Tin thế giới

Canada nhập khẩu điện từ Hoa Kỳ do hạn hán

Thứ tư, 27/11/2024 | 10:31 GMT+7
Tình hình hạn hán kéo dài đang buộc Canada phải nhập khẩu điện từ Hoa Kỳ sau gần hai mươi năm xuất khẩu lượng thủy điện dư thừa sang nước láng giềng.

Đập Libby ở bang Montana, Hoa Kỳ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hạn hán ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã dẫn đến thiếu hụt sản lượng thủy điện trầm trọng vào năm 2023. Ảnh: The Finalcial Times.

Nhu cầu điện tăng cao do số hóa và chuyển hoạt động sản xuất về nước, cùng với nguồn cung điện giảm do hạn hán, đã làm phức tạp quá trình chuyển đổi năng lượng của Canada và mối quan hệ thương mại với quốc gia láng giềng hùng mạnh.

Nhiều vùng ở Canada, đặc biệt là các tỉnh sản xuất thủy điện hàng đầu như Québec, British Columbia và Manitoba, đang trải qua hạn hán nghiêm trọng. Trước đây, các tỉnh này có đủ điện dự phòng từ thủy điện để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng hiện tại Canada đã phải nhập khẩu điện từ nước láng giềng phía nam.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), xu hướng này đã đảo ngược từ tháng 9/2023 đến tháng 6/2024, chủ yếu do hạn hán làm giảm lượng nước chảy vào các hồ chứa miền tây Canada và giá khí đốt tự nhiên thấp hơn tại Mỹ khiến giá điện cạnh tranh hơn.

Thách thức với thủy điện mà Canada đang đối mặt cũng xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. Viện Năng lượng Vương quốc Anh (IoE) cho biết, hạn hán đã khiến sản lượng thủy điện toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm vào năm ngoái. Tại Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khác, hạn hán nghiêm trọng đã gây ra những khó khăn trầm trọng cho thủy điện vào năm 2023, buộc nhiều nước phải chuyển sang nhiên liệu hóa thạch. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc này đã làm tăng hơn 40% mức khí thải nhà kính toàn cầu năm ngoái.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), sản lượng điện từ thủy điện của Hoa Kỳ trong năm nay dự kiến đạt mức thấp nhất kể từ năm 2001, do điều kiện hạn hán "cực đoan và bất thường".

Sean Turner, chuyên gia thủy điện tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge (Oak Ridge National Laboratory), giải thích rằng thủy điện phụ thuộc hoàn toàn vào khí hậu. Ông nhấn mạnh: "Xu hướng này thay đổi tùy thuộc vào vị trí địa lý và vẫn rất khó đoán định. Nhiệt độ tăng sẽ thúc đẩy bốc hơi nước ở các lưu vực sông, làm giảm nguồn nước dự trữ cho thủy điện".

Vào tháng 3, Cơ quan Thống kê Canada, cơ quan dữ liệu chính thức, báo cáo rằng sản lượng điện được tạo ra ở Canada đã giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 615,3 triệu MWh vào năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Cơ quan này cho biết: "Gần như toàn bộ sự sụt giảm trong sản lượng điện năm 2023 đều liên quan đến thời tiết".

Xuất khẩu điện của Canada sang Hoa Kỳ giảm xuống còn 3,2 tỷ USD vào năm 2023, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu điện từ Hoa Kỳ sang Canada tăng mạnh, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 454,5 triệu USD so với năm 2022.

Sự sụt giảm sản lượng thủy điện của Canada đang gây ra những tác động không chỉ về mặt kinh tế mà còn về chính trị. Heather Exner-Pirot, Giám đốc chính sách tại Viện Macdonald-Laurier ở Ottawa, nhận định rằng năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán gia hạn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (USMCA) giữa Canada, Hoa Kỳ và Mexico, dự kiến bắt đầu vào năm 2026.

"Việc sụt giảm xuất khẩu điện của Canada sang Hoa Kỳ đang xảy ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn," Exner-Pirot nhấn mạnh. Sự suy giảm này có thể làm suy yếu vị thế đàm phán của Canada trong bối cảnh cần củng cố các đòn bẩy thương mại với Washington.

Đặc biệt, việc Donald Trump đắc cử tại Hoa Kỳ được dự báo sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán thương mại, khi chính quyền của ông thường áp dụng các chính sách cứng rắn trong thương mại quốc tế.

Exner-Pirot lưu ý rằng sự suy giảm sản lượng thủy điện có thể mang tính chu kỳ, với triển vọng những năm ẩm ướt hơn trong tương lai sẽ giúp phục hồi xuất khẩu. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng các rào cản về quy định đang làm chậm tiến độ triển khai các dự án thủy điện mới.

"Khi nhu cầu điện toàn cầu đang gia tăng, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Canada cần nhanh chóng cải thiện khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng," bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn.

Mặc dù các điều kiện thời tiết đã và đang ảnh hưởng đến sản lượng thủy điện, các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang làm tăng tính bất định và cực đoan trong các hiện tượng thời tiết. Điều này, khiến việc dự báo sản lượng thủy điện trở nên khó khăn hơn trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, về dài hạn, mô hình hóa tác động khí hậu chỉ ra rằng lượng mưa trung bình hằng năm có thể tăng tại các khu vực sản xuất thủy điện ở Canada, mang đến cơ hội phục hồi sản lượng và tăng cường xuất khẩu điện.

Theo Bộ Tài nguyên Canada (National Resources Canada), những biến động hằng năm trong xuất khẩu điện của Canada đã xảy ra trước đây không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc thiếu ổn định nguồn cung điện do hạn hán, kết hợp với nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc nâng cấp hạ tầng năng lượng quốc gia.

Theo: EVN