Tin trong nước

Điện sáng buôn làng Tây Nguyên

Thứ hai, 28/12/2009 | 10:17 GMT+7

Chương trình cấp điện cho thôn,  buôn chưa có điện ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng đã cụ thể hoá chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống đồng bào vùng khó khăn ở Tây Nguyên. Công trình xây dựng đến đâu, nềm vui tràn ngập đến đó, bà con có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống.

Trạm biến áp cấp điện cho buôn Ea Sin, xã Ea Sin, huyện Krông Búc,  tỉnh Đắc Lắc.
Dự án do các đơn vị Công ty điện lực 2 và Công ty Điện lực 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện, được khởi công từ tháng 2-2008. Theo thiết kế được phê duyệt, dự án sẽ đầu tư xây dựng 1.298 trạm biến áp, 1.831 km đường dây trung áp, 2.578 km đường dây hạ áp để cấp điện tới 99.333 hộ dân thuộc 1.338 thôn, buôn với tổng vốn đầu tư khoảng 1.320 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ trong vùng dự án còn được lắp đặt mạng điện trong nhà gồm 2 bóng đèn compact, 2 ổ cắm điện. Đến cuối tháng 12-2009, sau gần 2 năm triển khai, dự án đã hoàn thành được hơn 90% công việc. Theo báo cáo của Công ty Điện lực 3, đơn vị đảm nhận đầu tư xây dựng công trình điện cho 70.579 hộ ở 852 thôn, buôn chưa có điện thuộc các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng mức đầu tư hơn 1.122 tỷ đồng), thì đến đầu năm 2010 sẽ có 90% số hộ trong vùng dự án được cấp điện và dự án hoàn thành vào quý II năm 2010.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở đâu, chính quyền địa phương quan tâm, tích cực trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện về nguồn vốn ngân sách và giải ngân tốt thì ở đó các gói thầu xây lắp điện cho các thôn, buôn bảo đảm được tiến độ. Đắc Lắc có 315 thôn, gần 30 nghìn hộ được hưởng lợi từ chương trình, với tổng đầu tư  hơn 410 tỷ đồng. Nhưng qua triển khai cho thấy, đây là địa phương quan tâm và phối hợp làm tốt nhất công tác tuyên truyền vận động, giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, đến cuối tháng 12-2009, có 115 thôn, buôn đóng điện. Kỹ sư Lê Kế Vĩnh, Tổ trưởng tổ xung kích khu vực Đắc Lắc-Đắc Nông (Công ty Điện lực 3) cho biết: Hiện trên địa bàn Đắc Lắc có các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Ana và Krông Búc đã đóng điện xong cho tất cả các thôn, buôn trong vùng dự án.

Đối với bà con vùng hưởng lợi từ chương trình, công trình điện được xây dựng mang lại những thuận lợi lớn trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất. Chúng tôi cùng cán bộ, kỹ sư của Công ty Điện lực 3, về xã Ea Sin, huyện Krông Búc (Đắc Lắc). Đây là xã mới thành lập thuộc diện đặc biệt khó khăn. Phần lớn các thôn, buôn ở Ea Sin là đồng bào nghèo, được hỗ trợ định canh, định cư theo chương trình 134 từ năm 2004. 5 năm sống trong cảnh đèn dầu khiến nỗi khát khao ánh sáng điện trở của bà con trở nên cháy bỏng. Vì thế, ngày 9-1-2009, ngày Công ty Điện lực 3 đóng điện cho các buôn Cư Mtao, Cư Kanh, Ea Pông và Ea Sin, trở thành ngày vui không thể nào quên của 246 hộ dân với hơn 1 nghìn nhân khẩu đồng bào Ê Đê. Ông Y Blé Niê, buôn trưởng buôn Ea Sin và Y Huê Mlô cán bộ mặt trận buôn Cư Kanh vui mừng nói: “Có điện, đời sống bà con buôn mình được cải thiện nhiều lắm. Các cháu không phải học hành trong cảnh đèn dầu tù mù; bà con được xem ti vi, nghe đài và sử dụng các đồ điện dân dụng khác thuận tiện lắm!”.

