Công nhân PC Quảng Ngãi kiểm tra, bảo dưỡng TBA 35kV Trà Bồng.
Nỗ lực khắc phục sự cố
Đợt mưa lớn kéo dài từ 30/10 đến 3/11 vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi đã gây ra một số sự cố về điện, làm gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, gây thiệt hại cho ngành Điện. Tuy nhiên, những sự cố này đã nhanh chóng được khắc phục và việc cấp điện đã được thông suốt trở lại chỉ sau một thời gian ngắn.
Tại huyện Ba Tơ, mưa lớn kèm theo gió vào trưa 1/11, đã làm cây cối, chủ yếu là keo trồng ở xã Ba Động, Ba Thành đổ ngã vào đường dây 35kV Thạch Trụ - Ba Tơ gây mất điện toàn bàn huyện Ba Tơ. Ngoài ra, tại một số điểm sạt lở đất đá đã làm nhiều trụ điện bị ảnh hưởng. Với quyết tâm cao, Điện lực Ba Tơ đã tập trung toàn bộ lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố và trong 20 giờ đồng hồ sau đó tuyến trục chính 35kV Thạch Trụ - Ba Tơ đã sửa chữa xong. Và sau 48 giờ đồng hồ, toàn bộ sự số về điện do ảnh hưởng của mưa bão tại địa phương này đã được khắc phục, hoạt động cấp điện cho nhân dân đã trở lại bình thường.
Ngoài ra, tại 5 huyện miền núi còn lại, gồm: Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và Tây Trà cũng xảy ra một số sự cố gây mất điện tạm thời. Các Điện lực đã lực huy động toàn bộ 100% quân số khắc phục nhanh chóng. Trong suốt những ngày mưa lớn, các Điện lực luôn trực sẵn sàng ứng phó 24/24, đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng mất điện kéo dài. Trước đó, để hạn chế đến mức thấp nhất đến trong việc vận hành lưới điện trong mùa mưa bão, PC Quảng Ngãi đã đầu tư gần 40 tỷ đồng cho việc nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện tại các huyện miền núi; xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng, đặc biệt là tại các tuyến xung yếu, để những sự cố gây mất điện có thể được khắc phục trong thời gian sớm nhất, đảm bảo nhanh chóng cấp điện trở lại cho người dân.
Vượt qua gian khó
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi đang có 2 thành phần bán điện, gồm Công ty Điện lực Quảng Ngãi và 6 Công ty cổ phần điện. Trong đó, Công ty Điện lực được giao nhiệm vụ cấp điện cho toàn bộ 6 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Với đặc thù địa hình chia cắt phức tạp, khối lượng tuyến đường dây lớn, song sản lượng cấp điện lại thấp do dân cư thưa thớt, sống không tập trung, nên việc cấp điện cũng gặp nhiều khó khăn. Tại một số khu dân cư của huyện Tây Trà, Sơn Tây, Ba Tơ, suất đầu tư kéo điện đến hộ dân bình quân cao từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng; nhiều tuyến đường điện đầu tư nhiều tỷ đồng, kéo qua sông, suối và đồi núi, song chỉ phục vụ điện cho hơn 10 hộ dân. Điều này cho thấy việc đầu tư cấp điện cho miền núi của PC Quảng Ngãi chi phí rất lớn, vận hành lưới điện tốn kém hơn nhưng sản lượng điện cung cấp nhỏ, dẫn đến khó khăn trong kinh doanh. Đặc biệt, sự cố gây mất an toàn trên lưới điện xảy ra nhiều, nhất là vào mùa mưa bão do cây cối đổ ngã, va quẹt. Nhiều anh em cán bộ, nhân viên các điện lực miền núi có phải bám trụ dài ngày do phải trực sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn.
Ngoài ra việc thu tiền điện sử dụng của người dân cũng không kém phần khó khăn. Bình quân, muốn thu tiền điện tại một điểm dân cư miền núi, dù xa xôi, hẻo lánh, đường đi khó khăn thì ít nhất nhân viên điện lực cũng phải đi lại nhiều lần trong một tháng để chốt số công tơ, đưa hóa đơn đến tận tay người dùng điện và thu tiền. Có nhiều nhân viên phải ở lại địa bàn vài ngày, khi hoàn thành nhiệm vụ mới trở về cơ quan vì quãng đường đi lại quá khó khăn. Trong thời gian ở lại này, nhân viên điện lực tranh thủ giúp người dân sửa chữa nhỏ, gia cố lại hệ thống điện sau công tơ; tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn cho nhân dân trong vùng.
Chúng tôi đã cùng đồng hành với PC Quảng Ngãi đưa điện về vùng cao vào những ngày cuối năm. Mưa, gió, đường trơn, nước sông suối dâng cao nhưng vẫn không ngăn được bước chân của những người thợ "áo cam". Trong điều kiện công tác khó khăn, họ luôn đặt lương tâm, trách nhiệm lên hàng đầu để kéo điện về vùng cao và giữ cho ánh điện nơi ấy luôn lung linh sáng mãi...