Theo VNREA, đây là con số còn rất khiêm tốn đối với thị trường được đánh giá có tiềm năng với không ít cơ hội phát triển như ở Việt Nam. Đặc biệt nếu đem so sánh với số lượng 125 công trình đã được chứng nhận tại Malaysia, 500 công trình tại Đài Loan (Trung Quốc) và gần 1.200 công trình xanh tại Sigapore tính đến năm 2014.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công trình xanh cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng xây dựng bình quân của Việt Nam đạt 12% và tốc độ đô thị hóa là 3,4%/năm, dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2… Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xây dựng nhanh như vậy, Việt Nam sẽ còn phải chịu nhiều tổn thất nếu không gấp rút giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng công trình.
Thực tế cho thấy, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển công trình xanh ở nước ta là nhận thức về chi phí xây dựng công trình xanh, trong đó còn mang nặng định kiến chi phí xây dựng công trình xanh phải cao hơn từ 10 – 29% so với công trình thông thường. Thêm vào đó sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các công trình xanh còn rời rạc chưa thực sự phát huy tính đồng bộ và hiệu quả.
Nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các địa phương cùng các đơn vị hỗ trợ như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) và Chính phủ Đan Mạch cũng đang chuẩn bị và lên kế hoạch hỗ trợ phát triển công trình xanh để triển khai đồng loạt trên cả nước.
Tại TP HCM, một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác khuyến khích phát triển công trình xanh, IFC đang hỗ trợ Sở Xây dựng Thành phố xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tôn vinh công trình xanh và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn.
Theo: TKNL