Anh Y Lét tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả đến đồng bào.
Anh chính là Y Lét Niê - công nhân của Đội Quản lý đường dây và trạm biến áp, Điện lực Lắk, PC Đắk Lắk.
Trở lại mảnh đất này giữa cái nắng tháng Sáu, một trong những thời điểm oi ả nhất của mùa khô nơi đây, tôi gặp anh - người thợ điện của núi rừng Tây Nguyên. Anh Y Lét tiếp tôi với một nụ cười thân thiện và cái bắt tay chắc nịch, khỏe khoắn của một người thợ quen dầm mưa dãi nắng. Nắng như rót mật, thời điểm này cũng là cao điểm mùa khô, những người thợ đường dây tất bật với các công tác sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra trên lưới để đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định cho bà con bơm tưới. Rót một ly nước trà mời người bạn phương xa, anh bắt đầu kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề và những trăn trở trong chính công việc mình đang gắn bó.
Anh Y Lét Niê sinh năm 1969 trong một gia đình có chín người con tại thị xã Buôn Hồ. Mảnh đất đỏ bazan màu mỡ ấy vẫn không thể mang lại cuộc sống no đủ cho gia đình anh vì nhà đông con, hoàn cảnh khó khăn mà chỉ có thể bám vào nương rẫy làm kế sinh nhai. Những ngày tháng thiếu thốn đó đã khiến anh suy nghĩ nhiều hơn đến việc vươn lên học hành, thoát nghèo, thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn luôn phải vất vả với nỗi lo cơm áo. Với suy nghĩ đó, năm 1998, anh Lét đăng ký vào học nghề điện tại Trường Công nhân Kỹ thuật cơ điện Đắk Lắk.
Năm 2002, anh theo vợ đến lập nghiệp tại xã Krông Nô, huyện Lắk và cũng từ đây, cái nghề thợ điện bén duyên với anh. Thời gian đầu, anh Y Lét Niê công tác tại Tổ trạm 35 kV, thuộc Chi nhánh điện Krông Ana. Tổ có 04 người, anh cùng một dịch vụ bán lẻ điện năng phụ trách địa bàn xã Krông Nô - một xã vùng xa giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số, mọi tiếp cận với công nghệ thông tin liên lạc hoàn toàn hạn chế. Quản lý 08 TBA, 10km đường dây 22kV và 10,5km đường dây 35kVvới khoảng 700 khách hàng, anh phải đi từng nhà, từng buôn để hướng dẫn sử dụng điện, sửa chữa hoặc thu tiền điện khi cần. Lúc này, anh chưa có điện thoại nên mọi liên lạc với cơ quan rất khó khăn. Khi có công việc gì anh Lét đều phải đi xe gắn máy, vượt đường đèo ra trụ sở cách đó 50km. Khó khăn là thế nhưng bởi yêu mến sự hồn hậu của khách hàng, mong góp một phần sức trẻ để nâng cao đời sống đồng bào, tình cảm gắn bó với công việc mỗi ngày được vun đắp, anh càng trân quý hơn nghề nghiệp mình đã chọn.
Đến năm 2007, Chi nhánh điện Lắk (nay là Điện lực Lắk) được thành lập. Đơn vị non trẻ, nhân lực mỏng, khối lượng công việc lại nhiều. Thường xuyên ra Chi nhánh để làm việc, đường xá xa lại không có phương tiện công cộng nên ngày nào anh Lét cũng đi sớm về muộn bằng xe gắn máy. Những ngày mưa lạnh, những đoạn đường đèo có nguy cơ sạt lở luôn là kỷ niệm về thời gian khó khăn mà đáng nhớ trong anh. Sau nhiều năm làm việc xa nhà thì đến năm 2015, anh được lãnh đạo Điện lực Lắk phân công anh phụ trách quản lý đường dây ĐD472Romen thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông để gần hơn với gia đình. Lúc này, anh cùng một đồng nghiệp khác quản lý 14 TBA phân phối, khoảng 1.700 khách hàng, 10km đường dây 35kV và 29km đường dây 22kV, chủ yếu đi qua rừng đặc dụng.
Từ đây, anh có nhiều hơn thời gian dành cho gia đình, tuy nhiên áp lực công việc cũng cao hơn. Nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày càng cao nên độ tin cậy cung cấp điện phải đảm bảo, rồi các hư hỏng điện trong nhà khách hàng, sự cố xảy ra… đều yêu cầu khắc phục nhanh, kịp thời. Tất cả những công việc này, anh luôn là người tiên phong. Có những lúc 2-3 giờ sáng anh vẫn phải chạy qua tận Quảng Hòa của huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông để kiểm tra và xác định sự cố. Những ngày nghỉ cuối tuần thì anh lại đi giúp bà con sửa chữa điện hay tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mà không lấy tiền công. Cũng vì sự nhiệt tình của anh mà bà con nơi đây rất yêu mến anh, họ gọi anh là "người thợ điện của buôn làng".
Hơn hai mươi năm gắn bó cùng công việc, điều anh nhận lại nhiều nhất có lẽ chính là tình cảm gắn bó, thân thương như người nhà của những người dân bản địa, nơi anh đang sinh sống và làm việc. Chia tay Ama Lực - người thợ điện của buôn làng, chia tay nụ cười hiền từ với nước da sạm màu nắng gió của núi rừng Tây Nguyên, tôi chúc anh luôn có một sức khỏe tốt, giữ được nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến sức mình cho dòng điện quê hương.