Tại Quyết định số 1791/2012/QĐ- TTg, Thủ tướng đã phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm để các nhà thầu trong nước có thể từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị công nghệ có quy mô, giá trị lớn này, đồng thời góp phần giải quyết bài toán nhập siêu lớn trong các sản phẩm cơ khí chế tạo hiện nay.
Theo Quy hoạch điện VII, tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 60 nhà máy nhiệt điện được xây dựng. Nếu tính suất đầu tư trung bình hiện nay thì Việt Nam sẽ phải đầu tư 97 tỷ USD để xây dựng các nhà máy này, trong đó phần chi phí thiết bị chiếm khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư, khoảng 67 tỷ USD. Cho đến nay, hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt điện tại Việt Nam đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC.
Theo Bộ Công Thương, hiện có khoảng 11 hạng mục thiết bị trong gói thầu EPC các nhà máy nhiệt điện mà năng lực, trình độ của các doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể đảm đương. Tuy nhiên, việc tham gia thiết kế, chế tạo, lắp đặt các gói thầu cơ khí trong nước vẫn đang khó khăn, các cơ chế ưu đãi trong Quyết định 1791 vẫn chậm đi vào thực tế, điển hình là khi đi vào các dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 hay Quỳnh Lập 1 đều gặp vướng mắc từ việc thu xếp vốn đến đáp ứng tiến độ, chất lượng dự án.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương đẩy nhanh trình tự thủ tục triển khai các cơ chế trong Quyết định 1791, thực hiện giao ban thường xuyên để xem xét, tháo gỡ ngay các vấn đề đối với từng dự án. Các DN nhận triển khai hợp tác chặt chẽ hơn với chủ đầu tư, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, thống nhất triển khai những quy trình phù hợp nhưng cũng tránh dàn trải, chồng chéo về đầu việc.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý một số vấn đề kiến nghị về bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện áp dụng Quyết định 1791, về giao đơn vị đầu mối, đôn đốc chủ đầu tư trình kế hoạch đầu tư dự án.
Theo: Báo Điện tử Chính phủ