Cũng theo lời Y Blé Niê, cuối năm 2008, Nhà nước còn đầu tư hàng chục tỷ đồng làm đường nhựa từ xã Ea Sin ra huyện Krông Búc có chiều dài hơn 15 km, tạo thuận lợi lớn cho bà con trong việc đi lại. Biết chúng tôi tìm hiểu về công trình điện thắp sáng của buôn mình, bà H’len Mlô mời bằng được chúng tôi vào nhà khoe bóng điện, bảng điện được chương trình cấp cho, rồi chỉ vào ti vi, đầu đĩa, nồi cơm điện, quạt điện, nói: “Nhờ được Nhà nước đầu tư công trình điện, gia đình mình mới có điều kiện sử dụng những vật dụng tiện lợi này. Mình và bà con buôn làng Tây Nguyên cảm ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ điện nhiều lắm. Cán bộ đã biết đến cái khó, cái thiếu, nỗi mong ước của buôn làng Tây Nguyên”.  

Niềm vui của gia đình bà H’len M’lô (buôn Ea Sin, xã Ea Sin, huyện Krông Búc, tỉnh Đắc Lắc) khi có điện.
Ngày khánh thành công trình cấp điện, nhiều buôn làng ở Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng tổ chức liên hoan bên ché rượu cần theo đúng phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Có buôn làng khi thấy công nhân thi công vất vả còn vận động nhau tặng cho anh em những sản vật thu hái từ nương rẫy. Phần đa các buôn làng đều tạo điều kiện thuận lợi cho công trình thi công đúng tiến độ. Có buôn làng ở huyện Cư Mgar (Đắc Lắc), khi đơn vị thi công vừa phóng tuyến, bà con đã tự nguyện bảo nhau chặt bỏ cây trồng để công trình cấp điện được xây dựng thuận lợi, mà không đòi hỏi đền bù.

Tuy nhiên, so với mốc thời gian ban đầu, chương trình cấp điện cho thôn, buôn chưa có điện ở Tây Nguyên bị chậm tiến độ. Nguyên nhân có phần do nguồn kinh phí không bảo đảm, nhưng chủ yếu vẫn là do giải phóng mặt bằng không đáp ứng yêu cầu. Có nơi như ở huyện Đắc Mil (Đắc Nông), đến cuối tháng 12-2009, có 7 trạm biến áp đã xây dựng hoàn chỉnh mà chưa đóng được điện chỉ vì công tác giải phóng mặt bằng cho hành lang an toàn lưới điện chưa được địa phương thực hiện. Ví như tại thôn 9, xã Đắc Rla, huyện Đắc Mil, trạm biến áp, đường dây trung áp và hạ áp đã hoàn chỉnh, đủ điều kiện đóng điện từ tháng 9-2009, nhưng đến nay chưa đóng được điện do vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thi công công trình cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện ở Tây Nguyên vô cùng khó khăn vất vả bởi hầu hết công trình xây dựng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông còn khó khăn, đời sống bà con còn nghèo nàn. Ở thôn 6 cũng như các thôn: Đắc Nia 1, Đắc Nia 2 và Đắc Nia 3 (xã Đắc Rla, huyện Đắc Mil, Đắc Nông), đơn vị thi công phải san ủi hàng chục km đường mới vận chuyển được trụ điện và nguyên vật liệu khác vào điểm thi công; ngoài ra đơn vị còn phải khoan đào đá tảng mới thi công được móng trụ điện. Hay tại thôn 7, xã Cư Roá, huyện Ma Đrắk, Đắc Lắc, đơn vị thi công phải sử dụng bè lứa để chuyên chở trụ điện và vật liệu xây dựng qua sông mới vào được địa điểm thi công; nhiều nơi, đường đi lại khó khăn nên vật liệu thi công phải bốc lên, hạ xuống nhiều lần, qua nhiều phương tiện vận chuyển rất tốn kém. Theo tính toán, ở nhiều thôn, buôn xa xôi, định mức đầu tư công trình điện lên tới hơn 2 triệu đồng/hộ.

Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả của chủ đầu tư, của các đơn vị thi công và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai chương trình cấp điện cho 1.338 thôn, buôn chưa có điện ở Tây Nguyên. Nhưng với quyết tâm cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phấn đấu trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần sẽ có thêm hàng trăm thôn, buôn ở Tây Nguyên được cấp điện, mang lại niềm vui lớn cho hàng nghìn hộ dân.
Theo: QĐND Online