Cán bộ Công ty Điện lực Bắc Giang tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hành tiết kiệm điện.
Gia đình bà Nguyễn Thị Luyến, tổ dân phố số 3, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) có 3 phòng ngủ đều lắp điều hòa, phòng khách và phòng ăn lắp quạt mát thường xuyên sử dụng. Mấy ngày gần đây, nắng nóng kéo dài nên các máy điều hòa hoạt động hết công suất. Hai cháu học bậc THCS và Tiểu học nghỉ hè ở nhà, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện cũng tăng theo.
Bà Luyến nói: “Các tháng trước, gia đình trả khoảng 1 triệu đồng tiền điện thì tháng 4 và 5 vừa rồi phải chi từ 1,8 đến 2 triệu đồng, dự kiến tháng 6 còn cao hơn. Nắng nóng thế này không bật điều hòa hay quạt mát thì sợ các cháu không chịu nổi”.
Dịp này, nhiều gia đình khác cũng sử dụng các loại thiết bị làm mát công suất lớn. Gia đình ít người thì sử dụng 1 đến 2 chiếc điều hòa và quạt mát; nhiều người thì có thể sử dụng từ 3 đến 4 chiếc. Một số hộ vừa ở vừa kinh doanh dịch vụ còn sử dụng 5 đến 7 thiết bị làm mát có công suất lớn và tiêu tốn điện năng. Ví như gia đình anh Hoàng Thế Cường ở đường Ngô Gia Tự, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) sử dụng 2 điều hòa, 7 quạt mát phục vụ kinh doanh ăn sáng, giải khát nên ngày hè các thiết bị làm mát hoạt động đồng thời.
Ông Ngô Tiến Đăng, Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết, những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, không chỉ các hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp, đơn vị cũng có nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát công suất lớn. Khung thời gian từ 11 giờ đến 19 giờ các ngày 19, 20, 21, 22/6 mức tiêu thụ điện năng tăng đột biến.
“Ngày 21/5 sản lượng hơn 14,4 triệu KWh thì đúng 1 tháng sau, tức ngày 21/6 sản lượng điện đạt cao kỷ lục từ năm 2021 đến nay - hơn 20 triệu KWh, công suất lớn nhất trong ngày là vào lúc 14 giờ. Sau đó, từ 22/6 đến nay, sản lượng điện dao động từ 19 đến gần 20 triệu KWh/ngày. Sử dụng thiết bị làm mát công suất lớn cùng lúc là một trong những nguy cơ dẫn đến các sự cố về điện gây ra cháy nổ, hỏa hoạn”, ông Đăng phân tích thêm.
Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời nhiều hôm lên đến hơn 40 độ C kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng đột biến. Vì thế nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn do chập điện cũng ở mức rất cao.
Tiết kiệm điện, hạn chế cháy nổ
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Bắc Giang), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu do chập, cháy hệ thống điện. Được biết, mùa nắng nóng, lượng điện tiêu thụ cao, tất cả các thiết bị hạ nhiệt được người dân tận dụng tối đa.
Máy móc vận hành liên tiếp trong thời gian dài, đường dây điện bị quá tải là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra chập, cháy hệ thống điện dẫn đến các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, nhiều người dân chủ quan, bất cẩn, lơ là trong sử dụng các thiết bị điện; hệ thống đường dây dẫn cũ, xuống cấp, chồng chéo, mắc tạm bợ, luồn lách qua nhiều vật dễ cháy… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy.
Máy móc vận hành liên tiếp trong thời gian dài, đường dây điện bị quá tải là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra chập, cháy hệ thống điện dẫn đến các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng.
Thượng tá Nguyễn Viết Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: “Đơn vị tăng cường kiểm tra, xây dựng các chuyên đề, chỉ đạo đội nghiệp vụ phối hợp với Công an các huyện, TP siết chặt theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở.
Đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tại nơi có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Chú trọng tuyên truyền, huy động toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy”.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng hệ thống điện; lựa chọn, lắp đặt đường dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện, bảo vệ phù hợp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tránh sử dụng đồng thời quá nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong giờ cao điểm. Không sử dụng cùng một lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên cùng một ổ cắm; không tự ý câu mắc, luồn đường dây dẫn điện; không để thiết bị tiêu thụ điện tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như chăn, đệm, xốp…
Để giảm thiểu tác hại do chập điện dẫn đến cháy nổ, mỗi gia đình, doanh nghiệp nên sử dụng đúng, thực hành tiết kiệm điện, tắt hết các thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà, phòng làm việc. Bố trí, sắp xếp hàng hóa khoa học, không để vật liệu dễ cháy lên ổ cắm điện mà cần cách xa ít nhất 0,5 m; không sạc điện thoại, máy vi tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm. Thêm đó, mỗi hộ cần trang bị bình chữa cháy tại nhà để kịp thời xử lý tình huống nếu không may xảy ra sự cố.