Lắp đặt máy biến áp chính nhà máy nhiệt điện Sông Hậu.
Chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều "khó"
Hai dự án nhiệt điện lớn của cả nước đang được triển khai tại miền Nam là Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 (tỉnh Hậu Giang) và Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (tỉnh Sóc Trăng) được thực hiện theo QĐ 2414. Quyết định này nhằm điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 - 2020.
Điểm nổi bật nhất của QĐ 2414 chính là làm đến đâu thanh toán đến đó, hay còn gọi là cơ chế thực thanh, thực chi. Nghĩa là, dù DN có là tổng thầu EPC dự án nằm trong danh mục thực hiện theo QĐ 2414 thì cũng không có toàn quyền quyết định đối với các phần việc thi công lắp đặt của dự án. Điều này phát sinh nhiều vướng mắc khiến các dự án nhiệt điện lớn có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Tại Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Dự án - cho biết, tiến độ dự án hiện đang bị chậm khoảng 12% so với kế hoạch. Nguyên nhân do dự án được lập từ cuối năm 2009, đầu năm 2010, khi đó đơn giá xây dựng đã quá lạc hậu với thực tế. Đơn cử, gần đây, giá cát tăng gấp 3 - 4 lần, trong khi đó nhà thầu ký hợp đồng ở thời điểm giá cát chỉ bằng 1/3.
Ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Ban Dự án nhiệt điện Sông Hậu LILAMA, đơn vị làm tổng thầu EPC tại dự án này - chia sẻ khó khăn: Với một dự án nhiệt điện lớn như Sông Hậu, có tới hàng triệu chi tiết, hạng mục trong danh sách cần cập nhật giá. Nhưng thực tế rất nhiều định mức đơn giá không có hoặc chưa cập nhật đối với lĩnh vực lắp máy.
Chính vì thế, cả nhà thầu và chủ đầu tư cùng vướng. Ðơn cử, các gói thầu thi công đều được kiểm soát chặt chẽ từ khâu bảo vệ ý tưởng đến khâu thanh toán, quyết toán. Ðơn giá phải được kiểm duyệt trước rồi mới triển khai thi công và khi thi công xong phải được nghiệm thu mới thanh toán theo đơn giá tạm tính. Tổng giá trị thanh toán là 80% (giữ lại 20% dự phòng, khi thống nhất đơn giá mới thanh toán nốt). Quá trình này phải qua nhiều khâu, thủ tục phức tạp, nếu ách tắc một khâu nào đó, hoặc thay đổi, bổ sung, lại phải quay vòng, lặp lại quy trình như cũ, kéo theo nhiều thủ tục phát sinh, nhất là chi phí quản lý.
Chia sẻ thêm về khó khăn này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Ban Dự án điện Long Phú 1 LILAMA (tại Sóc Trăng) - đưa ví dụ cụ thể: Theo đơn giá tạm tính thì hạng mục lắp đặt kết cấu thép nhà điều khiển trung tâm, gian tuabin/máy phát có đơn giá là 2 triệu đồng/tấn. Trong khi giá lắp đặt thực tế dao động khoảng 9 triệu đồng/tấn. Một nghịch lý nữa, đơn giá xây dựng do chủ đầu tư quyết định, nhưng người thụ hưởng lại là các nhà thầu. Do vậy, khoảng cách chênh lệch giữa giá thực tế và đơn giá của chủ đầu tư thường quá lớn.
Gỡ "nút thắt" cơ chế
Trước những khó khăn, vướng mắc và nguy cơ bị chậm tiến độ, cả phía chủ đầu tư (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và nhà thầu (LILAMA) đã phối hợp kiến nghị Bộ Xây dựng sớm đưa ra định mức đơn giá cho từng hạng mục. Đồng thời đề xuất: Chỉ nên áp dụng QĐ 2414 cho các công trình xây dựng phổ thông chứ chưa nên thực hiện với những công trình đặc thù như nhiệt điện. Bởi thực tế, trong nước mới chỉ có đơn giá định mức cho các công trình xây dựng dân dụng, chưa có định mức đơn giá cho các công trình lớn như nhiệt điện.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết: Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2017. Năm 2018 mới lập định mức và giá mới, dự kiến, năm 2021 sẽ hoàn thành.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, nên để thị trường tự điều tiết. Ông Hùng phân tích: Sẽ rất khó khăn để xác định "cứng" một đơn giá cố định, bởi đơn giá thay đổi từng ngày, từng giờ. Có khi đơn giá mới được cập nhật thì chỉ đến tháng sau, năm sau lại lỗi thời. Chính vì thế, ông Hùng đề xuất, có thể nhà nước chỉ công bố một số định mức như: Suất đầu tư và đơn giá xây dựng tổng hợp bộ phận công trình theo khu vực; xác định suất đầu tư công trình theo quy mô các loại công trình, công trình đặc biệt, áp dụng cho tất cả dự án vốn nhà nước, vốn PPP, BOT và khuyến khích các dự án có nguồn vốn đầu tư khác thực hiện theo, còn lại, hãy để thị trường tự điều tiết, quyết định.
Hệ thống định mức giá mới phải đến năm 2021 mới ra đời (nếu theo đúng kế hoạch). Trong khi hai nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và Long Phú 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Như vậy, việc cần một cơ chế định giá linh hoạt cho cả hai dự án này, giúp đẩy nhanh tiến độ là rất cần thiết và cấp bách. |