1. Để quá nhiều đồ hoặc quá ít đồ trong 1 lần giặt
Phần lớn mọi người nghĩ cho nhiều quần áo vào giặt một lần sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, điện năng, nước và bột giặt. Tuy nhiên, với mỗi loại máy giặt, nhà sản xuất đều ghi khối lượng giặt trên thân máy, nếu bạn làm không đúng, nhồi nhét quần áo sẽ khiến cho trục bên trong máy bị mắc kẹt, rất dễ hỏng hóc.
Đó là còn chưa kể tới việc quá nhiều đồ khiến máy phải gồng lên, hoạt động hết công suất, quần áo không được làm sạch triệt để. Ngược lại, nếu giặt quá ít sẽ khiến cho quần áo bị dồn về một phía, lồng giặt mất cân bằng, tạo ra các va đập mạnh, rất hại máy, đồng thời còn gây tốn điện, tốn nước, bột giặt.
2. Sử dụng sai bột giặt
Để tiết kiệm tiền, nhiều người mua xà phòng loại giặt tay để dùng giặt máy hoặc mua bột giặt, nước giặt cho cửa trên để dùng cho máy cửa trước, điều này rất ảnh hưởng đến máy bởi loại xà phòng giặt tay hay giặt cửa trên cho lượng bọt rất nhiều, có thể dẫn đến bọt trào ra ngoài thùng, gây hư hỏng các bộ phận của máy. Khi xả quần áo cũng tốn nước hơn vì phải xả nhiều lần mới hết bọt.
Đi đôi với đó là việc cho quá nhiều bột giặt một lần giặt với tâm lý cho nhiều càng sạch, trên thực tế điều này cũng khiến máy hoạt động nhiều hơn, tốn điện hơn và tốn nhiều nước để xả sạch hơn.
3. Mở nắp máy giặt đột ngột khi thiết bị đang hoạt động
Vừa mới bấm nút bật máy giặt nhưng bạn lại mở nắp thiết bị này ra đột ngột vì phát hiện có vài quần áo chưa cho vào. Hành động này cực kỳ hại máy và là nguyên nhân chính khiến máy giặt nhanh hỏng. Thêm nữa, sau khi mở nắp thiết bị, bạn sẽ phải bắt đầu lại chu trình giặt từ đầu, việc này gây tốn điện, tốn nước và mất rất nhiều thời gian.
4. Lắp đặt máy giặt sai chỗ
Nhiều gia đình thường chọn vị trí như ngoài ban công hay sân phơi rộng rãi để lắp đặt máy giặt, phần nào tiện cho việc phơi quần áo khi máy giặt xong.
Tuy nhiên, điều này là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây giảm tuổi thọ của máy giặt, do điều kiện môi trường khắc nghiệt như quá nóng, quá lạnh, ánh nắng trực tiếp chiếu vào, hoặc nước mưa bắn vào. Việc lắp đặt máy giặt ở ban công hay sân phơi khiến cho động cơ trong máy giặt bị ảnh hưởng, dẫn đến hoạt động không hiệu quả gây tốn điện.
Ngoài ra, cũng không nên lắp đặt máy giặt trong bếp hay phòng tắm, nhà vệ sinh, vì những nơi này có độ ẩm cao hoặc có nhiều dầu mỡ, không phù hợp để đặt thiết bị điện, dễ gây hư hại máy giặt, thậm chí có thể gây chập điện.
Giải pháp vô cùng đơn giản: Hãy chọn cho máy giặt một "nơi trú ngụ" hợp lý, sạch sẽ, khô ráo, tránh xa những nơi ẩm ướt hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Khi lắp đặt cần kê 4 chân của máy giặt đều nhau trên mặt phẳng vững chắc.
Link gốc