Hệ thống đường cao tốc bên ngoài đô thị của Đức không được lắp đèn chiếu sáng để tiết kiệm điện. Ảnh: shutterstock.com
Sử dụng bóng điện với công suất vừa phải và chỉ bật ở những khu vực đang hoạt động, nên hiếm có chuyện các ngôi nhà ở Đức sáng rực từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Người Đức mỗi khi rời khỏi vị trí, dù đó là phòng ngủ, phòng làm việc hay nhà vệ sinh, đều không quên tắt điện và đóng cửa. Lãng phí là khái niệm không tồn tại đối với người Đức, dù ở mức nhỏ nhất. Tất nhiên điều này không đồng nghĩa với sự tằn tiện, mà dừng lại ở mức hợp lý. Tiết kiệm đã trở thành một trong những đức tính tốt của người Đức, và cũng gắn liền với một đức tính khác, đó là kỷ luật.
Tiết kiệm điện là một phần trong toàn bộ tư duy và giải pháp tiết kiệm năng lượng nói chung ở Đức. Bên cạnh điện, người Đức còn dùng khí gas để sưởi ấm và đun nóng nước, đặc biệt để chống chọi với mùa Đông lạnh giá kéo dài. Các tòa nhà công sở cũng như các căn hộ, nhà riêng đều phải có bản chứng nhận tiêu thụ năng lượng, một quy định bắt buộc đối với chủ sở hữu khi giao dịch mua bán, chuyển nhượng.
Các tòa nhà, căn hộ tại Đức luôn được thiết kế với mức độ tối ưu về ánh sáng tự nhiên, giữ nhiệt và lưu thông không khí. Nhờ vậy, người sử dụng đã phần nào giảm được gánh nặng từ hóa đơn tiền điện hằng tháng cho việc chiếu sáng, sưởi ấm hay làm mát.
Là quốc gia đi đầu về công nghệ, nước Đức cũng sáng tạo ra nhiều giải pháp tiết kiệm điện, ví dụ như các hệ thống làm mát hay sưởi ấm tự động, được trang bị cảm biến để chỉ hoạt động khi người sử dụng đóng kín các cửa, hoặc các hệ thống mái hiên, rèm tự động giúp tối ưu hóa mức độ chiếu sáng tùy thuộc vào cường độ và hướng của ánh sáng mặt trời...
Các thiết bị tiêu thụ điện bán ra trên thị trường cũng đều phải trải qua quá trình kiểm định và dán nhãn tiêu thụ năng lượng. Khách hàng cũng luôn quan tâm đến điều này và xem mức tiêu thụ năng lượng là một trong những tiêu chí quan trọng để quyết định việc chọn sản phẩm của nhà sản xuất nào.
Trên thị trường thiết bị chiếu sáng, đèn LED đã dần thay thế bóng điện sợi đốt thông thường. Cho ánh sáng tốt hơn trong khi lại tiêu thụ ít điện năng, đèn LED dần chiếm lĩnh thị phần tại Đức, dù quá trình để thay thế hoàn toàn các thiết bị chiếu sáng cũ không hề đơn giản, bởi rào cản chi phí.
Đức dường như là quốc gia duy nhất trên thế giới không hạn chế tốc độ trên các đường cao tốc bên ngoài đô thị (Autobahn), nhưng cũng rất khác với phần còn lại của thế giới, hệ thống Autobahn của Đức không được lắp đèn chiếu sáng. Lý do chính là để tiết kiệm chi phí vận hành, bởi tiền điện chiếu sáng phải trả cho quãng đường hơn 13 nghìn km - hệ thống cao tốc dài thứ tư trên thế giới - là không nhỏ, trong khi Đức không thu phí sử dụng cao tốc đối với mọi phương tiện giao thông.
Tại Đức, thị trường mua bán điện rất cạnh tranh, cho phép khách hàng lựa chọn nhà cung cấp điện với giá cả hợp lý, dịch vụ tốt. Đặc biệt, với những người có ý thức bảo vệ môi trường, họ có thể chọn nhà cung cấp điện „xanh“, bán loại điện chủ yếu sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như ánh sáng mặt trời và gió, dù mức giá có thể cao hơn so với điện từ các nguồn phổ biến hơn như năng lượng hạt nhân hay than đá.
Trên phương diện chính trị, đảng Xanh - đảng lớn thứ sáu và chiếm 8,9% số ghế tại Quốc hội Liên bang Đức hiện nay - luôn theo đuổi mục tiêu bảo vệ môi trường. Bên cạnh loại bỏ dần các nguồn năng lượng hạt nhân và hóa thạch, thì tiết kiệm điện cũng là một cách quan trọng để bảo vệ môi trường. Góp tiếng nói mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường, đảng Xanh đang ngày càng được cử tri Đức ủng hộ.
Đức cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cam kết và thực hiện cam kết về chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Chính việc sử dụng điện tiết kiệm của người Đức cũng đã góp một phần vào mục tiêu này, khi gián tiếp hạn chế việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
Quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đức đang diễn ra mạnh mẽ. Đến hết năm 2018, tỷ lệ điện từ nguồn năng lượng tái tạo ở Đức đã chiếm đến 40%. Nước Đức đã đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân, và sẽ kết thúc lộ trình này trong vài năm tới. Mỏ than đá cuối cùng cũng đã ngừng khai thác trong năm qua, và để đảm bảo an ninh năng lượng thì một trong những yếu tố then chốt là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện.
Ở Đức, vấn đề tiết kiệm điện nói riêng và tiết kiệm năng lượng nói chung được quan tâm cả dưới góc độ chính trị, kinh tế và công nghệ, từ cấp chính phủ cho đến từng địa phương và đặc biệt là từ chính mỗi người dân - những người phải trực tiếp chi trả hóa đơn tiền điện, vốn chiếm một khoản đáng kể trong chi tiêu hàng tháng. Chính ý thức tiết kiệm hình thành từ khi còn nhỏ, trở thành một thứ văn hóa đặc trưng hay một đức tính tốt, đã góp phần giúp người Đức giảm được một cách đáng kể lượng điện tiêu thụ.