Tin thế giới

Australia: Giải pháp "độc" giúp đạt mục tiêu phát thải ròng

Thứ ba, 31/10/2023 | 09:44 GMT+7
Các nhà kinh tế hàng đầu của Australia đang hết sức ủng hộ việc áp dụng lại giá carbon, vốn đã giúp cắt giảm lượng khí thải của Australia từ năm 2012 đến năm 2014.


Các nhà kinh tế hàng đầu của Australia đang ủng hộ việc áp dụng lại giá carbon, vốn đã giúp cắt giảm lượng khí thải của Australia từ năm 2012 đến năm 2014. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Theo một khảo sát mới đây của Hiệp hội Kinh tế Australia, các nhà kinh tế hàng đầu của nước này đang hết sức lên tiếng ủng hộ việc áp dụng lại giá carbon, vốn đã giúp cắt giảm lượng khí thải của Australia từ năm 2012 đến năm 2014.

Khi được hỏi để cân nhắc một trong nhiều lựa chọn được đưa ra, 30 trong số 50 chuyên gia đã chọn chương trình áp giá carbon do chính phủ Công đảng của Thủ tướng Julia Gillard đưa ra vào năm 2012 nhưng bị hủy bỏ bởi Chính phủ Liên đảng của Thủ tướng Tony Abbott vào năm 2014.

Bộ Biến đổi Khí hậu đã thông báo với Chính phủ Australia hồi tháng 12/2022 rằng, nước này họ đang trên đà không đạt được mục tiêu cắt giảm 43% mức khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005. Nhưng với “các biện pháp bổ sung”, Australia có thể đạt mức 40%. Sang tháng 10/2023, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Chris Bowen đánh giá mục tiêu cắt giảm 43% lượng khí thải là “tham vọng” và là một “nhiệm vụ khó khăn”.

Kế hoạch mà các nhà kinh tế đề cập đến là kế hoạch Mua bán phát thải (Cap and Trade) khá phổ biến ở hầu hết các nơi trên thế giới. Theo đó, chính phủ sẽ giới hạn tổng số giấy phép phát thải mỗi năm và cho phép giao dịch những giấy phép này.

Kế hoạch của chính phủ Thủ tướng Gillard ban đầu là ấn định một khoản phí cho mỗi tấn carbon do những công ty gây ô nhiễm lớn thải ra. Kế hoạch dự kiến sẽ chuyển sang chương trình Mua bán phát thải sau ba năm, nhưng lại bị bãi bỏ chỉ sau hai năm.

Thay vào đó, chính phủ của Thủ tướng Abbott đã tạo ra một “cơ chế bảo vệ” chỉ áp dụng cho 219 cơ sở gây ô nhiễm lớn nhất ở Australia. Cơ chế này yêu cầu mỗi bên phải duy trì lượng phát thải dưới mức cơ bản do chính phủ đặt ra và cho phép họ trao đổi giấy phép giảm phát thải với nhau.

Khi được hỏi về khả năng mở rộng cơ chế trên tương tự như một kế hoạch áp giá carbon để áp dụng cho toàn nền kinh tế, 42% chuyên gia kinh tế cho biết muốn tăng số lượng cơ sở gây ô nhiễm bị đặt dưới cơ chế bảo vệ và 26% muốn thắt chặt các quy định cơ bản để đẩy giá lên cao hơn.

Theo kết quả khảo sát, 43/50 nhà kinh tế muốn thực hiện mức giá carbon trên toàn nền kinh tế hoặc một cơ chế bảo vệ mở rộng. Ngoài ra, một nửa số chuyên gia được khảo sát muốn đẩy nhanh việc xây dựng các đường dây truyền tải mới để kết nối những nơi sản xuất điện với những nơi có nhu cầu. 1/3 muốn đẩy nhanh đầu tư vào các cơ sở lưu trữ pin lớn.

Nhiều chuyên gia được khảo sát muốn có những biện pháp táo bạo hơn những biện pháp do Hiệp hội Kinh tế Australia đề xuất. Cựu quan chức Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Adrian Blundell-Wignall cho biết, xuất khẩu than của Australia tạo ra gần gấp 2,5 lần lượng khí thải mà người Australia sản xuất trong nước. Ông đề xuất Chính phủ Australia nên đánh thuế xuất khẩu than luyện kim dùng để sản xuất thép, đẩy giá lên cao và giảm nhu cầu toàn cầu. Australia hiện chiếm 55% thị trường khoáng sản này.

Ông Mark Cully, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Bộ Công nghiệp Australia cho biết nước này nên học tập theo Pháp, Đan Mạch và Thụy Điển trong việc cấm các dự án nhiên liệu hóa thạch mới. Việc hạn chế nguồn cung sẽ đẩy giá nhiên liệu hóa thạch lên cao và khuyến khích việc tiêu thụ năng lượng tái tạo trên toàn cầu nhanh hơn.

Australia cũng nên cùng Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thuế xanh, còn gọi là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, theo đó áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu mà lượng khí thải không bị đánh thuế tại quốc gia sản xuất. Chuyên gia Cully cho biết phần lớn mối quan ngại của Australia tập trung vào năng lượng, lĩnh vực mà lượng khí thải đang thực sự bắt đầu giảm. Trong các lĩnh vực khác, lượng khí thải đã ổn định hoặc thậm chí đang tăng lên.

Ông Frank Jotzo, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Khí hậu tại Đại học Quốc gia Australia, cũng cho biết phải có các biện pháp có mục tiêu nhằm vào các ngành như giao thông, xây dựng, nông nghiệp và trồng rừng.

Ngoài ra, nhà kinh tế Joaquin Vespignani của Đại học Tasmania cho biết chính phủ nên “đầu tư” vào việc sản xuất cái gọi là khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình khử carbon thông qua khấu trừ thuế. Australia có hơn 20% trữ lượng khoáng sản đã được chứng minh rất cần thiết cho việc sản xuất và lưu trữ năng lượng sạch như lithium.

Link gốc

Theo: BNews