Nội dung diễn tập gồm: Kiểm tra tình trạng kỹ thuật phần xây dựng (cột, móng cột và tiếp địa), phần điện (dây chống sét, dây dẫn, cách điện dây chống sét, dây dẫn và phụ kiện; khoảng cách đến cột theo quy phạm) và phần hành lang bằng mắt thường đi kèm với trang thiết bị, thực hiện bay UAV để kiểm tra...
Kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp trước khi thực hiện công việc trên cao.
Sau khi kiểm tra có đánh giá về tình trạng vận hành của các vị trí được giao, cung đoạn tổ chức tiến hành kiểm tra là khu vực có địa hình đồi núi cao, hành lang chủ yếu là cây rừng thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa; huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa và thị xã Phước Đại, Phước Chính, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Xử lý sự cố theo tình huống giả định tại khoảng cột 129 – 136 đường dây 500kV Vân Phong – Thuận Nam, đi qua địa bàn xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, với khối lượng công việc gồm: Thi công thay 02 chuỗi cách điện néo vị trí 135 (về phía vị trí 136); Thi công thay 01 chuỗi cách điện đỡ vị trí 136; Xử lý đứt dây dẫn số 3 pha C khoảng cột 130-131 và căng lại dây dẫn số 3 khoảng néo 129-135 của đường dây.
Các đơn vị tham gia diễn tập chuẩn bị đầy đủ trang bị dụng cụ an toàn, các trang bị bảo hộ lao động cá nhân, dụng cụ thi công, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác PCTT&TKCN, công tác kiểm tra tuyến đường dây như: Máy đo tiếp địa, máy đo độ cao pha đất, UAV,..... Chủ động về thời gian di chuyển để có mặt tại hiện trường, vị trí công tác và đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình di chuyển từ đơn vị đến hiện trường diễn tập. Quá trình kiểm tra tuân thủ các quy định về kiểm tra định kỳ đường dây, tuyệt đối tuân thủ các quy định công tác an toàn trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Quá trình diễn tập luôn dưới sự giám sát an toàn của các an toàn viên đơn vị, cùng thành viên của Tổ giám sát đến từ Ban chỉ đạo PCTT&TKCN, Phòng An toàn, Phòng Kỹ thuật PTC3 và đại diện các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra còn có sự tham gia chứng kiến của đại diện Phòng An ninh Kinh tế (PA04) Công an tỉnh Khánh Hòa, Công an huyện Cam Lâm và Công an xã Sơn Tân.
Ông Đinh Văn Cường- Phó Giám đốc PTC3, phụ trách chung đợt diễn tập cho biết, địa hình các tuyến đường dây truyền tải do PTC3 quản lý trên địa bàn 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên rất phức tạp, điều kiện thời tiết khu vực với 02 mùa rõ rệt và khí hậu cực đoan, khắc nghiệt (các tỉnh Tây Nguyên mùa khô kéo dài từ khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau và các tỉnh duyên hải miền Trung mùa khô kéo dài từ khoảng tháng 01 đến tháng 7 hàng năm; còn lại là mùa mưa). Mùa khô nắng nóng và khô hạn kéo dài nên thường xảy ra cháy rừng, cháy rẫy trong và ngoài hành lang tuyến đường dây; mùa mưa trong các tháng từ tháng 8 đến tháng 11, gió lốc, mưa lớn, lũ lụt gây sạt lở móng trụ, ngập lụt cục bộ khó qua lại để phục vụ công tác quản lý vận hành. Đó là những thách thức lớn trong công tác PCTT&TKCN của PTC3.
Để khắc phục nhanh hậu quả sự cố do thiên tai, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra, hàng năm, PTC3 và các đơn vị truyền tải trực thuộc triển khai lập kế hoạch, xây dựng phương án PCTT&TKCN với những kịch bản, phương án có trọng điểm, có tính đến các sự cố điển hình phức tạp có thể xảy ra, phù hợp với tình hình sản xuất để ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của thời tiết. Dựa trên phương án PCTT&TKCN được lập, lựa chọn kịch bản thiết thực, phù hợp để tổ chức diễn tập định kỳ hàng năm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của các bộ phận chức năng, với phương châm không có sự cố nào là bất ngờ. Đảm bảo công tác xử lý sự cố là “An toàn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất”.
