Đối với bà Maria Elena Veiga, một nội trợ 60 tuổi sống ở ngoại ô La Habana, Cuba, than củi đã trở thành nhiên liệu nấu ăn do tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra ở đây.

(Ảnh: AFP / Getty)
"Chúng tôi đã chọn nấu ăn bằng than củi. Đó là điều chúng tôi có thể làm, vì nếu không, chúng tôi sẽ phải làm rất nhiều việc để có thể ăn" - bà Veiga, sống tại San Nicolas de Bari, cách thủ đô La Habana của Cuba khoảng 60 km về phía Tây Bắc, cho biết.
Mất điện đã trở thành thực tế hàng ngày đối với nhiều người dân Cuba. Trong đó, một số khu vực không có điện trong hơn 20 giờ mỗi ngày, chủ yếu là ở các thị trấn xa thủ đô.
Bà Veiga nói. "Không có điện và khí đốt thì khan hiếm".
Thực trạng thiếu nhiên liệu và các nhà máy nhiệt điện cũ kỹ của Cuba đã khiến nguồn cung cấp điện ở nước này trở nên dễ bị tổn thương. Hầu hết các nhà máy chạy bằng dầu đều không hoạt động. Và tình trạng thiếu nhiên liệu khiến các máy phát điện chạy bằng dầu diesel khó có thể hỗ trợ lưới điện quốc gia.
Vào cuối năm 1024, một số sự cố sập lưới điện đã khiến đất nước với khoảng 10 triệu dân này hoàn toàn chìm trong bóng tối.
"Điện rất kém. Đôi khi chúng tôi bị mất điện cả ngày" - bà Mirella Martinez, 72 tuổi, vừa nấu vừa khuấy nhẹ nồi đậu trên bếp than nhỏ.
Nhiều người dân Cuba phải vật lộn với tình trạng điện không ổn định và không thể sử dụng các thiết bị gia dụng. Cuộc khủng hoảng thiếu điện đã thúc đẩy Chính phủ Cuba thực hiện các biện pháp quyết liệt, bao gồm đóng cửa trường học trong hai ngày và kêu gọi những người lao động không thiết yếu ở nhà để giảm mức tiêu thụ điện.
Cuba đổ lỗi lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đã gây ảnh hưởng tới các vấn đề về lưới điện của La Habana, đồng thời đưa ra những khó khăn trong việc mua nhiên liệu và phụ tùng thay thế cho các nhà máy sản xuất điện đã lỗi thời.
Link gốc
Theo: VTV