Tin thế giới

Trung Quốc hé lộ kế hoạch xây dựng trạm điện mặt trời khổng lồ

Thứ năm, 16/1/2025 | 09:40 GMT+7
Trạm điện mặt trời khổng lồ trong không gian có khả năng thu thập năng lượng lớn hơn so với tất cả hệ thống dầu mỏ trên Trái Đất trong một năm.

Trung Quốc tham vọng trở thành quốc gia đi đầu trong ngành năng lượng (Ảnh: Getty).

Ngày 15/1, các nhà khoa học Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng một trạm điện mặt trời khổng lồ với diện tích khoảng 1 km vuông trong không gian, có chức năng truyền năng lượng liên tục trở lại Trái Đất thông qua sóng vi ba ở khoảng cách xấp xỉ 36.000 km.

Dự án này đã nhanh chóng được truyền thông Trung Quốc ví như "đập Tam Hiệp trên không gian", với đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới do nước này xây dựng và vận hành, hiện đang tạo ra 100 tỷ kilowatt-giờ điện mỗi năm.

Theo Long Lehao, nhà thiết kế trưởng của tên lửa Long March, dự án này có tầm quan trọng tương đương với việc "di chuyển đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh". Ông cũng nhấn mạnh rằng năng lượng thu được từ trạm điện trong một năm có thể tương đương với toàn bộ lượng dầu mỏ có thể khai thác từ Trái Đất.

Thực tế cho thấy, công nghệ năng lượng mặt trời trên mặt đất dù đạt được những bước tiến đáng kể trong những năm qua, song vẫn đối mặt với các hạn chế cố hữu, như sự gián đoạn bởi mây mù hay bầu khí quyển hấp thụ phần lớn bức xạ mặt trời.

Trong bối cảnh đó, trạm điện mặt trời trên không gian được xem là bước ngoặt cho ngành công nghệ năng lượng, vì tại môi trường này, năng lượng mặt trời ước tính mạnh gấp 10 lần so với trên bề mặt Trái Đất. Điều này khiến việc tích lũy năng lượng trên không gian trở thành một giải pháp đầy tiềm năng.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang theo đuổi công nghệ trạm năng lượng mặt trời vũ trụ.

Các công ty Mỹ như Lockheed Martin và Northrop Grumman, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đang tiến hành nghiên cứu tương tự. Đặc biệt, JAXA dự kiến phóng một vệ tinh thử nghiệm trong năm nay để đánh giá tính khả thi của công nghệ này.

Dẫu vậy, chưa một quốc gia nào thành công với ý tưởng táo bạo trên, chủ yếu do xây dựng một trạm điện mặt trời vũ trụ khổng lồ sẽ đòi hỏi rất nhiều lần phóng và lắp ráp trong không gian. Cùng với đó, chi phí và mức độ rủi ro cao cũng là các rào cản lớn đối với những dự án đầy tham vọng trước đây.

Để khắc phục, Trung Quốc phát triển tên lửa đẩy hạng nặng tái sử dụng Long March-9 (CZ-9), với khả năng mang tải trọng ít nhất 150 tấn lên quỹ đạo.

Đây cũng là loại tên lửa đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Trung Quốc chinh phục Mặt Trăng và xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế trên đó vào năm 2035.

Nếu thành công, trạm năng lượng mặt trời trong không gian sẽ tạo ra một bước đột phá lớn trong ngành năng lượng sạch, mở ra cơ hội thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, giảm thiểu khí thải và đối phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, dự án cũng đánh dấu bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong cuộc đua chinh phục không gian, khẳng định vị thế dẫn đầu trong công nghệ vũ trụ.

Trong bối cảnh các quốc gia ngày càng tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tham vọng này của Trung Quốc là một minh chứng cho tầm nhìn chiến lược dài hạn về năng lượng và công nghệ.

Link gốc

 

Theo: Dân Trí