Phó Giám đốc PTC3 cho biết thêm, đường dây 500kV mạch kép Vân Phong – Thuận Nam, nối từ Trạm biến áp 500kV Vân Phong đến Trạm biến áp 500kV Trung Nam dài 158km, có chiều cao thân cột từ 50m đến 114m, đi qua 02 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, toàn bộ tuyến đường dây đi qua khu vực đồi núi cao, rừng phòng hộ, địa hình hiểm trở khó tiếp cận. Cung đoạn tổ chức diễn tập có vị trí 135, 136 nằm trên đỉnh núi có chiều cao 490,56m và 581,28m so với mặt nước biển. Công tác diễn tập trong điều kiện cắt điện một mạch, mạch bên cạnh vẫn đang đóng điện vận hành, do đó đòi hỏi tính tuân thủ và tập trung, trách nhiệm của lực lượng tham gia diễn tập là rất cao.
Ngoài ra, đây là đường dây truyền tải trọng điểm Quốc gia, được đầu tư xây dựng nhằm kịp thời giải tỏa công suất cho Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực gồm tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, 1 phần của tỉnh Ninh Thuận, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam. Đường dây này còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc vận hành lưới truyền tải điện Quốc gia, đảm bảo cung cấp điện và góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng cho các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Với đặc điểm địa hình đặc thù và tầm quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực của đường dây 500kV Vân Phong – Thuận Nam, lãnh đạo PTC3 đã quyết định chọn diễn tập PCTT&TKCN năm 2023 tại đây, để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của CBCNV trong việc chủ động sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bão, lũ và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của lãnh đạo, ban chỉ huy PCTT&TKCN, tăng cường sự phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị trong PTC3, từ đó rút kinh nghiệm hoàn thiện phương án phòng chống bão, lụt, cứu hộ, cứu nạn của Công ty.
Nhận xét rút kinh nghiệm sau đợt diễn tập, lãnh đạo PTC3 yêu cầu các Truyền tải điện khu vực cần tăng cường kiểm tra, rà soát các khoảng cột có khả năng bị chia cắt khi có mưa lũ lớn để đảm bảo không bị bất ngờ trong mọi tình huống; Chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án huy động thuê phương tiện vận chuyển vật tư, dụng cụ nhằm đảm bảo xử lý sự cố nhanh nhất, nếu các vị trí này bị sự cố, giao thông bị chia cắt, các phương tiện hiện có của đơn vị không có khả năng tiếp cận nhanh.
Trong trường hợp có mưa bão lớn xảy ra, ngoài các chỉ đạo trực tiếp của Công ty, tùy theo diễn biến thực tế của bão lụt, các Truyền tải điện khu vực chủ động bố trí nhân viên quản lý vận hành trực tại Trạm biến áp, Đội Truyền tải điện để chủ động ứng phó với diễn biến của bão lụt, tránh trường hợp sau khi bão lụt đi qua lưới điện bị sự cố nhưng công tác triển khai xử lý bị chậm do lực lượng quản lý vận hành đến chậm bởi các nguyên nhân khách quan như giao thông bị chia cắt…
Tăng cường công tác kiểm tra các vị trí kè móng, mương thoát nước, các vị trí kè móng bị nứt, vỡ phải được sửa chữa ngay, các mương thoát nước phải được thông thoáng dọn sạch cỏ rác, đất lấp trong lòng mương thoát nước; Kiểm tra công tác chống cháy trong và ngoài gần hành lang tuyến không để xảy ra sự cố lưới điện do nguyên nhân cháy rừng, cháy rẫy, cháy ruộng mía gây ra.
Kiểm tra hành lang tuyến đặc biệt đối với các khoảng cột đi qua rừng cây cao su có khả năng ngã đổ vào đường dây phải được chặt tỉa, trong mọi trường hợp đảm bảo không để xảy ra sự cố do cây cối ngã đổ vào đường dây gây ra trong mùa mưa bão; Đối với các Trạm biến áp phải kiểm tra nhà cửa, công trình xung quanh, gần TBA để tăng cường nhắc nhở người dân chằng néo nhà, công trình, trong trường hợp cần thiết hỗ trợ người dân công việc này, không để mái tôn, vật bay bay vào gây sự cố.