“Vua” sáng kiến ngành điện

Thứ năm, 18/12/2014 | 08:48 GMT+7
18 sáng kiến của công nhân Trương Thái Sơn đã được ứng dụng, đem lại lợi ích thiết thực cho Điện lực Chợ Lớn và Tổng Công ty Điện lực TP HCM.

34 năm làm công việc sửa chữa điện, chưa lúc nào ông Trương Thái Sơn (tổ phó tổ 1 Đội Quản lý lưới điện Công ty Điện lực Chợ Lớn - Tổng Công ty Điện lực.

TP HCM) ngừng cố gắng. Ông luôn coi công việc của mình là một nghề cao quý, đem lại ánh sáng, năng lượng, giúp người dân và doanh nghiệp ổn định cuộc sống, lao động sản xuất.

Tâm huyết với nghề

Là thợ sửa chữa điện lâu năm tại một thành phố lớn, người công nhân này thường phải đối mặt với những khó khăn như đồ nghề có giá đầu tư cao, việc mua sắm bổ sung làm tăng thêm chi phí và mất thời gian trang bị... Không những thế, những dụng cụ này cũng thường hư hỏng nên đôi khi anh em rất vất vả để khắc phục.
 


Ông Trương Thái Sơn (bên phải) làm việc cùng các đồng nghiệp

Chính những vất vả của nghề mà ông luôn trăn trở nghĩ cách cải tiến để giảm bớt nhọc nhằn cho mình và đồng nghiệp. Ông Sơn bắt đầu manh nha ý tưởng phục hồi những dụng cụ đã cũ, hư hỏng; làm sao cho những dụng cụ đó vừa giải quyết được công việc nhanh chóng, tiết kiệm chi phí đồng thời sử dụng được lâu bền hơn. Ông chia sẻ: “Dù công việc của thợ sửa chữa điện không ít khó khăn, vất vả, đôi khi còn là hiểm nguy song tôi quý trọng nghề mình đang làm, luôn đặt hết cái tâm vào công việc. Trong quá trình công tác, tôi thường xuyên chú ý đến các khuyết điểm của vật tư, thiết bị, đồ nghề để nghiên cứu cải tiến hoàn thiện hơn, kịp thời gian trả điện sớm, tránh gây phiền hà đến cuộc sống của người dân”.

Nhà sáng chế tay ngang

Đứng trước mỗi thiết bị, vật tư, đồ dùng trang bị của thợ, ông Trương Thái Sơn luôn đặt câu hỏi có cách nào để nó tốt hơn? Có cách nào để giảm bớt vất vả cho thợ sửa điện? Có cách nào để ngành điện giảm được chi phí? Đằng sau mỗi câu hỏi là sự mày mò, học hỏi. Để rồi từ đó, những sáng kiến ra đời.

Từ “Giải pháp thay thế pin ép điện cầm tay” năm 2006 đến “Sáng kiến thiết kế mái che ngăn ngừa sự cố cho thiết bị đóng cắt DS sử dụng ngoài trời” năm 2014 của ông luôn được lãnh đạo động viên, khích lệ. Tháng 8-2014, sáng kiến “Sử dụng lỗi thép tole silic chữ E 0.35 mm để làm lõi TI rời 600/5A phù hợp với Ampe kế 600/5A có kim phụ” của ông nhận được giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 14. Sáng kiến này được đánh giá đã tạo bước đột phá trong công tác theo dõi, quản lý lưới điện. Ngoài ra, nó giúp công tác xử lý sự cố nhanh chóng, thuận lợi; giúp công nhân giảm thời gian kiểm tra phụ tải vào ban đêm.

18 sáng kiến của ông Sơn đã được ứng dụng, đem lại lợi ích thiết thực cho Điện lực Chợ Lớn và Tổng Công ty Điện lực TP HCM. Có những sáng kiến làm lợi, tiết kiệm cho công ty đến 500 triệu đồng. Điển hình như sáng kiến “Cải tiến, thay thế để sửa chữa kềm ép thủy lực 12T dùng pin”. Đây là sáng kiến mà ông Sơn tâm đắc nhất. Ông cho biết kềm thủy lực 12T dùng pin là loại dụng cụ cần thiết trong thi công sửa chữa điện. Nếu sử dụng kềm này để ép thì chỉ mất 20 phút còn không dùng kềm ép thì thời gian có thể gấp 3-4 lần. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng từ 3-5 năm, kềm thường hư hỏng và không có linh kiện thay thế; trong khi giá một kềm ép thủy lực lên tới cả trăm triệu đồng. Trước thực tế đó, ông Sơn đã để ý các khuyết điểm của từng linh kiện và tìm cách cải tiến để tăng độ bền của kềm. Sau một thời gian nghiên cứu, ông đã tìm ra được khuyết điểm của kềm để tiến hành cải tiến. Kết quả là loại kềm ép thủy lực do ông Sơn cải tiến đã được sử dụng rộng rãi trong công ty.

Nói về những sáng kiến của ông Trương Thái Sơn, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho rằng đây là những thành tích rất đáng hoan nghênh và khích lệ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và mọi ngành phải ra sức tiết kiệm.
Theo: Người Lao động