Là một đơn vị tiêu thụ điện năng lớn trên địa bàn TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh trong vài năm qua, Nhà máy xi măng Lam Thạch 2 đã đưa ra những giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Nhà máy hiện có dây chuyền tự động hóa từ khâu nhập nguyên liệu cho tới xuất sản phẩm nên tiêu hao nguyên, nhiên liệu thấp và tiết kiệm điện năng.
Theo ông Trần Ngọc Hưng, Giám đốc nhà máy, đơn vị xác định tiết kiệm điện chính là một trong những giải pháp quan trọng để hạ chi phí, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhà máy đã xây dựng kế hoạch sản xuất, chạy máy vào giờ thấp điểm cho một số công đoạn như nghiền xi măng và cấp nhiên liệu; đưa vào sửa chữa, bảo dưỡng các động cơ, cánh quạt và vật liệu chịu lửa bị hao mòn với tổng kinh phí 15 tỉ đồng để giảm tiêu tốn điện năng.
Lắp đặt thiết bị biến tần cho các động cơ trong hệ thống băng tải, là một giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả
“Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên trong nhà máy nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Trung bình mỗi năm nhà máy chi 120 - 150 tỉ tiền điện, với các giải pháp trên đã giúp nhà máy tiết kiệm từ 2 - 5% chi phí tiền điện, làm lợi cho đơn vị hàng tỉ đồng”, ông Trần Ngọc Hưng khẳng định.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những trung tâm khai thác khoáng sản lớn nhất nước, ngành than hiện cũng là ngành công nghiệp có mức tiêu thụ điện lớn nhất trong tỉnh. Trước những khó khăn chung của thị trường tiêu thụ than đang sụt giảm, việc triển khai tiết kiệm điện cũng chính là một giải pháp để các đơn vị tiết giảm chi phí. Tại Công ty cổ phần Than Cọc Sáu-Vinacomin, mỗi tháng đơn vị phải chi trả từ 3 - 4 tỉ đồng tiền điện. Với chi phí cho việc sử dụng điện lớn như vậy, việc tiết kiệm điện năng đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên.
Để đạt được mục tiêu giảm chi phí trong sản xuất, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tiết kiệm điện. Cụ thể: từ năm 2004 đến nay, để nâng cao hệ số công suất của lưới điện, tăng độ bền cơ khí và tăng tuổi thọ của động cơ, công ty đã cho lắp đặt 103 máy biến tần có công suất từ 4 - 450 kW; ứng dụng các thiết bị khởi động mềm, để khởi động các động cơ của hệ thống bơm nước moong có công suất lớn từ 630 - 800 kW. Việc đưa ứng dụng này vào đã giúp giảm dòng khởi động của động cơ, nâng cao tính ổn định trong hệ thống điện.
Riêng đối với các tổ bơm nước moong, Ban lãnh đạo công ty quán triệt hạn chế tối đa vận hành vào giờ cao điểm, các hệ thống băng tải luôn ưu tiên hoạt động vào ca 1 và ca 3 để được hưởng giá điện thấp.
Việc thực hiện các giải pháp đồng bộ trên đã giúp công ty tiết kiệm được 5 - 10% chi phí tiền điện trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đây chỉ là 2 trong số 50 doanh nghiệp trọng điểm, có lượng điện năng tiêu thụ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và đã đăng ký sử dụng tiết kiệm từ 1 - 10% lượng điện tiêu thụ hàng tháng, xây dựng định mức về suất tiêu hao nguyên liệu/1 tấn sản phẩm.
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, đã có 22/50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện kiểm toán năng lượng và có 62 cán bộ quản lý đã được cấp chứng chỉ về quản lý năng lượng. Nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai thực hiện việc đổi mới công nghệ trong sản xuất, xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống thiết bị tiêu tốn năng lượng một cách hợp lý.
Thanhnien Online