Tại Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 (chiều tối ngày 28/8/2013) đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam - Nguời phát ngôn của Chính phủ đã cho biết quan điểm và chủ trương ưu tiên của Chính phủ khi trả lời trực tiếp câu hỏi của Trang tin ngành điện ICON về tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII cũng như những rà soát, điều chỉnh trong thời gian tới.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh: Ngọc Thọ
Ưu tiên hàng đầu trong điều hành
Cụ thể, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho rằng về thực hiện Quy hoạch điện VII, Chính phủ hết sức quan tâm, thực hiện đến đâu tiến hành thế nào đều được các thành viên của Chính phủ đặt ra. Chính phủ đã bàn và lập ban chỉ đạo để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh quy hoạch dài hạn đến năm 2030.
“Điện có vị trí quan trọng không chỉ là thức ăn của công nghiệp mà còn là thành quả của toàn bộ xã hội. Chỉ giả sử không chỉ nền kinh tế, công nghiệp thiếu điện mà đơn giản mỗi gia đình không có điện hay nhìn lại ngày xưa mỗi ngày phải mất điện một khoảng thời gian thì cuộc sống, xã hội bị đảo lộn ngay.” - Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP cho hay.
Chính phủ xác định an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu và là một trong những ưu tiên bậc nhất trong điều hành kinh tế - xã hội. Những năm qua, với sự nỗ lực của toàn xã hội, của Nhà nước, nguồn cung ứng điện đã không còn tình trạng "ăn đong" nữa dù cho còn căng thẳng về cung ứng trong từng thời điểm cụ thể trong năm. Hiện chúng ta có công suất dự phòng nguồn điện 20% và có một hệ thống truyền tải đảm bảo, an toàn, thông suốt, tin cậy từ Bắc đến Nam.
Cũng theo người phát ngôn của Chính phủ, trước đây khi chúng ta xây dựng 1 đường dây 500kV đã có nhiều ý kiến nói rằng đó là sự lãng phí, tuy nhiên thực tế đã minh chứng hiệu quả giá trị và to lớn mà công trình này đem lại. Những năm qua, ngành Điện đã làm thêm mấy mạch, tới đây sẽ làm thêm nữa để điều hòa chung nguồn cung ứng điện cho cả nước.
“Tôi khẳng định từ nay đến 2015 nguồn điện đã đủ, không thiếu. Tuy nhiên sang đến cuối năm 2017, đầu 2018 vì có một số dự án sẽ chậm tiến độ do các nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, công tác thu xếp vốn nên khu vực phía Nam có nguy cơ xảy ra thiếu điện cục bộ. Khu vực phía Bắc thì không lo lắm vì vẫn dư công suất. Khu vực miền Trung thì vừa đủ do nhu cầu không tăng quá mạnh. Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VII. Việc điều chỉnh sao cho sát với thực tế được tiến hành thường xuyên. Và điều quan trọng là phải chỉ đạo để xây dựng làm sao cho tuyến truyền tải điện Bắc - Nam được vững chắc, ổn định, hiệu quả hơn nữa thông qua xây dựng thêm 1 số trạm, thiết bị phục vụ cho nâng công suất truyền tải điện Bắc - Nam. Thứ đến, Chính phủ cũng kiên quyết chỉ đạo đẩy nhanh và tháo gỡ khó khăn để một số dự án nguồn điện khu vực phía Nam đảm bảo được tiến độ đề ra, tránh để miền Nam rơi vào tình cảnh thiếu điện vào những năm 2017, 2018, 2019.” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.
Theo thông tin của người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, thời gian tới, một loạt các dự án như Nhiệt điện Long Phú, Duyên Hải, Vĩnh Tân đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xin chủ trương thực hiện theo cơ chế dự án khẩn cấp, theo đó một số quy trình sẽ rút gọn lại để tiết kiệm thời gian, làm ngắn thủ tục. Và Chính phủ đã có chủ trương thông qua cơ chế này để Bộ Công Thương, EVN cùng các chủ đầu tư các dự án điện khác tập trung làm nhằm tăng cung điện cho khu vực phía Nam.
Các dự án nhiệt điện Long Phú, Duyên Hải, Vĩnh Tân sẽ được thực hiện theo cơ chế dự án khẩn cấp, theo đó một số quy trình sẽ rút gọn lại để tiết kiệm thời gian, làm ngắn thủ tục. Ảnh: Ngọc Thọ
Kiên định giá theo cơ chế thị trường
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, ngay trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 này (diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/8), Thủ tướng Chính phủ đã đề cập trực tiếp về vấn đề giá điện. Chính phủ thống nhất một mặt tiếp tục chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, không cào bằng bình quân, một mặt tiếp tục nghiên cứu chính sách để làm sao khuyến khích người dân sử dụng được trang thiết bị điện mà cụ thể là bóng đèn điện một cách tiết kiệm. Theo đó, tới đây, Chính phủ vẫn bao cấp một số lượng điện nhất định cho người nghèo bằng tiền mặt nhưng cũng có chương trình hỗ trợ cho người dân chuyển mạnh mẽ sang dùng bóng đèn tiết kiệm điện. Thậm chí quan điểm của Chính phủ là nếu người dân tiết kiệm điện thì có thể giữ lại số tiền này. Điều hành giá điện cần phải có lộ trình rất cụ thể và định hướng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo báo cáo từ Chính phủ, hiện chúng ta có khoảng 2% hộ nghèo có mức tiêu thụ điện dưới 50kW, 14% hộ gần nghèo (ở đây không gọi là cận nghèo theo như định nghĩa của Bộ LĐTBXH) tiêu thụ dưới 100 kW, khoảng 6-7% là các đối tượng thầu điện địa phương (hợp tác xã dịch vụ điện), các trạm bơm, thủy nông. Tất cả những đối tượng này những lần điều chỉnh giá điện vừa qua vẫn được bao cấp mua điện dưới giá thành.
“Giá điện cũng sẽ như xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo phải công khai, minh bạch cho người dân để san sẻ, chung vai trách nhiệm vì nền kinh tế và xã hội.” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.
Ngọc Thọ (thực hiện)