Tin thế giới

Ấn Độ: Điện mặt trời đối diện khó khăn vì bị từ chối thu mua

Thứ hai, 8/7/2019 | 15:10 GMT+7
Vấn đề tại 2 bang Karnataka và Andhra Pradesh, Ấn Độ được xem là thường xuyên diễn ra tại những quốc gia có ngành sản xuất năng lượng tái tạo tăng trưởng quá nhanh.
 
Ấn Độ: Điện mặt trời đối diện khó khăn vì bị từ chối thu mua - Ảnh 1.
Điện mặt trời tại 2 bangKarnataka và Andhra Pradesh đang đối mặt với một số khó khăn. 
 
Có ít nhất 5 nhà máy sản xuất điện từ năng lượng mặt trời ở 2 bang Karnataka và Andhra Pradesh tại Ấn Độ đối mặt tình trạng tổn thất doanh thu và năng lượng do bị ngắt kết nối với điện lưới.
 
Theo nội dung công văn do Hiệp hội Điện mặt trời quốc gia Ấn Độ gửi Bộ trưởng Bộ Năng lượng mới và năng lượng tái tạo, các nhà sản xuất điện mặt trời phản ánh bị các doanh nghiệp công ích của 2 bang từ chối thu mua. Điều này cũng được nhắc trên một bản sao của công văn được gửi bởi Liên đoàn Năng lượng mặt trời quốc gia Ấn Độ đến Tập đoàn truyền tải điện Karnataka và Tập đoàn truyền tải điện Andhra Pradesh cùng trợ lý của Bộ năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
 
Trả lời trang BloombergQuintqua điện thoại, ông Jasmeet Khurana, lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh thế giới vì sự phát triển bền vững tại Ấn Độ, cho biết: "Năng lượng tái tạo phải được đưa vào lưới điện trước tiên do đó cần phải làm rõ về mặt kỹ thuật là liệu việc cắt kết nối có thực sự xảy ra bất chấp các quy định hay không. Nếu điện tái tạo không được tiếp cận với lưới điện, đó là vấn đề"
 
Không giống như các nhà máy nhiệt điện, trong đó chi phí được thu hồi thông qua các khoản thu cố định, hợp đồng mua điện mặt trời của các nhà sản xuất được ký từng lần riêng biệt. Việc cắt giảm trong thu mua sẽ dẫn đến tổn thất tài chính, đe dọa sự tồn tại của dự án.
 
Theo công văn của các nhà sản xuất điện mặt trời, Trung tâm điều độ phụ tải của nhà nước ở Bengaluru đã nhận được chỉ thị cắt bớt việc sản xuất của các dự án này bất chấp theo luật của Ấn Độ và bang Karnataka, điện mặt trời có đặc quyền được kết nối trước tiên với lưới điện và cũng là loại cuối cùng bị ngắt kết nối khi cần thiết.
 
Hội đồng kinh doanh thế giới vì sự phát triển bền vững tại Ấn Độ cũng cho biết các dự án bị cắt giảm này tại Karnataka đều đã được đưa vào chương trình điện mặt trời quốc gia của Ấn Độ. Các câu hỏi được gửi đến doanh nghiệp công ích tại Karnataka và Andhra Pradesh hiện vẫn chưa được phản hồi.
 
Mức cắt giảm hoặc tạm ngừng sản xuất trung bình là 3,67 giờ trong tháng 6 ở Karnataka, theo báo cáo của Hiệp hội điện mặt trời quốc gia. Trong đó, dự án công suất 40 MW của Wardha Solar bị cắt giảm nhiều nhất với 9,78 tiếng vào ngày 13/6.
 
Các công văn gửi đi đều nhấn mạnh doanh nghiệp công ích nhà nước không được phép cắt giảm điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo theo ý mình: "Việc cắt giảm loại năng lượng 'được ưu tiên' chỉ được thực hiện sau khi đã áp dụng mọi biện pháp có thể để đảm bảo sự ổn định lưới điện".
 
Ông Subrahmanyam Pulipaka, Giám đốc điều hành của Hiệp hội điện mặt trời quốc gia Ấn Độ, chia sẻ: “Tại Karnataka, chúng tôi có từ 12 đến 13 dự án với tổng công suất 130MW, trong khi việc cắt giảm được diễn ra hàng ngày ít nhất từ 0,6 đến 0,8 giờ. Trong nhiều trường hợp, giảm phát diễn ra không phải vì lý do an toàn lưới điện”. Theo Khurana, chính việc cắt giảm này là rủi ro hơn cho các dự án cũ do mức thuế cao hơn. Đồng thời, doanh thu của các nhà sản xuất điện mặt trời có thể giảm từ 10% đến 15%.
 
Trong khi đó, các nhà sản xuất điện mặt trời đang tìm cách ghi lại và chia sẻ với nhau lý do của việc bị cắt giảm này. Họ muốn hạ tầng kỹ thuật quốc gia chỉ thực hiện việc ngắt kết nối với lưới điện của những dự án năng lượng tái tạo này sau khi đã áp dụng hết các phương án có thể với những nhà máy điện thông thường.
 
Kameswara Rao, Đối tác tại PwC, nhận định việc ngắt kết nối với điện lưới này thường diễn ra ở các nước có ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển nhanh. Để an toàn, các nhà sản xuất nên tính đến khả năng tổn thất này trong những năm đầu. "Mức độ cắt giảm sẽ giảm dần khi hạ tầng kỹ thuật được bổ sung thêm khả năng truyền tải và các trung tâm điều độ trở nên tự động hóa hơn để cân bằng hệ thống. Sự đầu tư vào lưu trữ điện và tăng cường khả năng dự báo cũng có thể hạn chế tình trạng nói trên".
Theo: CafeBiz./NDH