Công nhân Công ty Điện lực Sóc Sơn (EVNHANOI) hỗ trợ người dân tháo dỡ các công trình gây nguy hiểm đến đường điện vào mùa mưa bão. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Có nhiều loại sự cố về điện thường gặp vào mùa mưa bão như: sét đánh vào đường dây dẫn điện; giông, lốc gây ngã đổ cây, các vật liệu dẫn điện bay vào đường dây dẫn điện; khi nước dâng gây ngập làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường chung quanh; sạt, lở đất gây đổ, đứt, nghiêng đường dây dẫn điện, dẫn đến mất điện... Ở khu vực nông thôn, lưới điện hạ áp mới tiếp nhận còn khá nhiều đường dây dẫn điện chưa được cải tạo, mục nát, chắp vá, đường dây sau công-tơ lắp ngoài trụ kéo về nhà thường lắp trên cột gỗ không chắc chắn, dễ ngã đổ do gió bão, giông lốc nên nguy cơ gây ra điện giật khi vô tình chạm vào là rất cao.
Nhằm chủ động phòng, tránh sự cố, tai nạn điện đáng tiếc xảy ra trong mùa mưa bão, ngành điện phải chỉ đạo các đơn vị điện lực trực thuộc thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, nhất là những điểm xung yếu có khả năng sạt lở, ngã đổ; các vị trí có nguy cơ mất an toàn phải khắc phục và xử lý ngay. Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền an toàn điện, xử lý các vụ nhà, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và vào thời gian trước, sau khi xảy ra lụt bão vận động nhân dân chặt tỉa cây trong, ngoài hành lang tuyến có khả năng ngã đổ vào đường dây gây sự cố, tai nạn. Cắt điện các tuyến dây khi có gió bão cấp 6 trở lên, những khu vực ngập sâu, có thể ảnh hưởng đến an toàn điện; vận động nhân dân tự kiểm tra, xử lý các bất cập của đường dây hạ áp sau đồng hồ đo điện, hệ thống điện sinh hoạt trong nhà, nâng cao vị trí các ổ cắm, bảng điện có khả năng bị ngập...
Các công ty truyền tải, lưới điện cao thế, điện lực địa phương cần rà soát các tuyến đường dây, thiết bị điện trên lưới, khắc phục, xử lý ngay các nguy cơ có thể dẫn đến cột điện bị nghiêng, ngã đổ trong mùa mưa bão. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nguy cơ các cây xanh, bảng quảng cáo… có khả năng ngã đổ vào đường dây, trạm biến áp gây chập điện, cháy nổ. Ngoài ra, các công ty điện lực phải phối hợp các doanh nghiệp viễn thông tập trung thực hiện bó gọn cáp, vừa tạo mỹ quan đô thị, vừa phòng tránh trường hợp dây điện có thể đứt, rơi trong mùa mưa bão. Công ty phối hợp cùng với các cơ quan, chính quyền địa phương xử lý các trường hợp thi công công trình xâm phạm lưới điện, vi phạm hành lang lưới điện. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân, khách hàng sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão dưới nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.
Về phía người sử dụng điện cũng không được xây dựng, lấn chiếm trái phép hành lang an toàn lưới điện cao áp; không đào xới, trồng cây gần các công trình điện. Những người không có nhiệm vụ không trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện; không sử dụng thiết bị điện không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện an toàn; không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà; không dùng điện theo cách lấy điện một pha bằng một dây dẫn, còn dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đấu nối vào đường ống nước; các thiết bị điện trong nhà cần được lắp riêng biệt cho từng tầng, có bộ phận ngắt điện riêng; vùng dân cư có nguy cơ ngập lụt cần lắp đường dây điện, ổ cắm cao trên 1,5m đề phòng bị ngập nước. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.
Theo các chuyên gia an toàn về điện, khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng. Trong mùa mưa bão, cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện. Khi kiểm tra xem có điện hay không phải dùng bút thử điện để thử; thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện. Nếu phát hiện có những điểm không bảo đảm an toàn, nên báo ngay cho điện lực nơi sở tại. Nếu phần hư hỏng nằm phía sau đồng hồ điện thì bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa.