Không có vốn đổi mới công nghệ
Hạn chế lớn nhất mà sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (CTSDNLTKHQ) và hơn 3 năm thực hiện Luật SDNLTKHQ, là nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp (DN) vẫn chưa sẵn sàng tiếp cận với công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL). Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao. Cụ thể, chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây chuyền công nghệ, nhưng không quá 5 tỉ đồng cho 1 DN đã không còn thu hút được DN lớn vì mức hỗ trợ nêu trên được xem là quá thấp so với tổng mức đầu tư mà DN phải bỏ ra.
Ông Nguyễn Tấn Lộc – Phó TGĐ EVN cho biết: Phụ tải của một số ngành tăng đột biến ngoài quy hoạch, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực sản xuất ximăng, sắt thép, hoá chất... Chẳng hạn, VN hiện có tới 108 dây chuyền ximăng đang hoạt động, công suất khoảng 65 triệu tấn thì năm 2011 là 7 triệu tấn ximăng dư thừa. Theo quy hoạch ngành ximăng đến năm 2015, tổng công suất đạt 75 triệu tấn và dư thừa lên tới 10 triệu tấn. Ngành thép hiện có khoảng 65 dự án sản xuất, công suất trên 100.000 tấn/năm,. Công suất thép xây dựng dư thừa tới 1,5-2 lần so với nhu cầu.
Nhiều ngành sản xuất phát triển không theo quy hoạch gây khó khăn trong cung ứng điện.
Ông Lộc cũng chỉ ra, do công suất của hầu hết các dự án sắt thép, ximăng đều nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, chủ yếu từ Trung Quốc khiến tiêu thụ điện bình quân trên 1 tấn sản phẩm cao hơn bình quân thế giới 17% với ximăng, và 57% với sắt thép. Tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu... người dân ồ ạt trồng thanh long tự phát, tốc độ tăng tới 70-80%/năm. Trong khi quy hoạch phát triển thanh long cả tỉnh đến 2015 chỉ là 15.000ha... EVN cho biết, việc phát triển “nóng” cây thanh long dẫn tới tình trạng thiếu điện chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, ở ĐBSCL như Cần Thơ, Sóc Trăng... phong trào nuôi tôm nước lợ tự phát, ngoài quy hoạch cũng dẫn đến nhu cầu sử dụng điện chạy quạt phục vụ nuôi tôm tăng cao, dẫn đến quá tải cục bộ nhiều trạm biến áp, gây cháy nổ, mất điện...
Sẽ áp giá điện cao với DN không tiết kiệm điện
Theo VEA, hiện mức tiêu thụ năng lượng cho một đơn vị sản phẩm của nước ta còn quá cao. Cường độ tiêu thụ điện đối với GDP (kWh/USD) ở VN năm 2010 là 1,0; năm 2020 dự báo là 1,5; hệ số đàn hồi điện so với GDP hiện vào khoảng 1,6-1,7, nghĩa là để tăng trưởng 1% GDP, VN cần tăng trưởng điện lên tới 1,6-1,7%, trong khi ở nhiều nước dưới 1. Điều này đang đặt ra yêu cầu cần phải nhanh chóng giảm hệ số đàn hồi NL xuống. Tuy nhiên, điều này là rất khó khả thi.
Ông Trần Viết Ngãi đề ra các giải pháp để TKNL hiệu quả là sớm hiệu chỉnh quy hoạch điện VII, xác định chính xác hơn nhu cầu điện năng, từ đó đề ra các công trình điện cần được xây dựng với vốn đầu tư hợp lý; điều hành hệ thống điện giảm tổn thất, đảm bảo tăng sản lượng điện thương phẩm, hạn chế tối đa việc nhập điện từ Trung Quốc. Trên phương tiện tổng thể, VN cần ưu tiên phát triển các ngành CN có cường độ NL thấp, thay thế các thiết bị hiệu suất thấp, áp dụng công nghệ mới, sản xuất trang thiết bị hiệu suất cao, khuyến khích thuế cho các DN tiết kiệm NL, miễn giảm thuế thu nhập phát sinh từ các hoạt động TKNL, trợ giá cho các dây chuyền sản xuất sản phẩm TKNL...
Phó TGĐ EVN Nguyễn Tấn Lộc cũng cho rằng, giá điện trên thực tế vẫn thấp, chưa tiệm cận với giá thị trường do đầu vào, đầu ra của NL chưa phản ánh được đầy đủ thành phần chi phí nhiên liệu trong giá thành sản xuất. Giá điện thấp dẫn đến người dân, DN chưa có động lực để tiết kiệm điện trong sản xuất, tiêu dùng. EVN kiến nghị cần xem xét cơ chế giá điện hợp lý để khuyến khích DN trong và ngoài nước phát triển các dạng NL tái tạo. Có cơ chế áp dụng giá điện cao hơn đối với các DN chưa thực hiện tốt chính sách, quy định về TKNL. Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét, hỗ trợ người dân, DN chuyển đổi các thiết bị sử dụng điện ; chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu cơ chế cho DN vay vốn đầu tư, chuyển đổi dây chuyền thiết bị TKNL.