Tư vấn sử dụng điện

Những bí kíp tiết kiệm điện vào mùa hè

Thứ hai, 9/5/2016 | 10:29 GMT+7
Nhiều biện pháp đơn giản và không tốn kém giúp căn nhà luôn mát mẻ mà vẫn tiết kiệm năng lượng, tiền bạc trong suốt những tháng hè nóng bức. Bí kíp dưới đây dễ thực hiện và có thể áp dụng hàng ngày.

Dùng cửa sổ để đón khí mát, tránh nóng

Nếu thời tiết nơi bạn ở nóng vào ban ngày nhưng mát vào ban đêm. Khi đêm xuống, hãy tắt các thiết bị làm mát, mở cửa sổ trong lúc ngủ để khí mát tràn vào phòng. Khi thức dậy vào buổi sáng, đóng tất cả cửa sổ và che rèm để giữ không khí mát bên trong và ngăn khí nóng.
 
Rèm cửa loại dày có thể giúp ngăn khí nóng hiệu quả. 

Rèm cửa cũng là một công cụ để ngăn không khí nóng hữu hiệu. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, khả năng chống nóng của rèm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại vải (dày hay mỏng), màu sắc.
 
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những loại rèm có màu sắc trung tính và mặt trong là chất liệu màu trắng, vải tráng nhựa giúp ngăn khí nóng tới 33%. Rèm cũng giúp giữ khí mát trong phòng hiệu quả hơn những biện pháp khác nhờ những nếp xếp li làm giảm sự đối lưu nhiệt. Rèm nên treo càng gần cửa sổ càng tốt, dài chạm mép cửa sổ hoặc sàn nhà.
 
Mái hiên cửa sổ cũng có tác dụng giảm nhiệt từ mặt trời tới 65% nếu cửa sổ quay hướng nam và 77% với cửa sổ ở hướng tây. 
 
Sử dụng bộ điều nhiệt hiệu quả

Đây là một thiết bị giúp kiểm soát và tối ưu hóa nhiệt độ trong phòng bằng cách tự động điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa theo một lịch trình được lập sẵn tùy theo lúc ngủ, lúc đi làm hay khi có người ở nhà.
 

Thiết bị điều nhiệt giúp kiểm soát nhiệt độ của điều hòa, giảm tiêu tốn điện năng không cần thiết.

Chúng ta có thể thiết lập cho máy lạnh tự động tắt khi rời nhà đi làm và mở lên 20-30 phút trước khi về nhà, hoặc tự ngắt khi bạn chìm vào giấc ngủ và cho máy lạnh chạy bình thường 20-30 phút trước khi bạn thức dậy đi làm. Việc lập trình tự điều chỉnh nhiệt độ theo thời gian biểu này có thể lặp lại vào các ngày trong tuần.
 
Bạn nên điều chỉnh nhiệt sao cho mức chênh lệch nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời ở mức nhỏ nhất mà bạn vẫn cảm thấy thoải mái. Theo lời khuyên của Bộ Năng lượng Mỹ, bạn nên để nhiệt độ trong phòng có thể cao hơn so với bình thường khi vắng nhà và điều chỉnh ở khoảng 26 độ C khi bạn ở nhà.
 
Vị trí đặt bộ điều nhiệt cũng có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất và hiệu quả hoạt động của nó. Bạn nên lắp thiết bị cách xa nơi có ánh nắng trực tiếp, xa các cửa sổ hoặc cửa ra vào.
 
Bảo trì hệ thống làm mát thường xuyên

Khi lắp đặt điều hòa, bạn nên chọn công suất phù hợp với diện tích phòng. Nếu công suất mạnh sẽ gây hao tốn điện năng, công suất yếu không đạt được hiệu quả cần thiết. Thông thường, điều hòa có công suất từ 5.500 -14.000 BTU/giờ. 
 
Theo tiêu chuẩn, 1.000 BTU tải được tối đa 2m2. Với phòng có diện tích 9 - 18m2, bạn có thể lắp điều hòa có công suất 9.000 BTU/h, diện tích trong khoảng 15 - 24m2 cần dùng máy 12.000 BTU/h hay diện tích 24 - 35m2 cần chọn loại 24.000 BTU.
 
Điều hòa cần lắp ở nơi râm mát, thoáng đãng, tránh xa nguồn nhiệt. 

Lắp điều hòa tại vị trí râm mát, cách xa nguồn nhiệt, hơi nước, khói thải, hóa chất.
 
Bạn nên làm sạch và giữ lỗ thông khí luôn thông thoáng, thay bộ lọc ít nhất 2 tháng 1/lần để điều hòa hoạt động hiệu quả hơn. Giảm các nguồn nhiệt trong nhà như sử dụng máy sấy, máy rửa chén vào ban đêm, tránh sử dụng đèn sợi đốt, lò vi sóng, lò nướng, đốt lửa.
 
Bịt kín những khe hở trong ngôi nhà để ngăn khí nóng vào phòng và hạn chế mở cửa để giữ khí mát bên trong.
 
Giảm chi phí đun nước nóng

Ở Mỹ, chi phí để làm nóng nước chiếm tới 18% lượng điện năng tiêu thụ trong nhà. Để giảm điện năng sử dụng cho bình nóng lạnh, cách đơn giản nhất có thể áp dụng, không tốn chi phí là giảm nhiệt độ đặt của nước nóng ở mức hợp lý. Các bình nước nóng hiện bán trên thị trường thường đặt mức nhiệt ở 60°C, nên điều chỉnh lại còn 45 – 50 độ C.
 

Giảm điện năng tiêu thụ cho việc làm nóng nước cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí hóa đơn tiền điện.

Thực tế, đây là khoảng nhiệt độ nước vừa đủ cho con người cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Nhiệt độ nước quá nóng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng khi sơ ý. Khi giảm nhiệt độ nước nóng xuống sẽ làm mức tiêu thụ điện năng giảm xuống, phụ tải nhiệt của máy cũng giảm xuống. 
 
Hãy tận dụng ánh nắng mặt trời mùa hè để làm nóng nước, làm giảm thời gian sử dụng bình nóng lạnh hoặc các thiết bị khác.
 
Dùng quạt và quạt thông gió để làm mát phòng

Nếu sử dụng quạt trần, bạn có thể điều chỉnh nhiệt ở điều hòa cao hơn 2 độ so với bình thường. Tắt quạt khi bạn rời khỏi phòng. Quạt chỉ có tác dụng giúp bạn cảm thấy mát hơn bằng cách tạo ra hiệu ứng gió lạnh chứ không giúp căn phòng mát hơn.
 
Khi tắm, hãy bật quạt phòng tắm để giảm nhiệt và độ ẩm trong phòng. Phòng giặt ủi, phòng tắm và nhà bếp cũng cần có quạt thông gió để thổi hơi nóng ra bên ngoài.
Theo: Zing.vn