Tin trong nước

An cư lạc nghiệp nhờ… điện

Thứ sáu, 15/5/2015 | 15:05 GMT+7
Chúng tôi đến thôn Pré thuộc xã Phú Hội, một xã vùng sâu của huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đúng vào thời điểm người dân Churu đang thu hoạch mùa bắp. 


Ảnh minh họa.
 
Những chiếc máy tuốt bắp di chuyển từ rẫy này sang rẫy khác để tuốt bắp cho các hộ dân trong buôn. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn điện, nước tưới đầy đủ nên những rẫy bắp đều bội thu. Ông Ya Lok, người dân thôn Pré phấn khởi nói: “Vụ này, mỗi sào bắp có thể thu hoạch xấp xỉ một tấn bắp. Giá bắp không bằng năm trước, nhưng với 4 sào bắp đang thu hoạch cũng đủ để gia đình tôi no bụng cả năm”. 
 
Trước đây, những hộ gia đình người Churu như ông Ya Lok thường sinh sống du cư, nay đây mai đó. Cho đến năm 2010, khi điện được kéo về khắp các thôn buôn, nhiều hộ dân, trong đó có gia đình ông Ya Lok đã chọn thôn Pré làm nơi an cư, lạc nghiệp. Nhiều buôn làng mới cũng được hình thành. Có điện, cùng với chăm lo sản xuất, đến nay, cuộc sống của các hộ dân đều dần đi vào ổn định, con cái đều được đến trường học hành. Diện mạo của những xã nông thôn vùng sâu như Phú Hội, K’Long A – B, Nam Sơn hay các vùng dân tộc khác như N’Thol Hạ, K’Rèng, khu dân tộc Finôm ngày càng khởi sắc. Không còn cảnh người dân ngày ngày lên rẫy thu gom củi về đốt thắp sáng mà thay vào đó là ánh điện sáng rực, lấp lánh ở khắp các thôn buôn mỗi buổi tối. 
 
Điện được kéo về, người dân còn được chính quyền địa phương phổ biến thêm kiến thức để ứng dụng máy móc vào sản xuất, nâng cao hiệu quả cây trồng. Chủ động được nguồn nước tưới nên những rẫy cà phê, rẫy bắp trải dài lúc nào cũng xanh mướt và cho những vụ mùa thắng lợi. Nhà cửa của các hộ dân cũng được xây dựng khang trang hơn. Nhiều nơi, người dân ở các thôn buôn còn tự nguyện góp tiền làm hệ thống đèn đường, lập tổ tự quản để quản lý và bảo vệ lưới điện trong thôn. 
 
Đến nay, Đức Trọng đã thực sự thay đổi từ một huyện thuần nông, với khoảng 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành một huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Thành quả ấy có sự đóng góp rất lớn của ngành Điện. Ông Vũ Thế Kỷ, Giám đốc Điện lực huyện Đức Trọng, Lâm Đồng chi sẻ: “Điện lực Lâm Đồng đã có nhiều chương trình kéo điện về nông thôn vùng sâu vùng xa để hỗ trợ tốt hơn cho đời sống của người dân. Hệ thống điện lưới đã phủ kín tất cả các thôn buôn, với hơn 99% hộ dân có điện sử dụng. Suốt thời gian qua, ngành Điện luôn phải nỗ lực để đảm bảo đủ điện tưới cho bà con vào mùa khô bởi đó là điều hết sức cần thiết để làm nên những vụ mùa hiệu quả”. 
 
Hơn 20 năm trước, ông H’Thành đưa gia đình lên thôn B’Neur C, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) sinh sống. Được sự hỗ trợ của ngành Điện và chính quyền địa phương, năm 1996, ông H’Thành kéo được đường dây điện về tận nhà, từ đó mở rộng rất đai trồng thêm trồng rau củ, nuôi heo để cải thiện kinh tế gia đình, nuôi con ăn học... Ông H’ Thành nhớ lại: “Hồi đó, nhà tôi có đất đồi nhưng không trồng gì được vì thiếu nước tưới. Để có cái ăn, cả nhà tôi phải đi làm thuê làm mướn. Rồi khi nhà nước đưa đường điện về, mình mới có điều kiện phát triển cây cà phê mà không ngại thiếu nước tưới nữa”.  Sau khi có điện, nhiều hộ dân ở các buôn làng còn được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng, vật nuôi. Chẳng bao lâu, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới được người dân triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có thể kể đến các mô hình trông cây ngắn ngày, dâu tây và các loại hoa. Đến nay, không ít nhà kính trồng hoa theo công nghệ cao ở địa bàn huyện Lạc Dương là của bà con dân tộc thiểu số. 
 
Ông Cil Bri, người dân xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng kể: “Hồi trước làm lúa kém chất lượng quá, sau này được cán bộ chỉ cách trồng rau củ, trồng dâu. Việc chăm sóc cây rất thuận lợi nhất là khâu tưới đều chạy bằng điện nên gia đình mình không ngại mở rộng thêm diện tích trồng”. Hiện tại, bình quân mỗi tháng gia đình ông Cil Bri tốn từ 200.000 – 300.000 đồng tiền tưới. Không chỉ thúc đẩy sản xuất, tăng hiệu quả cho nông nghiệp, nhiều làng nghề truyền thống của các thôn buôn cũng có điều kiện để phát triển và giữ gìn hơn. Trong đó phải kể đến nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Lạch ở huyện Lạc Dương. Đã có thời gian nghề truyền thống này tưởng chừng mai một hẳn. Nhưng giờ đây, dệt thổ cẩm là một nghề góp thêm thu nhập tương đối cho bà con.  
 
Kinh tế được cải thiện, bộ mặt nhiều thôn buôn của đồng bào dân tộc ở Lạc Dương cũng càng thêm khởi sắc. Nhà nào cũng có nồi cơm điện, radio, ti vi... phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Hình ảnh những buôn làng tối om om khi đêm xuống đã không còn mà thay vào đó là ánh điện lấp lánh, ấm áp từ các hộ gia đình.  
 
Đức Phổ/Icon.com.vn