dự án, đây là các dự án có quy mô lớn, xây dựng trong điều kiện địa hình miền Trung khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên mưa bão, lũ lụt; đồng thời luôn phải đối mặt với các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
 
Ông Tuyển cho biết, với tầm quan trọng của dự án, chỉ trong vòng 20 tháng từ khi Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, CPMB đã hoàn thành các thủ tục, đủ điều kiện tổ chức các bước triển khai thi công. Như vậy, kể từ khi khởi công dự án vào tháng 12/2018 đến nay, trong tổng số 1.618 vị trí cột, đã hoàn thành đo đạc được 1.494 vị trí, còn 114 vị trí đang tiếp tục hoàn thành giải phóng mặt bằng, dự kiến đến đầu tháng 5 tới sẽ xong.
 
Đây là nỗ lực của chủ đầu tư trong việc tuyên truyền cho người dân nhường đất xây dựng dự án.
 
Về chế độ, chính sách, yếu tố quyết định thành côngtrong bồi thường giải phóng mặt bằng, theo CPMB cần tính đúng, tính đủ theo đúng các quy định của Chính phủ và địa phương; Thủ tục kê kiểm, áp giá,niêm yết… cần làm đúng trình tự quy định ngay từ đầu. Trong những trường hợp cụ thể cần hỗ trợ lực lượng thi công hoặc cưỡng chế thì đã có đủ hồ sơ, rút ngắn được thời gian. Đặc biệt, phải bám sát chính quyền địa phương các cấp từ đảng ủy, chính quyền để cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, đề xuất các biện pháp giải quyết, hay tiếp cận cùng chính quyền từ cấp xã/huyện để tuyên truyền, vận động, giải thích... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.
 
Với những cố gắng đó mà từ giữa tháng 3/2019, công tác thi công bắt đầu triển khai đồng loạt. Đến thời điểm 30/4/2019, trên toàn tuyến các đơn vị xây lắp đã thi công được 183 vị trí và đào đúc móng 223 vị trí. 
 
Trên cơ sở khối lượng công việc cần phải thực hiện, CPMB tiến hành lập kế hoạch và yêu cầu các đơn vị liên quan phát huy nhân lực, vật lực, nêu cao tinh thần tự giác trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các đơn vị trong và ngoài ngành điện bố trí và tăng cường cán bộ có năng lực, trách nhiệm thường xuyên bám sát hiện trường. Đồng thời chủ động, cùng các địa phương kê kiểm, lập, trình và đôn đốc phê duyệt phương án đền bù để trả tiền cho dân, đảm bảo bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu thi công theo các mốc tiến độ:Thi công đúc móng hoàn thành vào tháng 10/2019 để dựng cột và kéo dây kết thúc vào tháng 2/2020; phần hành lang tuyến cũng được kết thúc trong tháng 1/2020. Phần cung cấp vật tư thiết bị như dây thép, cáp quang, CPMB cam kết kiểm soát được tiến độ.
 
Để đảm bảo tiến độ thi công các dự án thuộc công trình đường dây 500kV mạch 3, CPMB đang kiến nghịChính phủ chỉ đạo giao nhiệm vụ trực tiếp cho Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm khi để xảy ra chậm tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Đồng thời có công điện chỉ đạo các địa phương kịp thời giải quyết các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT có văn bản báo cáo. Đặc biệt, bổ sung vào các quy định của Nhà nước các biện pháp chế tài khi thực hiện đền bù phục vụ thi công; Xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến.
 
Các bộ ngành cũng báo cáo Chính phủ xem xét lại mức hỗ trợ đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất bị hạn chế khả năng sử dụng trong hành lang tuyến tại Nghị định 14/2014/NĐ-CPngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; Bổ sung vào các quy định của Nhà nước các biện pháp chế tài khi thực hiện đền bù phục vụ thi công vì đây là dạng đặc thù, không nằm trong các quy định của Chính phủ, địa phương, gây khó khăn cho Nhà thầu trong quá trình thi công và ảnh hưởng đến điều hành tiến độ chung của dự án.
 
Bài 2: Điều kiện thi công khó khăn
 
Mai Phương/Icon.com.vn