Thợ điện kiểm tra công tơ, sửa điện tại xã biên giới Mường Cai (Sông Mã, Sơn La) Thợ điện kiểm tra công tơ, sửa điện tại xã biên giới Mường Cai (Sông Mã, Sơn La)
Phép vua thua lệ làng
Men theo các bản làng dọc biên giới Việt - Lào, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tâm, Phó giám đốc Cty điện lực Sông Mã (tỉnh Sơn La).
Tuổi ngoài tứ tuần, khuôn mặt vui vẻ hòa đồng, chị Tâm là số ít lãnh đạo nữ của ngành điện. Giọng chị Tâm chùng xuống khi kể về khó khăn mà anh em thợ điện phải vượt qua. “Có lần đường dây điện bị hỏng do mưa lũ, tôi cho 2 cậu nhân viên mượn xe máy đi vào bản. Đường trơn trượt ngã lên ngã xuống, khi quay về biển số xe rơi mất, không thể tìm lại. Nhiều lần đang sửa đường dây bên bờ sông lũ về bất chợt, anh em bỏ đồ đạc chạy vội lên sườn núi. Giữ được tính mạng là tốt rồi”, chị Tâm chia sẻ.
Đối mặt với thiên tai đã đành nhưng đưa ánh điện về với bà con không kém phần khó khăn. Cán bộ phụ trách điện của từng bản phải học dần tiếng của các dân tộc như Thái, Mông… và phong tục để tránh phạm phải điều cấm. Nhận được tin hỏng điện, hì hục đi xe máy vài chục cây số nhưng đến nhà dân phải mất gần 2 tiếng đồng hồ “khua tay múa chân”, thợ điện mới hỏi được đồng bào về vị trí điện hỏng vì không biết tiếng dân tộc.
Anh Hoàng Mạnh Tuân, Cty điện lực Sông Mã bật mí: Khi vào bản người Mông phải chú ý tránh phong tục “cấm bản”. Trong bản có việc như cúng ma chay, sẽ có 2 cành cây tươi cắm đầu bản, cấm người lạ vào bản. Nếu vẫn bước vào, dân bản bắt được sẽ phạt vạ cả con trâu, bò. Thậm chí, khi giải phóng hành lang đường dây, không may cành cây rơi trúng mái nhà, người dân cũng ra bắt vạ. “Không may bị bắt vạ, mình phải nhờ trưởng bản, già làng có uy tín xin làm lễ cúng bằng gà, chó, lợn mới được tha”, anh Tuân nói.
Thợ điện Nguyễn Văn Thắng góp vui câu chuyện bằng kinh nghiệm kéo điện, đặt công tắc, ổ cắm điện vào từng nhà dân. Thông thường công tắc điện thường đặt gần cửa ra vào, gần cột nhà để tiện. Với người Mông, dù cây cột nằm giữa nhà nhưng thợ điện lắp vào cột, sẽ bị bắt tháo ra. Họ quan niệm, cột nhà là vật linh thiêng không được đụng vào, dây điện phải đưa vào các góc nhà. Với người Thái, góc nhà là nơi kiêng ky, người lạ không được lắp điện, phải đưa ra giữa nhà.
“Giờ bài học đầu tiên trước khi anh em đi bản lắp điện, phải dặn dò các điều kiêng ky của người dân, không may phạm vào kiêng kỵ, người dân ghét và không hợp tác”, anh Thắng chia sẻ.
Thu tiền điện bằng quả trứng, con gà
Nỗi ám ảnh của thợ điện vùng biên là mỗi khi phải đi thu tiền điện. Chúng tôi theo chân thợ điện đến bản làng giáp biên giới Việt - Lào của huyện Sông Mã (Sơn La) mới cảm nhận hết những nhọc nhằn ấy.
Mỗi tổ cụm điện phụ trách khoảng 5 xã, nơi xa nhất khoảng 70km. Khoảng cách không ngăn trở mà khó khăn nhất chủ yếu là quãng đường đi tới bản bởi có khi “chỉ 10km nhưng đi hết 2 tiếng đồng hồ”. Anh Nguyễn Khắc Đạt vào nghề điện đã 8 năm, trông anh đen, gầy so với tuổi 30. Nhà ở huyện Mộc Châu, anh được phân công công tác tại Tổ sản xuất và kinh doanh điện số 1 của Cty Điện lực Sông Mã tại xã Chiềng Khương. Kể về công việc, anh Đạt nói: “Khi đi học không bao giờ mình nghĩ công việc lại vất vả đến như vậy. Nhiều hôm đến 3 - 4h chiều mới được ăn trưa. Ăn cơm, uống nước trên cột điện thường xuyên. Lỡ tay làm rơi đồ ăn thì chỉ có chết đói”.
Các xã trong cụm anh Đạt phụ trách nằm dọc theo sông Mã, nhiều khi vào bản gặp trời mưa, không ra được đành ở lại cả tuần trời. Mùa lũ, nhiều bản làng chỉ có thể đi vào bằng đò qua sông. Thợ điện truyền tai nhau câu chuyện đi thu tiền điện ở Pắc Ngà (Bắc Yên), tiền đò mất 400 nghìn đồng mà vào đến nơi chỉ thu được 38 nghìn đồng. Từ đó, tiền điện để gộp vài tháng đi thu 1 lần để bõ công đi.
Chuyện nhân viên đi thu tiền điện phải ở lại bản cả tuần trời vì lũ về không còn xa lạ. Trung bình mỗi hộ dân dùng hết 15-30 nghìn đồng tiền điện một tháng và trong đó có một phần hỗ trợ của nhà nước dành cho hộ nghèo nên số tiền thu thực không còn bao nhiêu. Nhiều khi tiền in hóa đơn tốn kém hơn số tiền thu được của đồng bào.
Nhân viên thu tiền điện phải tay xách nách mang đủ hiện vật mà đồng bào nộp thay tiền điện. Thợ điện Cầm Văn Thương - Cty Điện lực Sơn La nhớ mãi câu chuyện vào bản cách trung tâm đến 50km, đường sá trắc trở, vào đến nơi, đồng bào không có tiền mà chợ phiên thì xa nên “gán nợ” bằng con gà hoặc chục quả trứng. “Không mang gà, trứng về thì phải đợi đến chợ phiên, đồng bào mới đưa ra chợ huyện bán lấy tiền nộp cho mình. Thôi đằng nào cũng ra ngoài nên mình nhận luôn gà, trứng rồi về bù thêm tiền cho người dân. Đường xấu nhiều khi ra đến trung tâm, trứng gà vỡ nát”, anh Đạt cười nói.