Tòa nhà Deutsches Haus (giữa) tại TP HCM là dự án đạt chứng chỉ công trình xanh LEED của Mỹ.
Với gần 1,2 tỷ người sẽ sinh sống trong 35 năm tới, các thành phố châu Á có tiềm năng thu hút hơn 20.000 tỷ USD đầu tư liên quan đến khí hậu vào sáu lĩnh vực chủ chốt, theo một báo cáo mới của IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Sáu lĩnh vực bao gồm công trình xanh, giao thông công cộng, phương tiện giao thông chạy điện, chất thải, nước, và năng lượng tái tạo. Theo báo cáo, với hàng loạt các kế hoạch, chính sách và dự án, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng thu hút đầu tư liên quan đến khí hậu cao hơn bất kỳ khu vực nào, với các cơ hội lớn nhất thuộc về các lĩnh vực công trình xanh, ước tính đạt 17.800 tỷ USD đến năm 2030.
Hơn một nửa dân số thế giới đang sống tại các đô thị, thành phố sử dụng trên hai phần ba năng lượng của thế giới và phát ra hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Cách thức các thành phố giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ có ý nghĩa quan trọng với các nỗ lực khống chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở 1,50C, theo Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC).
"Đối phó với biến đổi khí hậu đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết – chúng ta phải có những hành động phù hợp ngay. Các thành phố chính là trọng điểm của các khoản đầu tư vào lĩnh vực khí hậu, với các cơ hội đầu tư trị giá hàng ngàn tỷ USD chưa được khai thác. Để hiện thực hóa cam kết phát triển các thành phố thông minh trong ứng phó với biến đổi khí hậu, các chính phủ cần thực hiện hàng loạt các cải cách nhằm thu hút nhiều hơn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân," ông Philippe Le Houérou - Tổng giám đốc điều hành IFC nhận định
Ông Vivek Pathak - Giám đốc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC nói rằng, với sự phát triển mạnh của các đô thị đông dân ở châu Á trong những năm tới, các cơ hội giảm phát thải khí nhà kính đóng góp nhiều cho GDP của khu vực là rất lớn.
"Tính riêng tại Jakarta, các cơ hội đầu tư lên tới 30 tỷ USD, tập trung ở các công trình xanh, các phương tiện giao thông chạy điện và năng lượng tái tạo. Báo cáo cho thấy các siêu thành phố của châu Á cũng có tiềm năng lớn cho các dự án đầu tư giúp giảm phát thải carbon", ông Vivek nêu ví dụ.
Tính trên toàn cầu, các công trình xanh sẽ chiếm tới 24.700 tỷ trong số các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khí hậu của các thành phố. Tiềm năng lớn cho đầu tư nằm ở các giải pháp giao thông phát thải carbon thấp như giao thông công cộng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (1.000 tỷ USD) và phương tiện giao thông chạy điện (1.600 tỷ USD). Đồng thời, năng lượng sạch (842 tỷ USD), nước (1.000 tỷ USD) và chất thải (200 tỷ USD) tiếp tục là các hợp phần thiết yếu trong phát triển đô thị bền vững.