Bình Định nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn hồ, đập.
Thực hiện nghiêm mọi quy định
Mặc dù có nhiều nhà máy thủy điện đang hoạt động hoặc đang xây dựng, nhưng trên thực tế, tỉnh Bình Định chỉ có 2 hồ thủy điện đang vận hành, đó là Vĩnh Sơn 1 và Trà Xom- những hồ lớn, được xây dựng kiên cố.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định- ngay từ đầu mùa mưa lũ, ngành Công Thương Bình Định đã tăng cường kiểm tra công tác an toàn hồ, đập thủy điện. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm. Tại hồ thủy điện Vĩnh Sơn 1 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), tình trạng an toàn hồ, đập được bảo đảm, chủ đầu tư đã quan tâm, bảo dưỡng, không có hiện tượng lún, sụt, sạt trượt cục bộ, không có vết nứt và hiện tượng bất thường... Công tác quan trắc được thực hiện nghiêm, có sổ sách ghi chép theo dõi quan trắc mực nước hồ, độ mở cống, sản lượng điện phát để tính các thông số lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng qua tràn, lưu lượng chạy máy…
Do những hồ thủy điện của Bình Định khá lớn, chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc lắp đặt các thiết bị quan trắc. Tất cả các đập chính và đập cửa nhận nước đều có lắp thiết bị quan trắc thấm, lún và chuyển vị ngang, các thiết bị đều hoạt động tốt. Về năng lực chống lũ, các hồ, đập trên địa bàn bảo đảm an toàn với kiểm tra lũ. Công tác quản lý vận hành công trình thực hiện nghiêm theo quy định.
Nói về việc ảnh hưởng của hồ, đập thủy điện đối với môi trường, đời sống dân cư, ông Thắng thẳng thắn: “Cần phải có cái nhìn khách quan với thủy điện. Khi xây dựng thủy điện, chúng ta phải hy sinh một phần diện tích rừng, có ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Tuy nhiên khi thủy điện đã vận hành và vận hành đúng quy trình, nguyên tắc, thủy điện sẽ giúp điều tiết nước, giảm lũ… Liên quan đến sạt lở, xói mòn, hay khô cạn ở hạ du chủ yếu là do tình trạng mất rừng”.
Công tác an toàn hồ, đập thủy điện được thực hiện nghiêm tại Bình Định.
Phòng, chống bão lũ “4 tại chỗ”
Ông Nguyễn Văn Thắng-Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định:
Các nhà máy thủy điện đều phải có phương án phòng, chống bão lũ với phương châm “4 tại chỗ” và coi công tác an toàn hồ, đập là nhiệm vụ thường xuyên.
|
Theo đánh giá chung, các hồ, đập thủy điện trên địa bàn có hạ tầng tốt, thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn, tuy nhiên không vì thế mà có thể chủ quan. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các công trình hồ, đập thủy điện phải lập phương án (phương án phải được phê duyệt) phòng, chống lũ hàng năm, ngành Công Thương Bình Định đã kiểm tra và cùng các đơn vị xây dựng phương án, đặc biệt là việc điều tiết nước vùng hạ du.
Theo đó, với thủy điện và hồ, đập Vĩnh Sơn 1, phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đơn vị đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ, phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập thủy điện Vĩnh Sơn năm 2014, đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3648/QĐ-BCT ngày 25/4/2014. Ngoài ra, quy trình vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn cũng đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm.
Xây dựng quy trình vận hành 6 hồ chứa
Dự thảo “Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn- Hà Thanh trong mùa lũ hàng năm” đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến để nhanh chóng ban hành, tạo thuận lợi cho quá trình điều hành các hồ trên lưu vực sông Kôn trong mùa lũ hàng năm. 6 hồ của tỉnh Bình Định được đưa vào quy trình gồm: Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Trà Xom, Định Bình, Núi Một và Thuận Ninh.
Theo dự thảo, kể từ ngày 1/9- 15/12 hàng năm, 6 hồ chứa trên lưu vực sông Kôn- Hà Thanh phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên, trước hết là bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ được kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm; bảo đảm công trình thủy điện Trà Xom, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ được kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Núi Một và Thuận Ninh, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ thiết kế, ứng với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 200 năm.
|