Lễ ký kết quy chế phối hợp trong PCCC và CNCH giữa Điện lực Krông Pắk và Công an huyện Krông Pắk.
Tiếp đó, các Điện lực Krông Bông, Krông Pắk cũng đã triển khai công tác ký kết này tại địa phương. Qua đây, các bên đã cùng thông tin, đánh giá về tình hình chung trên địa bàn quản lý cũng như có một cái nhìn toàn diện hơn khi hiểu rõ rằng – phòng chống cháy nổ không phải là chuyện của riêng một ai mà cần sự chung sức của toàn xã hội.
“Việc cháy không của riêng ai” và sự vào cuộc của chỉ một vài đơn vị như ngành điện hay lực lượng Công an Phòng cháy chữa cháy… chưa thể đảm bảo nâng cao công tác an toàn phòng chống cháy nổ nói chung trong toàn dân. Thực tế, việc đồng hành của chính quyền địa phương để lan tỏa thông điệp “Sử dụng điện An toàn – Tiết kiệm – Hiệu quả” đến mọi người dân đang sử dụng điện trên địa bàn toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ 01/10/2023 đến 30/9/2024 đã xảy ra 24 vụ cháy; đã điều tra làm rõ nguyên nhân là 15 vụ; trong đó nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 93,3% (14/15 vụ). Điều đó, đã gióng lên hồi chuông báo động về tình hình sử dụng điện trong nhân dân cũng như hệ thống điện mà ngành điện đang quản lý còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Thật ra, điện cũng không dễ cháy nếu ta biết cách sử dụng đúng cách và luôn ý thức đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Để tạo nên sự cháy cần 03 yếu tố - Chất cháy, chất oxy hóa và nguồn nhiệt. Điện chủ yếu góp yếu tố là nguồn nhiệt và chất cháy nhưng lại rất khó cháy. Cháy thì có muôn vàn lý do nhưng cháy, nổ do điện thì chỉ xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như dây dẫn chính bị quá tải. Theo đó, tiết diện dây dẫn nhỏ khi lắp đặt ban đầu do thiết bị ít còn ít nên sau một thời gian, khách hàng mua thêm thiết bị điện nhưng lại không nâng cấp đường dây trục chính mà tiện đâu thì đấu nối ở đó, hoặc cũng có thể do chất lượng thiết bị dùng để lắp đặt còn chưa tốt… nên dẫn đến cháy, nổ.
Điện lực Nam Buôn Ma Thuột tuyên truyền phòng chống cháy nổ tại các chợ.
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn có thể do thiết bị điện không được bảo trì, bảo dưỡng theo quy định, nhất là các thiết bị có công suất lớn như bếp điện, lò nướng, ấm siêu tốc, điều hòa, máy nước nóng,...; các ổ cắm, phít cắm, mối nối bong tróc, hỏng cách điện, đặc biệt là các loại dây không đồng chất, tác dụng oxy hóa đồng nhôm nên sau thời gian sử dụng bị lỏng, tiếp xúc không tốt gây nóng phát sinh nhiệt gây cháy và lây lan qua các vật dụng khác; tình trạng máy bơm nước (nổi, chìm) rất hay bị chạm chập làm sản lượng điện tăng cao và nguy hiểm cho người sử dụng không may chạm phải (truyền dẫn từ bơm lên qua dây cáp, ống nước…). Hay như thợ cơ khí khi sửa chữa có dùng máy hàn, cắt… sinh tia lửa điện nhưng không có giải pháp triệt ngăn cháy nổ nhưng lại để gần các vật liệu dễ cháy như thùng xốp, các tông, tấm bạc nilong, xe máy… cũng rất dễ gây hỏa hoạn.
Ý thức người sử dụng rất quan trọng nhưng lại rất ít người đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nhiều người không rút nguồn (cắt áp-tô-mát) điện các thiết bị khi không còn sử dụng. Rất ít hướng dẫn, cảnh báo cho trẻ em cách sử dụng điện an toàn – tiết kiệm – hiệu quả, đặc biệt nhất là các thiết bị các em hay dùng như đèn để bàn, quạt bàn, máy vi tính, sạc điện thoại… Nói vui, thì điện khá công bằng với mọi người vì không phân biệt giới tính, giàu nghèo, địa vị xã hội, tôn giáo..., ai đụng vào không đúng cách đều bị giật. Trong khi đó, nó lại hiện diện ở mọi nơi trong đời sống, hầu hết ai cũng phải dùng điện dù mức độ am hiểu về điện lại có sự khác nhau nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, tai nạn, cháy nổ rất cao.
Từ các lý do này, trong năm 2024, PC Đắk Lắk đã đẩy mạnh tuyên truyền cho các em học sinh tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh, kết hợp trong các dịp tổng kết năm học 2023-2024, khai giảng năm học mới 2024 – 2025 với việc thực hiện tuyên truyền hơn 30 trường THCS và phát hơn 20.000 tờ rơi đến tận tay các em. Qua đó, các tuyên truyền viên của các Điện lực đã hướng dẫn các em học sinh nâng cao các kỹ năng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm điện để các em tiếp tục lan tỏa đến gia đình, người thân và nơi mình cư trú. Ngoài ra, các đơn vị đã tuyên truyền sử dụng điện an toàn, ngăn ngừa cháy nổ theo tinh thần CĐ59TTg, CT19TTg với việc triển khai kiểm tra và hướng dẫn sử dụng điện cho khoảng 18.000 khách hàng thuộc nhóm nguy cơ cháy, nổ cao trong năm 2024.
Trong thời gian tới, khi các hoạt động chuẩn bị cho các ngày lễ, tết… đang đến gần, PC Đắk Lắk cũng quan tâm đảm bảo nguồn điện an toàn liên tục phục vụ nhân dân đón tết an lành, hạn chế các nguy cháy nổ, sự cố, tai nạn điện không đáng có. Trong số này có việc tuyên truyền an toàn điện để người dân khi dựng cây nêu làm bằng tre, có quấn đèn nháy, tránh dựng quá cao và gần đường dây điện cao áp để tránh gây nhiều hệ lụy như sự cố gây mất điện trên diện rộng và các vụ tai nạn đáng tiếc.